Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tìm lại mộ cổ Long Giang
Thứ tư: 06:06 ngày 01/11/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Mộ cổ Long Giang! Cứ như những gì mà người dân trong vùng truyền tụng thì đấy là mộ một ông quan Án sát. Quan ấy là quan to cấp tỉnh, thành.

Mộ cổ cạnh thánh thất Long Giang (lúc còn cây duối cổ năm 2013).

Trước năm 2005, báo Tây Ninh từng có bài phản ánh về hai ngôi mộ cổ Long Giang, trên chuyên mục “Tây Ninh xưa và nay”. Năm 2017 này, khi đi tìm lại thì một trong hai ngôi mộ cổ ấy đã gần như mất dấu. Ðấy là ngôi ở sát bên tường rào Trường THCS Long Giang. Hiện giờ thật khó tiếp cận với khu vực có ngôi mộ cổ. Là vì một số nhà dân đã xây dựng ven đường tỉnh lộ 786, sát với bên phải ngôi trường. May mà một trong các chủ nhân của những ngôi nhà mới này cũng biết đến ngôi mộ, nên dẫn đường ra. Ông phải tìm mượn 2 đôi ủng của thợ xây để lội ruộng tìm vào khu mộ. Bởi phía sau nhà ông, những cánh ruộng năm trước vào mùa mưa đã lênh láng nước.

Mộ cổ Long Giang! Cứ như những gì mà người dân trong vùng truyền tụng thì đấy là mộ một ông quan Án sát. Quan ấy là quan to cấp tỉnh, thành. Sách Ðại Nam nhất thống chí có đoạn mô tả về các tỉnh phía Nam thời triều Nguyễn- Minh Mạng, rằng: “Mỗi tỉnh đặt hai ty: Bố chính và ty Án sát” (trang 202, sđd, tập 5). Ông quan này gốc gác từ đâu mà mộ chí của ông xây có chuyện lạ lùng? Ðấy là kề bên khu mộ lớn của quan, có hai ngôi nhỏ mà cao hơn, dân trong vùng quen gọi đấy là ngôi mả mọi. Người thì cho rằng đấy là mộ của hai người hầu thân tín của quan. Người lại bảo đấy là hai cô gái bị chôn theo làm thần giữ của theo quan niệm xưa của người gốc Hoa giàu có. Chưa kịp biết thực hư, thì những ngôi mả đặc biệt ấy đã bị trộm đạo nhiều lần ra tay đào bới tìm của, nên đã hoàn toàn biến mất.  

Vào tháng 9.2017, ngay cả ngôi mộ chính to lớn, sang trọng của ông quan cũng sắp hoàn toàn trở về với đất. Lội băng qua ruộng nước, nhằm khu gò có mộ được định hướng bởi một cây tràm bông vàng đang nở đầy hoa. Hơn 12 năm trước, mộ đã bị trùm lên bởi rất nhiều cây duối và các loài cỏ cây hoang dại. Thì nay cây hoang đã trùm lên bao kín khu gò, chỉ nhận ra được một góc mộ rêu phong lở lói, hoặc một đoạn tường bao bằng đá ong còn ong óng đỏ. Bức tường đầu phía Nam có hình cuốn thư đã hoàn toàn mất dạng. Mà 12 năm trước, nơi ấy vẫn còn những mảng vân mây đắp nổi với các màu đỏ, xanh. Và cũng theo mô tả ấy, thì ngôi mộ này có kích thước mặt bằng lớn: 5x12m. Nay chỉ còn như một gò đất nhỏ bao trùm chằng chịt cỏ gai và cây hoang dại. Người dẫn đường còn cung cấp một chi tiết mới mà ông nghe được. Ðấy là ngôi mộ cổ bên này và bên thánh thất Long Giang dường như có liên hệ với nhau qua một địa đạo xuyên dưới đường tỉnh lộ 786. Hỏi, cớ sự nào dẫn tới việc mộ cổ bị tàn phá nhanh như thế? Thì ông bảo, vẫn còn những nhóm đào trộm mộ cổ Long Giang, do không ai bảo vệ.

Ở bên kia đường, phía sau thánh thất còn một ngôi mộ nữa. Các cụ cao tuổi ở Long Giang ngày trước nghe kể đấy là mộ của một vị quan nhỏ hơn ông quan nằm bên kia đường, gọi là quan Thủ tín. Còn chưa rõ đấy là chức tước hay chỉ là một người thân tín của vị quan kia. Nhưng có lẽ giả thuyết này không đúng! Ðơn giản là vì cấu trúc mộ cũng như vật liệu xây dựng hoàn toàn khác với ngôi mộ vừa kể. Hoàn toàn không có dấu vết của gạch, đá- kể cả đá ong. Dù vậy, vẫn có một quy mô mặt bằng chữ nhật khá lớn, khoảng 4x6m. Hướng mộ cũng khác, nếu ngôi kia là Nam - Bắc, thì ngôi này là Ðông - Tây. Bức tường xây hình cuốn thư vẫn còn dày 0,5m và cao hơn 1m. Hai đầu tường được kết thúc bằng hai trụ vuông đỡ búp sen lớn cao khoảng 1,2m, tiết diện trụ vào khoảng 60cm. Ở giữa vẫn là nấm mộ xưa nổi lên hình chữ nhật nhưng đã bị rêu phong phủ kín nên không còn sắc cạnh và nhận ra vật liệu xây đắp loại gì. Bức tường gắn bia mộ ở về phía Ðông vẫn hầu như nguyên vẹn, nay cũng đã bị dây leo phủ kín. Ðáng tiếc nhất là tấm bia ở mặt trước đã không còn, do lớp vữa tô để khắc chữ đã bong và rụng mất. Cách ra khoảng hơn một mét nữa vẫn còn một bệ xây rất dày, cao khoảng 7 tấc, là nơi người trong thánh thất đặt lư hương, bình bông nhang khói phụng thờ.

Nếu trước kia, trong bài “Mộ cổ Long Giang”, tác giả mới chỉ thấy vật liệu xây dựng mộ bằng vữa vôi trộn mật đường với nước lá cây ô dước; thì nay một dấu vết mới đã lộ ra. Ðấy là ở phần bệ xây đặt hương hoa. Lớp vữa ngoài đã bong tróc, vỡ ra, để lộ những khối xây bên trong có những lớp vân hình dợn sóng khiến ta có thể liên hệ đến loại đá san hô thường được các nghệ nhân xây hòn non bộ. Như vậy là, ngôi mộ bên thánh thất đã không phải được “đúc” hoàn toàn bằng vữa vôi trộn cát và ô dước; mà cũng được xây từ một loại đá đặc biệt, vừa nhẹ, xốp, có thể bền chắc rất nhiều năm. Chính điều hiểu lầm ấy đã khiến người địa phương đặt một tên gọi khác cho ngôi mộ là mả vôi.

Do sự đặc biệt về vật liệu xây mộ này, khác hẳn những đá ong, đá xanh bên ngôi mộ phía Tây đường 786 nên có thể dự đoán hai ngôi này không có liên quan đến nhau. Thậm chí, mả vôi có thể có niên đại xa hơn, nhưng trên thực tế lại bền chắc hơn, đến nay vẫn còn đến bảy, tám phần mười. Có được điều này cũng còn nhờ vào thiện tâm, tín ngưỡng của những người tu hành. Dù không biết mộ của ai, cũng không còn ai nhang khói, nhưng thấy ngôi mộ có cấu trúc lạ lùng ấy, người của thánh thất đạo Cao Ðài đã có biện pháp cần thiết bảo vệ ngôi mộ cổ- cho dù trong khi xây dựng thánh thất hơn 10 năm trước, gặp rất nhiều khó khăn do mộ nằm gần sát với hố móng phần bát quái đài.

Ðiều đáng tiếc duy nhất là gần đây, đã mất đi cây duối mọc kề bên khu mộ. Cách nay khoảng 5 năm vẫn còn cây duối cao gần 10m, thân to cỡ một người ôm. Tiếc rằng cây mọc sát bên một trụ búp sen, nên phần rễ có thể làm hư hại mộ. Xin lưu ý rằng, những cây duối cổ thụ cũng đã góp phần làm nên và bảo vệ các di tích Bến Cầu. Như cây duối ở góc đình Long Giang, ở Thành bảo và cả rừng duối ở dinh ông An Thạnh. Chính là nhờ duối mà những đoạn thành đất ở Thành bảo đã không bị xói mòn, bình địa. Ngay tại vùng di tích cố đô Hoa Lư Ninh Bình hiện nay, vẫn còn một cây duối mọc trên đá có tuổi 1.000 năm, trở thành điểm đến quan trọng của tour du lịch cố đô. Còn cây duối ở mả vôi trong phạm vi thánh thất Long Giang? Nếu còn, có thể xác định được niên đại ngôi mộ cổ. Vì cây mọc như vậy, chỉ có thể là mọc sau khi xây mộ. Tiếc thay, đã không còn kịp làm điều ấy nữa rồi. Chỉ có thể tự an ủi, rằng ngôi mộ này sẽ tiếp tục tồn tại nhờ bà con đạo Cao Ðài ở thánh thất Long Giang.

TRẦN VŨ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục