Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng:
Tìm một hướng đi
Thứ tư: 06:16 ngày 12/12/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo nhiều hộ dân lâu năm trong nghề, việc làng nghề rơi vào tình trạng mai một, người dân quay lưng với nghề truyền thống của mình là do công việc vất vả, không mang lại hiệu quả kinh tế cao, đầu ra không ổn định.

Tráng bánh tráng phơi sương Trảng Bàng ở khu phố Lộc Du, Trảng Bàng.

Đã có trên 100 năm tuổi, là nghề truyền thống của người dân xứ Trảng. Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng trở thành đặc sản nổi tiếng, là một nét rất riêng của Tây Ninh, nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng đã được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia. Tuy nhiên, ngày nay, việc duy trì và phát triển làng nghề đang gặp những khó khăn, thách thức không nhỏ, cần một hướng đi mới.

Nguy cơ mai một

Trảng Bàng có nhiều làng nghề làm bánh tráng phơi sương nổi tiếng như ở khu phố Lộc Du, Gia Huỳnh (thị trấn Trảng Bàng), ấp An Thành (xã An Tịnh). Từ hàng trăm hộ theo nghề làm bánh tráng phơi sương trước kia, bây giờ “rơi rụng” dần, hiện chỉ còn hơn chục hộ.

Bà Phạm Thị Đương- 59 tuổi, ngụ khu phố Lộc Du, thị trấn Trảng Bàng cho biết, gia đình bà 4 đời làm bánh tráng phơi sương, riêng bà cũng đã hơn 40 năm. Ngày xưa trong khu phố, hầu như nhà nào cũng tráng bánh. Các hộ bắt đầu nổi lửa từ lúc nửa đêm đến chiều tối mới đủ bánh giao cho khách.

Nghề này rất cực, vì trải qua rất nhiều công đoạn như tráng, phơi, nướng và phơi sương. Công phu, mất nhiều thời gian nhưng thu nhập thấp, trung bình mỗi ngày một người chỉ kiếm được hơn 100.000 đồng. Nghề này còn phụ thuộc vào thời tiết, ngày nào gặp mưa, không phơi được bánh, coi như hôm đó không có thu nhập, có khi còn mất cả vốn. Do đó, người tráng bánh ở làng nghề dần dần bỏ nghề, đi làm việc khác, người trẻ cũng chẳng mặn mà. Nhiều người đi làm công nhân, công việc nhàn hơn, thu nhập lại cao hơn nên không thích ngày đêm cặm cụi bên lò tráng, nướng bánh hay phải thức trắng đêm phơi sương.

Theo bà Đương, sở dĩ bà vẫn bám trụ nghề, bởi muốn giữ cái nghề truyền thống của gia đình. Tuy thu nhập không cao, nhưng cứ “nổi lò lên là có gạo ăn”, nên không sợ đói, còn nuôi được các con ăn học.

Chị Nguyễn Thị Nhanh, 41 tuổi, một trong những hộ làm bánh tráng phơi sương, ngụ tại khu phố Lộc Du, thị trấn Trảng Bàng chia sẻ: làng nghề bây giờ buồn lắm, nhiều người bỏ nghề đi làm việc khác. Chị cũng vậy, sinh ra trong một gia đình có truyền thống tráng bánh phơi sương, trước đây chị không theo nghề truyền thống của gia đình mà đi làm công nhân. Gần một năm nay, do cần một công việc làm ở nhà để có thời gian trông con nhỏ, chị cố gắng quay lại nghề, lấy công làm lời.

Theo chị Nhanh, bánh của chị làm ra không đủ bán, chủ yếu bán lẻ cho bà con sống trong khu phố. Chị cũng muốn tráng bánh bán với số lượng lớn, bỏ mối, tăng thu nhập. Nhưng do không có người phụ giúp, một mình chị làm không xuể, nên chỉ dừng lại ở việc làm ngày nào ăn ngày đó, chứ chưa nghĩ đến việc phát triển nghề, làm giàu từ cái nghề này.

Theo nhiều hộ dân lâu năm trong nghề, việc làng nghề rơi vào tình trạng mai một, người dân quay lưng với nghề truyền thống của mình là do công việc vất vả, không mang lại hiệu quả kinh tế cao, đầu ra không ổn định.

Bà Nguyễn Thị Nhiều, 61 tuổi, khu phố Lộc Du, thị trấn Trảng Bàng, một trong những gia đình sống bằng nghề tráng bánh tráng phơi sương hàng chục năm nay tâm sự: Trước đây, bánh tráng phơi sương không đủ bán, còn bây giờ, bánh bán khá chậm, chỉ “chạy” vào dịp tết nguyên đán, khi du khách đến Tây Ninh tham quan núi Bà Đen. Thu nhập từ nghề ngày càng ít, bà cũng ngán ngẩm lắm, nhưng không bỏ được, ráng bám trụ đến bây giờ.

Những người nhiều năm gắn bó với làng nghề, đang cố nuôi giữ cái nghề truyền thống trên trăm tuổi này mong mỏi Nhà nước “vào cuộc”, hỗ trợ vốn vay cũng như tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Vực dậy làng nghề

Đại diện UBND huyện Trảng Bàng cho biết, thương hiệu “Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng” đang được phát triển. Hợp tác xã, hệ thống nhà hàng trên địa bàn Thị trấn và An Tịnh là kênh phân phối bánh tráng và phục vụ ăn uống cho du khách. Địa phương luôn khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho việc kinh doanh của các nhà hàng.

Trong các chương trình, kế hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện đến 2020 và các năm tiếp theo, huyện đều quan tâm, chú trọng tạo điều kiện cho việc phát triển làng nghề bánh tráng phơi sương, đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho việc sản xuất, kinh doanh. Phát triển làng nghề bánh tráng phơi sương là nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ngành dịch vụ, phát triển du lịch của huyện. UBND huyện tiếp tục huy động nguồn lực xã hội, nguồn lực ngân sách với các chính sách xã hội hoá dịch vụ du lịch, quy hoạch các địa điểm du lịch sinh thái, du dịch làng nghề, các trạm dừng chân để giới thiệu, quảng bá, kinh doanh bánh tráng phơi sương.

Đặc biệt từ năm 2016, lễ hội về nghề làm bánh tránh phơi sương Trảng Bàng được tổ chức ở địa phương. Sự kiện này đã làm cho người dân Trảng Bàng yêu nghề làm bánh tráng hơn, những nghệ nhân trước đây chuyển đổi nghề làm khác nay đã quay lại để giữ nghề của cha ông. Qua lễ hội lần thứ nhất, du khách khắp nơi trên đất nước và trên thế giới biết đến đặc sản bánh tráng phơi sương Trảng Bàng. Và trong 2 năm qua, kể từ lễ hội lần thứ nhất, lượng du khách đến Trảng Bàng thưởng thức đặc sản đông hơn.

Ông Nguyễn Hoàng Nam- Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch cho biết, nhằm duy trì và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, trong những năm qua, Sở đã chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về sản phẩm bánh tráng phơi sương và nghề làm bánh tráng phơi sương thông qua các hoạt động như tham gia quảng bá Hội chợ du lịch quốc tế ITE tổ chức thường niên tại TP. Hồ Chí Minh, Ngày hội du lịch TP. Hồ Chí Minh, Lễ hội ẩm thực Đất Phương Nam, Ngày Tây Ninh tại Hà Nội, Ngày hội Ok Bom Bok Trà Vinh, các hội chợ du lịch trong nước và quốc tế khác…

Song song đó, ngành chức năng còn kết hợp với Đài Truyền hình Trung ương như: VTV9, VTC; các kênh của Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh (HTV) và Đài Phát thanh -  Truyền hình tỉnh, Báo Tây Ninh, các sách, báo, tạp chí du lịch, cẩm nang du lịch, tập gấp thực hiện phim và viết bài về “Làng nghề bánh tráng phơi sương Trảng Bàng”, kết nối với các trang báo điện tử, các trang mạng xã hội giới thiệu về làng nghề, thực hiện các phim phóng sự giới thiệu sản phẩm di sản văn hoá phi vật thể nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng trình chiếu tại các buổi hội thảo, sự kiện lớn của tỉnh.

Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh kết hợp đưa bánh tráng phơi sương Trảng Bàng tham gia các cuộc hội chợ triển lãm du lịch trong nước và quốc tế; xây dựng quảng bá thương hiệu bánh tráng phơi sương…

Từ các hoạt động trên, di sản nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, ẩm thực đặc sắc bánh tráng phơi sương ngày càng đi vào lòng du khách trong và ngoài nước. Ngày nay khi nói đến Tây Ninh, mọi người sẽ biết ngay đến món bánh tráng phơi sương Trảng Bàng.

Trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 3026/QĐ-UBND, ngày 13.12.2018 về ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 68-CTr/TU, ngày 5.6.2017 của Tỉnh uỷ Tây Ninh, Nghị quyết 103/NQ-CP, ngày 6.10.2017 của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW, ngày 16.1.2017 của Bộ Chính trị khoá XII về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn,  tỉnh Tây Ninh xác định việc đầu tư xây dựng và đa dạng hoá các sản phẩm du lịch là một trong những định hướng và giải pháp quan trọng trong phát triển ngành du lịch tỉnh nhà.

Tỉnh rất quan tâm đến việc định hướng xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng nhằm gắn kết và phát huy các giá trị di sản văn hoá phi vật thể, các làng nghề truyền thống, các ẩm thực đặc sắc của Tây Ninh. Và di sản nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng là một trong những sản phẩm du lịch mà tỉnh Tây Ninh đang tập trung phát huy trong việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc của tỉnh. Đây cũng là dự án làng nghề truyền thống mà tỉnh đang tập trung ưu tiên đầu tư.

Sau khi nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia, tỉnh đã tổ chức thành công “Lễ hội văn hoá - du lịch Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng lần I” vào năm 2016. Lễ hội trở thành sự kiện định kỳ 2 năm/lần, góp phần quảng bá sâu rộng và nâng giá trị của nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng.

Tiếp nối thành công lễ hội lần thứ nhất, Lễ hội “Tuần lễ văn hoá, du lịch nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng lần thứ II” năm 2018 sẽ diễn ra từ ngày 20-25.12, là sự kiện văn hoá độc đáo của tỉnh Tây Ninh, có ý nghĩa thiết thực, không những trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá, mà còn gắn kết với phát triển du lịch địa phương.

Lễ hội một lần nữa tôn vinh các nghệ nhân đang gìn giữ và phát huy các giá trị độc đáo của nghề làm bánh tráng phơi sương; đồng thời cũng là dịp tuyên truyền, vận động người dân về ý nghĩa, lợi ích và tầm quan trọng của nghề làm bánh tráng phơi sương, để từ đó tích cực tham gia gìn giữ, phát huy nghề đặc biệt là thế hệ trẻ.

Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp địa phương giới thiệu và quảng bá các thương hiệu ẩm thực là những đặc sản nổi tiếng, đa dạng của các vùng miền; từ đó tạo động lực thúc đẩy ngành chế biến, sản xuất bánh tráng phơi sương từng bước trở thành thương hiệu quốc gia và đặc sản đi đến thị trường ẩm thực quốc tế; tạo nên sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng có của địa phương.

CHÂU PHA - VI XUÂN

Báo Tây Ninh
Liên kết hữu ích
Tin cùng chuyên mục