Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Qua 5 năm thực hiện chương trình Giáo dục Mầm non:
Tìm lại chỗ đứng cho bậc học “ươm mầm”
Thứ tư: 08:14 ngày 30/12/2015

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Chương trình giáo dục mầm non (còn gọi là chương trình giáo dục mầm non mới) được triển khai từ năm học 2009-2010 theo tinh thần Thông tư số 17/2009/TT-BGDĐT ngày 25.9.2009 của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Số lượng trường, nhóm lớp trong tỉnh thực hiện chương trình này tăng dần qua các năm học. Có thể nói bậc học “ươm mầm” đã dần tìm lại được chỗ đứng quan trọng- đúng như vốn có của mình.

Trong một lớp học mầm non ở huyện Tân Châu.

Năm học đầu tiên (2009-2010), số trường trong tỉnh thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới chỉ đạt 59/117 (tỷ lệ 50,4%) với 376 nhóm lớp và 12.849 trẻ. Năm học 2014-2015, tổng số trường thực hiện chương trình là 127/127 (tỷ lệ 100%) với 1.106 nhóm lớp và 33.881 trẻ.

Dạy và học đều phải tích cực

Theo nhận định của lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo, chương trình giáo dục mầm non mới được xây dựng xuất phát trên quan điểm giáo dục tích hợp, giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Qua đó tạo điều kiện cho trẻ được hoạt động tích cực, trẻ trở nên mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp, tích cực tham gia các hoạt động vui chơi, học tập, thực hành trải nghiệm, khám phá những điều các cháu chưa biết và có cơ hội bộc lộ khả năng của bản thân.

Chương trình giáo dục mầm non mới giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm xã hội, thẩm mỹ và kỹ năng sống qua nhiều hoạt động trong ngày theo chủ đề. Các chủ đề này được xây dựng mở rộng dần từ đơn giản đến phức tạp, từ gần đến xa, từ bản thân trẻ đến gia đình, môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Học sinh mầm non được học 2 buổi/ngày, được chăm sóc ăn, ngủ, vệ sinh, bảo đảm an toàn trong môi trường giáo dục thân thiện, vui tươi và được đối xử công bằng.

Năm học 2014-2015, có 31.825/33.881 trẻ được theo dõi đánh giá sự phát triển bằng các hình thức đánh giá trẻ hằng ngày. Trong đó có 19.051/19.051 trẻ mẫu giáo 5 tuổi được đánh giá theo bộ chuẩn phát triển trẻ mẫu giáo 5 tuổi, tỷ lệ 100%. Qua kết quả đánh giá, giáo viên xác định được mức độ phát triển của trẻ và có những biện pháp hỗ trợ thích hợp, giúp trẻ phát huy tối đa khả năng sáng tạo, tính tích cực cá nhân.

Đối với cán bộ quản lý và giáo viên, sau khi thực hiện chương trình giáo dục mầm non, đội ngũ cán bộ quản lý tích cực tham gia các lớp tập huấn, triển khai các văn bản chỉ đạo về thực hiện chương trình. Cán bộ, giáo viên biết vận dụng những kiến thức, kỹ năng được tập huấn một cách mềm dẻo, linh hoạt trong việc xây dựng kế hoạch, hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục mầm non ở đơn vị theo quan điểm giáo dục tích hợp, giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.

Chương trình có độ mở, cho phép linh hoạt nhằm tăng cường tính chủ động của giáo viên trong việc lựa chọn những nội dung giáo dục cụ thể, phù hợp với kinh nghiệm sống và khả năng của trẻ. Chương trình đưa ra những yêu cầu cần đạt sau một thời gian nhất định để giáo viên chủ động và linh hoạt trong thực hiện kế hoạch.

Điểm mạnh trong thực hiện chương trình giáo dục mầm non của tỉnh Tây Ninh là các giáo viên nắm được nội dung chương trình khung, biết xây dựng kế hoạch, môi trường giáo dục phù hợp với đặc điểm nhóm, lớp và tình hình thực tế của địa phương. Cán bộ, giáo viên có tinh thần tự học, tìm tòi nghiên cứu tài liệu tham khảo, có nhiều sáng tạo, năng động trong quá trình thực hiện chương trình.

Nhà trường chú trọng đánh giá sự tiến bộ của trẻ, trên cơ sở đó giáo viên điều chỉnh kế hoạch, tổ chức các hoạt động giáo dục tiếp theo cho phù hợp với trẻ, phù hợp thực tế. Các trường tổ chức hoạt động hài hoà giữa chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, chuyển tải hết nội dung cho trẻ, giúp trẻ lĩnh hội các kiến thức một cách nhẹ nhàng, dễ hiểu.

Tính đến năm học 2014-2015, có 100% giáo viên đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, trong đó 61% đạt trình độ chuyên môn trên chuẩn.

Trong nhiều năm qua, công tác đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng dạy học cấp học mầm non được quan tâm nên đã khắc phục tình trạng thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng dạy học, tạo điều kiện cho các trường mầm non, mẫu giáo thực hiện chương trình giáo dục mầm non đạt hiệu quả cao.

Sở Giáo dục - Đào tạo đã chỉ đạo các Phòng Giáo dục - Đào tạo tích cực tham mưu với UBND các cấp trong việc dành quỹ đất cho các cơ sở giáo dục mầm non, xây mới, nâng cấp, sửa chữa các phòng học xuống cấp và phòng chưa bảo đảm diện tích cho trẻ tham gia hoạt động theo yêu cầu chương trình giáo dục mầm non. Đến nay, toàn tỉnh đã xây mới 534 phòng học, 100% các trường mầm non, mẫu giáo có đủ phòng học cho trẻ khang trang, sạch đẹp và đúng chuẩn theo quy định.

Các thiết bị đồ dùng dạy học, đồ chơi cho trẻ được các trường mầm non, mẫu giáo tổ chức bổ sung hằng năm vì thế số nhóm lớp có đủ các thiết bị đáp ứng nhu cầu dạy và học theo chương trình ngày càng tăng. Tính đến năm học 2014-2015, 100% các lớp mẫu giáo 5 tuổi được trang bị đủ đồ dùng dạy học, đồ chơi theo quy định.

Ngoài cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học và đồ chơi, các trường mầm non, mẫu giáo còn chú trọng đến việc xây dựng môi trường trong và ngoài lớp cho trẻ vui chơi, học tập. Các góc chơi cho trẻ được bố trí, sắp xếp theo nguyên tắc bảo đảm an toàn, có không gian hợp lý, linh hoạt, có sự thay đổi theo chủ đề, chủ điểm, có những góc mở để kích thích trẻ hoạt động tích cực.

Môi trường bên ngoài lớp cũng được cải thiện từng bước, trong đó chú ý việc quy hoạch trồng cây xanh, làm vườn trường, bố trí đồ chơi hợp lý, giúp trẻ có khu vui chơi ngoài trời thoải mái, vệ sinh, an toàn, mang tính giáo dục cao.

Đến nay, 100% các trường mầm non, mẫu giáo có xây dựng khu vực phát triển vận động cho trẻ, từng khu vực chơi thể hiện được nội dung giáo dục  theo từng chủ đề gần gũi với trẻ đồng thời thể hiện nét văn hoá của địa phương. Bên cạnh những đồ chơi ngoài trời được trang cấp, các trường còn tận dụng những nguyên vật liệu đã qua sử dụng để tạo ra những đồ chơi ngoài trời mang tính sáng tạo cao như thang leo, xích đu, vòng chui làm từ vỏ xe và dây thừng…

Không xem nhẹ công tác quản lý

Hằng năm, ngành Giáo dục - Đào tạo đều tổ chức thanh tra chuyên ngành, thanh tra chuyên môn, kiểm tra việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non tại các cơ sở giáo dục mầm non. Các cơ sở giáo dục mầm non cũng xây dựng kế hoạch kiểm tra nội bộ, trong đó chú trọng đến công tác dự giờ thăm lớp, kiểm tra việc thực hiện chương trình.

Ngành đã tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo nhằm nâng cao trình độ chuyên môn trên chuẩn cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên; xây dựng kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên và chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện, có sơ, tổng kết rút kinh nghiệm hằng năm. Ngành cũng cử cán bộ, giáo viên cốt cán tham dự các lớp tập huấn chương trình giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức.

Sở Giáo dục - Đào tạo trực tiếp triển khai chương trình giáo dục mầm non đến tận cán bộ, giáo viên của 9/9 huyện, thành phố. Hằng năm, các cấp quản lý triển khai kế hoạch tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non như: xây dựng kế hoạch năm, tháng, tuần theo yêu cầu của chương trình; thiết kế hoạt động phát triển các lĩnh vực giáo dục theo từng độ tuổi tại các trường; tổ chức các hình thức giáo dục phù hợp với sự phát triển của trẻ; tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hình thành kỹ năng sống cho trẻ; đánh giá sự phát triển của trẻ theo chủ đề và bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi.

Qua 5 năm thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới, Sở Giáo dục - Đào tạo đã chỉ đạo điểm và tổ chức tham quan, dự giờ, xây dựng các chuyên đề như: bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi, chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số; xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; giáo dục an toàn giao thông; giáo dục bảo vệ môi trường; giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vv…vv…

Giáo dục mầm non đã có bước phát triển mạnh sau 5 năm triển khai chương trình mới (ảnh minh hoạ - ĐVT).

Khó khăn còn đó

Đánh giá về kết quả triển sau 5 năm triển khai chương trình giáo dục mầm non, lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo cho rằng: một trong những khó khăn, hạn chế là tỷ lệ bố trí giáo dục mầm non bình quân toàn tỉnh chưa bảo đảm theo quy định (mới đạt 1,4 giáo viên/lớp) nên có những hạn chế nhất định trong việc thực hiện chương trình. Đa số các lớp mẫu giáo dưới 5 tuổi chưa được trang bị đầy đủ đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định. Một số điểm lẻ của trường mầm non, mẫu giáo có diện tích chưa bảo đảm quy định theo điều lệ trường mầm non nên chưa trang bị được thiết bị, đồ chơi ngoài trời.

Trong thời gian tới, ngành Giáo dục, chính quyền các cấp còn nhiều việc phải làm. Trong đó, cần tiếp tục xây mới phòng học, phòng chức năng, trang bị đồ dùng, đồ chơi cho các lớp dưới 5 tuổi; xây dựng, hoàn thiện môi trường, cảnh quan sư phạm trong và ngoài lớp để đủ điều kiện thực hiện chương trình giáo dục mầm non.

Tinh thần chính của chương trình giáo dục mầm non mới bao gồm 5 lĩnh vực: phát triển ngôn ngữ, phát triển thể chất, phát triển nhận thức và tình cảm, phát triển kỹ năng xã hội và phát triển thẩm mỹ. Chương trình giáo dục mầm non mới chú trọng phương pháp dạy học theo tinh thần “dạy như thế nào” hơn là “dạy cái gì”.

Căn cứ vào tình hình thực tế, Sở Giáo dục - Đào tạo sẽ tham mưu với UBND tỉnh bổ sung chỉ tiêu biên chế cho bậc học mầm non để đáp ứng việc nâng cao chất lượng thực hiện chương trình. Các phòng Giáo dục - Đào tạo cần tham mưu UBND huyện và thành phố quan tâm đầu tư xây dựng bếp ăn cho các trường mầm non, mẫu giáo nhằm tăng số trường tổ chức học bán trú.

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo, từ khi triển khai chương trình giáo dục mầm non, ngành đã phối hợp chặt chẽ với các bậc phụ huynh học sinh, các lực lượng xã hội, mạnh thường quân ở địa phương làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục mầm non.

Phụ huynh học sinh cùng chính quyền địa phương các cấp đã ủng hộ, đóng góp đồ dùng, nguyên vật liệu, phối hợp với nhà trường tổ chức các hoạt động phù hợp với từng thời điểm, chủ đề trong năm (hoạt động “chợ tết quê em”, ngày hội gia đình, dã ngoại vui xuân, thăm làng quê của bé, làng nghề quanh bé…) đồng thời phối hợp tốt trong công tác giáo dục trẻ. Tổng kinh phí đầu tư cho các trường mầm non, mẫu giáo từ nguồn xã hội hoá giáo dục để thực hiện chương trình giáo dục mầm non trong 5 năm là 56,97 tỷ đồng.

Suốt một thời gian dài, bậc học mầm non gần như không được quan tâm đúng mức, thậm chí giáo dục mầm non không tồn tại, không được ghi nhận trong các văn bản pháp lý của hệ thống giáo dục quốc dân. Từ khi cả nước thực hiện chủ trương phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi cùng với việc chương trình giáo dục mầm non mới được triển khai thì bậc học này mới được đặt vào đúng vị trí tương xứng tầm quan trọng của nó.

VIỆT ĐÔNG

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục