Văn hóa - Giải trí   Về Tây Ninh

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tìm lại “thời gian đã mất” ở Thanh Điền 

Cập nhật ngày: 21/09/2022 - 00:16

BTN - Vài kỳ trước đây, chuyên mục Sắc màu văn hoá Tây Ninh có bài “Ngã tư Thanh Điền- âm vang quá khứ”. Cái kết của bài ấy chúng tôi đã có lời mong: chi tiết thời gian diễn ra trận đánh thắng tại Bàu Cá Trê “rất cần được minh định lại, kẻo sẽ làm giảm nhẹ đi rất nhiều giá trị lịch sử vẻ vang của chiến thắng Thanh Điền”.

Cánh đồng Bà Lưu, xã Thanh Điền ngay trước bàu Cá Trê.

Đến nay, đề nghị này càng cần thiết hơn, bởi theo lời Trưởng Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Châu Thành, thì đơn vị đang làm các thủ tục để xây dựng công trình, bởi di tích đã được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh theo Quyết định số 124/QĐ-CT ngày 29.4.2022 của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh.

Chỉ tiếc là, di tích này như được “đóng định” chắc chắn về thời gian, ngay từ cái tên. Là “Di tích chiến thắng Thanh Điền tháng 3 năm 1946”. Trong khi đó, trong ký ức của quân dân địa phương xã Thanh Điền, cũng như trong nhiều sách lịch sử đã phát hành tại Tây Ninh, thì thời gian diễn ra trận đánh là tháng 11 năm 1945.

Trong một số bài liên quan đến trận Chiến thắng Thanh Điền thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp, hầu hết các sách lịch sử tỉnh và huyện, sách truyền thống các xã liên quan, đều viết khá rõ về trận đánh. Chỉ có thời gian diễn ra là lệch nhau chút ít. Phần nhiều, như Lược sử Tây Ninh (1985), Tây Ninh 30 năm trung dũng kiên cường (1990), Lịch sử Lực lượng vũ trang thành phố Tây Ninh (1950-2017) (2018) đều viết rằng trận đánh diễn ra chỉ “3 ngày sau khi Pháp tái chiếm tỉnh lỵ Tây Ninh”, đó là ngày 8.11.1945. Thì 3 ngày sau là ngày 11.11.1945.

Riêng cuốn ký sự lịch sử “Ba thế hệ xanh- một chặng đường” (1998) của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Tây Ninh thì xác định đó là ngày 12.11.1945. Sách Truyền thống cách mạng huyện Châu Thành (1930-1975) in năm 1986 cũng như tập bản thảo “Ba mươi năm làm nên sự nghiệp anh hùng” của Đảng bộ xã Thanh Điền (dự kiến in năm 1985), đều xác định ngày diễn ra trận đánh là vào 23.11.1945.

Như vậy là các sách, tài liệu lịch sử ở Tây Ninh in trong khoảng thời gian từ 1985 đến 2014 là khá thống nhất với nhau. Độ chênh chỉ còn ở các sách của huyện Châu Thành và của tỉnh là 12 ngày. Quan trọng nhất là dù chênh nhau như thế nhưng thời gian diễn ra trận đánh vẫn chỉ ở trong tháng 11.1945; khi mà lực lượng vũ trang của tỉnh vẫn còn rất non trẻ và chưa được thống nhất.

Đến năm 2002, những người được giao nhiệm vụ lập hồ sơ di tích lại viết rằng trận đánh diễn ra vào tháng 3 năm 1946? Để tới năm 2014, được in trong sách “Di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh tỉnh Tây Ninh” (trang 38).

Truy tìm các nguồn sử liệu khác, chỉ thấy duy nhất có cuốn “Thị xã- 30 năm đấu tranh cách mạng” do Ban Tuyên giáo Thị uỷ thị xã Tây Ninh (nay là thành phố Tây Ninh) xuất bản năm 1991 là có sự khác biệt khi mô tả về chiến thắng này. Dù vậy, trận đánh được mô tả chưa đầy đủ và khá sơ sài. Ngay cả chi tiết thời gian cũng không xác định cụ thể ngày, mà chỉ là “Vào đầu năm 1946”. Và toàn bộ trận đánh được mô tả vỏn vẹn trong khoảng 8 dòng (sách khổ 13 x 18cm). Chúng tôi cũng tìm được 1 cuốn sách khác, có thể là tài liệu gốc của các nhà lập hồ sơ di tích kể trên, vì có liên quan đến sự kiện gọi là “tháng 3 năm 1946”. Đó là cuốn “Lịch sử lực lượng vũ trang tỉnh Tây Ninh” tập 1, do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh in năm 1994.

Sách đã mô tả khá rõ ràng, chi tiết về trận đánh, cũng như bối cảnh Tây Ninh lúc ấy. Bối cảnh ấy là: “Ta vẫn loay hoay chưa vượt qua được việc tổ chức sắp xếp thống nhất các lực lượng (vũ trang- TV)… Lực lượng nhiều nhưng không mạnh, phân tán mỗi nơi một mảng, mỗi người một nhóm… Trước tình hình khó khăn này, Tỉnh uỷ lâm thời cử đồng chí Tấn đi gặp Xứ uỷ báo cáo tình hình chung và đến Thuận Lợi gặp đồng chí Vũ Đức, chính trị viên giải phóng quân của trên phái về để nhận sự chỉ đạo cụ thể về quân sự”. Và “trong thời gian Tỉnh uỷ cử đồng chí Tấn đi Thuận Lợi báo cáo tình hình, lực lượng vũ trang tỉnh đã đánh thắng trận đầu tại Thanh Điền” (trang 36, Sđd).

Đây chính là trận ở Bàu Cá Trê nổi tiếng mà sau này người ta quen gọi là Chiến thắng Thanh Điền. Diễn biến trận đánh được sách mô tả như chúng ta đã biết. Với kết quả là: “Ta đốt 2 xe Jeep, diệt 7 tên Pháp (trong đó có sĩ quan từ chuẩn uý đến đại uý) thu 2 đại liên Mắc-xim, 2 tôm-son, 1 trường Anh, 1 côn 12, 1 P38 và 20 thùng đạn súng máy. Với kết quả trận đầu giành thắng lợi, lực lượng vũ trang Tây Ninh gây được thanh thế, lòng tin cho nhân dân trong tỉnh…” (trang 38, Sđd).

Chỉ tiếc là, sách đã không ghi được ngày cụ thể diễn ra trận đánh. Tuy nhiên, do sách viết theo tuần tự xảy ra các sự kiện, mà các sự kiện tiếp sau đó là: Hội nghị quân sự các tỉnh (10.12.1945), bầu cử quốc hội (6.1.1946)... cho ta dự đoán rằng trận đánh đã diễn ra vào trước đó, tức là khoảng tháng 11.1945, như các sách sử khác của Tây Ninh đã viết.

Đáng tiếc nhất của sách Lịch sử Lực lượng vũ trang tỉnh Tây Ninh (tập 1), có một tấm bản đồ ghi là: “Sơ đồ trận phục kích quân Pháp đến xã Thanh Điền của LLVT tỉnh tháng 3.1946”. Trong khi những trang chữ của sách không hề nhắc đến cuộc phục kích nào ở Thanh Điền vào tháng 3.1946. Không những thế! Bản đồ này lại vẽ sai. Tác giả của nó đã ghi chú con đường từ Mít Một, qua cầu Nổi (Hiệp Hoà) đến ngã tư Thanh Điền là lộ 7. Trong khi, người cao tuổi Thanh Điền và cả những ai quan tâm tới lịch sử xã Thanh Điền đều biết lộ 7 chính là đường 786 ngày nay, chạy từ ngã tư Quốc Tế ra cầu Gò Chai.

Chúng ta đã cùng nhau truy tìm các yếu tố gốc của di tích chiến thắng Thanh Điền thời kỳ đầu chống Pháp. Trong hàng chục cuốn sử và các tư liệu lịch sử liên quan, chỉ có 2 cuốn; chính xác thì chỉ có cuốn “Thị xã 30 năm đấu tranh cách mạng” là ghi chiến thắng Thanh Điền vào “đầu năm 1946”. Cuốn còn lại: “Lịch sử Lực lượng vũ trang tỉnh Tây Ninh” chỉ có một tấm bản đồ lại không phù hợp với diễn biến các sự kiện xảy ra ghi trong sách.

Do vậy, chỉ có thể đi đến kết luận là bản viết về “Di tích lịch sử - văn hoá chiến thắng Thanh Điền tháng 3/1946” in trong sách Di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh tỉnh Tây Ninh (2014) là sai. Cái sai này đã đánh mất thời gian thật sự của chiến thắng Thanh Điền.

TRẦN VŨ