Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tìm hướng phát triển cho hợp tác xã 

Cập nhật ngày: 06/06/2022 - 06:09

BTN - Để gỡ khó cho các HTXNN phát triển bền vững, Sở NN&PTNT tập trung tuyên truyền Luật HTX năm 2012; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo- nhất là công nghệ cao; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...

Người dân tham quan mô hình trồng chuối trên địa bàn huyện Tân Châu.

Hợp tác xã (HTX) có vai trò, vị trí quan trọng, vừa hỗ trợ thành viên tích cực tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vừa thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Song, HTX nông nghiệp vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn cần tháo gỡ để hội nhập trong tình hình mới.

Cần tháo gỡ khó khăn

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 4.2022, hợp tác xã nông nghiệp (HTX NN) vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số HTX của tỉnh- 107 HTX NN/164 HTX, chiếm 65,24% HTX. Số HTX NN hoạt động hiệu quả: 75/107 HTX NN- chiếm 70,09%. Doanh thu bình quân hằng năm của HTX NN là 1 tỷ đồng; lãi bình quân là 350 triệu đồng; thu nhập bình quân lao động thường niên khoảng 6 triệu đồng/người/tháng.

Đa số các HTX NN còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 gây ra làm đứt gãy chuỗi liên kết, giá nguyên liệu tăng cao, vận chuyển khó khăn, doanh thu giảm… Trước những khó khăn trên, Sở đã phối hợp hỗ trợ tiêu thụ nông sản, kết nối với các HTX, doanh nghiệp, trang trại và các cơ sở sản xuất, đưa các sản phẩm nông sản lên các sàn thương mại điện tử.

Ông Võ Văn Hoa Vinh- Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tân Châu cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện có 16 HTX,  trong đó, 6 HTX đang hoạt động, 5 HTX mới thành lập và 5 HTX ngừng hoạt động. Các hợp tác xã thành lập theo nhu cầu thị trường và phù hợp với tình hình phát triển nông nghiệp của địa phương.

Một số HTX trên địa bàn huyện hoạt động còn cầm chừng, không hiệu quả do thiếu nguồn nhân lực để điều hành hoạt động, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định, tâm lý các xã viên chưa thật sự yên tâm với mô hình HTX, sự cạnh tranh với nhiều sản phẩm từ thị trường bên ngoài.

Ông Nguyễn Văn Nấu- Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bến Cầu cho biết, trên địa bàn huyện có 10 HTX lĩnh vực nông nghiệp. Đa số các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp như: sản xuất lúa, bắp, mì, thanh long… nhưng sản phẩm bán ra với giá thấp, trong khi đó, giá vật tư ngày càng tăng giá, ảnh hưởng đến lợi nhuận của HTX; ban điều hành HTX chưa qua tập huấn, chủ yếu áp dụng kinh nghiệm tự có, chưa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất, sản phẩm làm ra chưa được sơ chế, chưa xây dựng chuỗi giá trị, chưa có phương án kinh doanh… nên đa số các HTX chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ông Trịnh Văn Dững- Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp - chăn nuôi bò sữa xã Long Khánh (huyện Bến Cầu) cho biết, HTX được thành lập đầu năm 2020, có 15 thành viên tham gia hoạt động, nhưng chỉ 4 thành viên tham gia mô hình chăn nuôi bò sữa.

Trong quá trình chăn nuôi, HTX cũng có những thuận lợi như: được sự quan tâm của địa phương hỗ trợ các thành viên HTX đi tham quan học tập kinh nghiệm tại các mô  hình chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh và Long An; giải quyết được việc làm và nâng cao thu nhập cho các thành viên  tham gia trong HTX; được sự quan tâm của Nhà nước, HTX xây dựng đề án trình tỉnh và huyện hỗ trợ kinh phí đầu tư mô hình chăn nuôi bò sữa. Giai đoạn đầu trong năm 2021, HTX nhận được tiền hỗ trợ 270 triệu đồng để HTX đầu tư con giống, thức ăn cho bò, tinh phối giống cho bò sinh sản.

Để tiếp tục được hỗ trợ nguồn vốn đầu tư, HTX xây dựng đề án, có văn bản trình UBND huyện và được UBND huyện phê duyệt, trong năm 2022, UBND huyện tiếp tục hỗ trợ khoảng 270 triệu đồng để HTX xây dựng trang trại, kết cấu hạ tầng và đầu tư các phương tiện phục vụ chăn nuôi như: máy cắt cỏ, máy vắt sữa bò…

Công nhân đóng gói chuối tại một HTX sản xuất chuối trên địa bàn huyện Tân Châu.

Trong quá trình chăn nuôi, HTX gặp một số khó khăn, vì đây là mô hình chăn nuôi bò sữa đầu tiên trên địa bàn huyện Bến Cầu, nên người chăn nuôi chưa được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi bò sữa, trong quá trình chăn nuôi xuất hiện nhiều loại bệnh như: đường hô hấp, bệnh viêm tuyến vú, viêm móng;  giá thức ăn cho bò tăng cao khoảng 100.000 đồng; giá xăng dầu cũng tăng hơn 30.000 đồng/lít, nhưng giá bán sữa không tăng, bình quân giá bán sữa khoảng 14.000 đồng/kg khiến lợi nhuận của HTX không nhiều, chậm thu hồi vốn.

Ông Ngô Ngọc Thành- Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành cho biết, đến nay, toàn huyện có 19 HTX nông nghiệp, chiếm 79,16% trong tổng số HTX toàn huyện. Phân loại theo lĩnh vực hoạt động chính có 2 HTX lĩnh vực chăn nuôi, 17 HTX dịch vụ nông nghiêp, trong đó chủ yếu hoạt động dịch vụ thuỷ lợi, sản xuất lúa.

Ông Thành cho biết thêm, tất cả các HTX đang hoạt động, phần lớn đều hoạt động đúng lĩnh vực đăng ký kinh doanh. Nguồn thu của các HTX DV NN chủ yếu từ nguồn thu 8% chi phí quản lý, điều hành việc cung cấp và sử dụng nước tưới từ Xí nghiệp thuỷ lợi Châu Thành. Doanh thu bảo đảm chi phí cho người trực tiếp tham gia hoạt động của HTX.

Tuy nhiên, các giám đốc HTX DV thuỷ lợi và dịch vụ nông nghiệp, đa phần là người lớn tuổi chưa qua đào tạo; chỉ hoạt động 1 lĩnh vực “quản lý, điều hành việc cung cấp và sử dụng nước tưới”; khả năng phát triển các lĩnh vực khác là không khả thi. Vốn góp của mỗi thành viên thấp (100.000 đồng/người), dẫn đến vốn điều lệ của từng HTX thấp, không bảo đảm để đầu tư phát triển lĩnh vực khác; không tổ chức họp/đại hội thành viên theo quy định.

Ngoài ra, HTX chưa tạo được niềm tin đối với từng thành viên; tỷ lệ thành viên tham gia vào hoạt động của các HTX rất thấp (khoảng 5 đến 7 người/1 HTX), chiếm 18%-19%/tổng số thành viên tham gia góp vốn. Các HTX đều không có nguồn kinh phí để trả lương kế toán làm việc theo đúng quy định của Luật HTX; không có đội ngũ trẻ kế thừa.

Để HTX là bệ đỡ của nông nghiệp địa phương

Là tỉnh có thế mạnh để phát triển nông nghiệp, trong đó nông nghiệp có vai trò là trụ đỡ nền kinh tế của tỉnh. Vì vậy, việc phát triển HTX hoạt động hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao, gắn với tiêu thụ sản phẩm; hướng đến mục tiêu tăng thu nhập cho nông dân trong tỉnh trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Tạo động lực để HTX nông nghiệp phát triển, trong thời gian tới, Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành đã có nhiều giải pháp cụ thể để hỗ trợ HTX trên địa bàn phát triển hiệu quả hơn. Rà soát, đánh giá hoạt động của các HTX nông nghiệp trên địa bàn; hỗ trợ, hướng dẫn các HTX điều chỉnh hoạt động đúng Luật Hợp tác xã năm 2012.

Đối với các HTX ngừng hoạt động lâu ngày, không hoạt động, hoạt động không hiệu quả vận động, hướng dẫn HTX tự giải thể hoặc hỗ trợ chuyển sang loại hình kinh doanh khác. Trường hợp không tự giải thể thì thực hiện thủ tục giải thể bắt buộc theo quy định.

Bên cạnh đó, Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành kiến nghị Liên minh HTX phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện, hỗ trợ các HTX hiện có củng cố lại tổ chức bộ máy, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả. Đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ các HTX thành lập mới hoạt động theo đúng Luật Hợp tác xã năm 2012. Các sở, ngành tỉnh sớm tham mưu UBND tỉnh có cơ chế chính sách hỗ trợ thành lập mới, củng cố tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Để HTX là bệ đỡ cho ngành nông nghiệp, ông Võ Văn Hoa Vinh kiến nghị tỉnh tiếp tục thực hiện mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở HTX nông nghiệp, hướng dẫn hỗ trợ các HTX trên địa bàn huyện Tân Châu được hưởng chế độ trên.

Đồng thời, phát triển HTX trên cơ sở vận động các tổ hợp tác đã có trên địa bàn để tham gia thành lập HTX; lựa chọn các sản phẩm có thế mạnh của địa phương, vận động thành lập các HTX để phối hợp cùng các doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; chú trọng tuyên truyền thông qua nhiều hình thức đa dạng, đặc biệt là thông qua các mô hình, các phong trào thi đua để vận động các cấp, các ngành, đoàn thể và doanh nghiệp, HTX, hộ thành viên sản xuất, lực lượng sáng lập viên HTX như: nông dân sản xuất giỏi, chủ trang trại, những người có kinh nghiệm, uy tín với cộng đồng và có tiềm lực kinh tế tham gia thành lập và phát triển HTX.

Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ hệ thống quản lý nhà nước, lực lượng hỗ trợ, lực lượng trực tiếp hoạt động ở các HTX và thành viên HTX; huy động nguồn lực để hỗ trợ có hiệu quả cho HTX nông nghiệp tiếp cận nguồn vốn; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, HTX tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu để phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Văn Nấu cho biết, trong năm 2022, Phòng NN&PTNT tham mưu UBND huyện Bến Cầu chỉ đạo cho các HTX phải xây dựng phương án kinh doanh, tạo tiền đề để tiếp cận các chuỗi giá trị, kể cả tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Để gỡ khó cho các HTXNN phát triển bền vững, Sở NN&PTNT tập trung tuyên truyền Luật HTX năm 2012; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo- nhất là công nghệ cao; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; tạo sự cạnh tranh lành mạnh gắn với mở rộng thị trường và phát triển thương hiệu theo chuỗi giá trị sản phẩm và thế mạnh của từng vùng; quy hoạch vùng nguyên liệu theo điều kiện sản phẩm, thị trường; nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ và các chủ thể tham gia kinh tế tập thể, HTX.

Nhi Trần