Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tìm lại Sóc Xoài - Suối Dây
Thứ ba: 07:48 ngày 11/08/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nói đến xã Suối Dây, huyện Tân Châu hiện nay có lẽ ai cũng biết. Nhưng nói đến địa danh Sóc Xoài thì ngay cả người dân Suối Dây cũng không còn mấy ai nhớ đến. Xã Suối Dây chính thức thành lập năm 1979, lúc ấy thuộc huyện Tân Biên; nhưng đến năm 1982 thì được cắt về cho huyện Dương Minh Châu; mãi đến năm 1989 mới chính thức về với Tân Châu cho đến hôm nay.

Rừng cao su xã Suối Dây.

Vậy hiện nay Sóc Xoài nằm trên địa phận nào của xã Suối Dây? Theo tài liệu gần nhất là Lịch sử Sư đoàn Bộ binh 9 (1965-2010) của Quân đoàn 4, xuất bản năm 2010, trang 104 có đoạn nhắc đến Sóc Xoài như sau: “Ngày 19 tháng 3 (1967), Lữ đoàn 3 Sư đoàn 4 và một tiểu đoàn của Lữ đoàn 173 không vận Mỹ đổ quân xuống Đồng Rùm.

Đây là một trảng lớn (dài hơn 1km, rộng hơn 800m) xung quanh có nhiều trảng trống như Tri Giếc, Trảng Dài, Sóc Xoài, Chà Dơ, Trảng Tranh… Bìa trảng là những vạt rừng thưa, cây thân gỗ mọc xen với le, phần lớn là cây đã bị trụi hết vì địch rải chất độc hoá học. Phía Tây trảng là Suối Dây và sông Tha La, phía Nam là đường liên tỉnh 13, phía Đông là lộ kiểm lâm Chà Dơ - Bổ Túc, phía Bắc có lộ kiểm lâm từ trảng Sóc Xoài đến bờ sông Tha La…”.

Nếu căn cứ vào cách miêu tả này thì trảng Sóc Xoài phải nằm ở phía Tây của ấp Đồng Rùm, xã Tân Thành, tức là khu vực từ cuối ấp Chăm của xã Suối Dây hiện nay cắt qua cho đến giáp nhánh suối Tha La của ấp 5.

Nhưng qua thực tế điền dã thì khu vực này hiện tại chỉ là đất rẫy canh tác, cánh trảng xưa đã bị xoá dấu hoàn toàn. Chúng tôi có gặp một vài vị cao niên ở hai phía giáp ranh Đồng Rùm và Suối Dây thì đều xác định Sóc Xoài chính là phần đất cuối ấp Chăm hiện nay.

Vậy từ địa danh cũ Sóc Xoài có mối liên hệ gì với lịch sử của vùng đất Suối Dây xa xưa kia? Trước nhất, xin vẽ một cung từ Tà Dơ đến Đồng Rùm, qua Sóc Xoài đều là ba địa danh có nguồn gốc Khmer, trong đó Sóc Xoài tiếng Khmer là “Srốk Svay”, tức là xóm có nhiều cây xoài (khả năng là một loại cây xoài rừng mà hiện nay khu vực này vẫn còn).

Mà là địa danh Khmer thì phải có người Khmer ở. Bằng chứng cụ thể là có một nền chùa Khmer cũ tại rẫy cao su cuối ấp Chăm, gần giáp ranh với ấp 6. Trước đây, nền đất cao hơn 1m, rộng khoảng 5m x 10m, xung quanh có những cây rừng lâu năm, hướng chính Đông của nền đất có một ao nước nhỏ mọc rất nhiều hoa súng. Vì nền chùa nằm ngay giữa phần đất rẫy nên bị san bằng hoàn toàn, bàu nước cũng bị lấp để trồng cao su.

Như chúng ta đã biết, trong giai đoạn tiền chống Pháp, Trương Quyền và Pu-Khâm-Pô, một thủ lĩnh người Khmer, đã từng chọn rừng Suối Dây để đưa nghĩa quân về lập căn cứ chống giặc. Vấn đề này trong tác phẩm “Chống xâm lăng” của Giáo sư Trần Văn Giàu có viết: “Phan Thanh Giản giao đất nạp thành, nạp súng mà không hô hào kháng chiến.

Điều này rất bất lợi cho liên quân Khmer - Việt. Quân khởi nghĩa gặp lúc ngặt nghèo. Pháp vũ trang cho bè đảng của Pra Keo Pha, cùng với bọn này đánh vào vùng giải phóng ở giữa hai sông Vàm Cỏ, quân khởi nghĩa phải rút về vùng Suối Giây nghèo nàn, dân thưa, lúa ít ở phía Bắc Tây Ninh, rồi rút về phía Stung treng, Samboc gần biên giới Lào.

Ngày 28.7.1867, căn cứ Suối Giây bị địch phá, nghĩa quân Việt Nam bắt buộc phải rút lui từng toán nhỏ xa dưới vùng Hậu Giang. Còn Pu Kằm Pô thì qua bên kia sông Cửu Long, đánh vào Kongpong Soai…” ( NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, trang 212).

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thành Long cũng khẳng định: “Ngày 28.7.1867, căn cứ Suối Giây thất thủ, liên quân phải rút về Stung-Treng, Sa-Bóc… Quân Pháp kêu gọi Trương Quyền đầu hàng, nhưng ông và các quân sĩ còn lại không chịu khuất phục, chạy vào rừng sâu tiếp tục cuộc kháng chiến, nhưng chẳng may ông bị bệnh sốt rét và chết, hưởng dương 22 tuổi…” (Tạp chí Xưa và Nay).

Qua đoạn sử trên, ta thấy Suối Dây xưa kia đã từng là căn cứ kháng Pháp. Trương Quyền và Pu-Khâm-Pô chọn rừng Suối Dây để làm căn cứ vì nơi đây có thể quy tụ các binh sĩ người Khmer ở các phum sóc từ Tà Dơ, Đồng Rùm, Đồng Kèn, Tà Yên… cho tới Sóc Xoài để tạo thêm sức mạnh nhân lực cũng như vấn đề lương thực cho nghĩa quân.

Hơn thế, rừng Suối Dây xưa là rừng già thâm u, địch khó phát hiện. Từ Suối Dây có thể vượt dòng Tha La qua khu Chơn Bà Đen để tiến đánh trung tâm đầu não của Pháp ở Tây Ninh là thành Săng-Đá cũng khá thuận lợi. Hoặc từ Suối Dây vượt qua cánh Trà Vong để lên biên giới phía Tây của tỉnh cũng không mấy khó.

Từ sau 1867, Căn cứ Suối Dây đã bị địch tàn phá, liên quân Trương Quyền và Pu-Khâm-Pô tan rã, các phum sóc ở đây cũng phải chịu chung hoàn cảnh đó. Một số theo chủ tướng đi nơi khác tiếp tục kháng Pháp, một số thì lui dần về những vùng biên giới xa hơn để tránh sự truy sát của giặc.

Số ít còn ở lại đã sống hoà nhập với lưu dân mới sau này. Từ năm 1951 trở về sau, Suối Dây thuộc về căn cứ Dương Minh Châu. Trải qua hai cuộc kháng chiến, mảnh đất này chịu không ít mưa bom bão đạn, bằng chứng là trước đây vành đai từ Tà Dơ cho đến khu ấp 5 Suối Dây không biết bao nhiêu hố bom mà kể. Sau này, người dân canh tác đã lấp đi hầu hết…

Sóc Xoài là vậy, nhưng ngày nay hầu như địa danh này đã chìm vào quên lãng. Trảng Sóc Xoài xưa, nay chính là phần đất tiếp giáp giữa ấp Chăm và ấp 6 Cầu Sập, được bà con người Chăm khai phá, canh tác thành rẫy mì và cao su rất trù phú. Từ Sóc Xoài đi thẳng vào sẽ tới ấp 6, một vùng quê đang trở mình mạnh mẽ, nhà máy điện mặt trời được xây dựng tại đây.

Nếu từ Sóc Xoài ngược trở ra sẽ đi qua ấp Chăm. Xưa ấp này rất nghèo, nhưng nay bà con đã thực hiện nhiều mô hình kinh tế mới có hiệu quả như trồng cao su, khoai mì, nuôi bò thịt, nuôi dê nhốt chuồng… nên đời sống đã khá lên và thay đổi hẳn diện mạo của ấp.

Qua ấp Chăm là ra tới trung tâm xã, chợ Suối Dây ọp ẹp xưa đã không còn, thay vào đó là ngôi chợ mới rất khang trang. Bên cạnh đó, xã Suối Dây đang từng bước xây dựng xã nông thôn mới. Khi tất cả đã hoàn thiện, Suối Dây chính là cầu nối phát triển kinh tế giữa các xã vùng sâu với khu đô thị thị trấn Tân Châu.

Có thể khẳng định một điều, Suối Dây tuy là xã mới nhưng lại là mảnh đất ẩn mình của bao dòng hùng sử xa xưa. Lớp người cũ qua đi, lớp người sau tiến tới, tất cả chung tay xây dựng để Suối Dây ngày càng giàu đẹp văn minh.

Đ.T.S

Tin cùng chuyên mục