Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
Tìm “tiếng nói chung” để cùng nhau phát triển tỉnh nhà
2009-02-26 10:23:00

Mục đích của đợt tham khảo ý kiến và đối thoại trực tiếp giữa chính quyền và doanh nghiệp sắp tới là tập hợp, xác định được những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi loại hình trong tỉnh nhằm tìm biện pháp tháo gỡ…

Trong thời gian qua, hằng năm lãnh đạo tỉnh đều tổ chức gặp gỡ các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh nhằm tìm hiểu tâm tư, nguyên vọng và lắng nghe những ý kiến phản ánh về thuận lợi, khó khăn trong quá trình sản xuất- kinh doanh… để có giải pháp xử lý kịp thời. Năm 2009, tình hình khủng hoảng tài chính thế giới đang và sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp ở nước ta- trong đó có các doanh nghiệp ở Tây Ninh. Để thiết thực tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong tỉnh hoạt động sản xuất- kinh doanh tốt nhất, hạn chế sự suy giảm trong tình hình khó khăn chung, UBND tỉnh sẽ tổ chức đợt tham khảo ý kiến rộng rãi và đối thoại trực tiếp với tất cả các doanh nghiệp trong tỉnh.

Ông Trần Hữu Hậu- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Thương mại- Du lịch (TTXTĐT) cho biết, mục đích đợt tham khảo ý kiến và đối thoại trực tiếp sắp tới là tập hợp, xác định được những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi loại hình trong tỉnh để có biện pháp tháo gỡ, hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động thông thoáng, hiệu quả hơn, đồng thời tạo sự hiểu biết, thông cảm, sẻ chia, gắn bó giữa chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp. Mục tiêu là phải tạo được sự an tâm và ủng hộ rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp, cũng như các cấp, các ngành trong việc xây dựng mối quan hệ gắn bó, có sự hỗ trợ, sẻ chia giữa chính quyền và các doanh nghiệp.

Đợt tham khảo ý kiến dự kiến bắt đầu thực hiện vào đầu tháng 3.2009. Ban tổ chức sẽ gửi phiếu ý kiến đến hơn 2.300 doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại trong toàn tỉnh tham khảo ý kiến về các nội dung: những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong năm qua; đã nhận được sự hỗ trợ nào từ phía các cơ quan, ban ngành nào; hỗ trợ thoả đáng hay chưa; cơ quan, ban ngành nào làm doanh nghiệp cảm thấy hài lòng, cơ quan, ban ngành nào chưa làm tròn trách nhiệm của mình… Quan trọng là các doanh nghiệp cần hỗ trợ những gì trong năm 2009 và theo các doanh nghiệp thì UBND tỉnh và các sở, ngành tỉnh cần phải làm các công việc cụ thể nào nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Song song với việc phát phiếu tham khảo ý kiến các doanh nghiệp, Ban tổ chức cũng có phiếu tham khảo ý kiến các ban, ngành tỉnh chung quanh các nội dung: có khó khăn, vướng mắc gì khi thực hiện vai trò, chức năng, nhiệm vụ của ngành mình đối với doanh nghiệp; đã thực hiện những công việc cụ thể nào hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong năm 2008; đơn vị cần gì để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn của mình… Các cấp, các ngành còn được tham khảo ý kiến đánh giá trong thời gian qua UBND tỉnh cùng các cơ quan chức năng đã làm được gì, chưa được gì, và sắp tới sẽ làm gì để thiết thực hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

Hoạt động cuối cùng của đợt tham khảo là cuộc đối thoại trực tiếp giữa chính quyền và các doanh nghiệp. Về phía chính quyền sẽ có lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, các đoàn thể tham gia. Về phía các doanh nghiệp thì sẽ có sự tham gia của Hội doanh nghiệp trẻ Tây Ninh, chủ các doanh nghiệp, các hợp tác xã, các trang trại, đại diện cho các ngành nghề, các loại hình doanh nghiệp. Tại cuộc đối thoại trực tiếp, các doanh nghiệp sẽ nêu những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất- kinh doanh, nêu những kiến nghị; lãnh đạo tỉnh và các ngành liên quan sẽ trao đổi, đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp. Ngoài trao đổi những ý kiến các doanh nghiệp nêu trực tiếp tại cuộc đối thoại, Ban tổ chức cũng sẽ tổ chức tiếp nhận ý kiến của các doanh nghiệp gửi qua điện thoại hay email để UBND tỉnh và các ngành trao đổi, trả lời tại cuộc đối thoại. Dự kiến cuộc đối thoại trực tiếp giữa chính quyền và các doanh nghiệp sẽ được trực tiếp truyền hình trên Đài PTTH Tây Ninh. Tuy nhiên đối với kế hoạch dự kiến nêu trên, cũng có một số ý kiến còn băn khoăn, mà trước tiên là những việc làm “hậu đối thoại” liệu có được giải quyết đến nơi đến chốn hay không. Băn khoăn này xuất phát từ một số cuộc đối thoại trước đây giữa một số ngành chức năng với doanh nghiệp, vì sau khi đối thoại xong thì sự quan tâm đến những vấn đề đã nêu trong cuộc đối thoại cũng “nguội” dần đi. Cũng có ý kiến băn khoăn là nếu doanh nghiệp nói “hết ý” thì sẽ “đụng chạm” đến ngành chức năng nào đó, e rằng sau này sẽ gặp khó khăn khi cần quan hệ… Ông Trần Hữu Hậu khẳng định: cuộc đối thoại không phải “tổ chức cho có” mà thực tâm là để chính quyền và các ngành, các đoàn thể hiểu hơn về những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong sản xuất- kinh doanh, từ đó xác định giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ có hiệu quả nhất. Trong cuộc đối thoại trực tiếp, những lời phát biểu của lãnh đạo tỉnh và các ngành liên quan là những lời cam kết trước cộng đồng doanh nghiệp nên không thể không thực hiện. Còn đối với những phiếu tham khảo ý kiến, các doanh nghiệp không sợ bị “trù úm” vì không cần nêu tên và địa chỉ khi gửi phiếu cho Ban tổ chức, đồng thời Ban tổ chức dự kiến cũng sẽ có văn bản trả lời từng vấn đề cụ thể mà doanh nghiệp nêu và gửi cho từng doanh nghiệp được biết.

Cuộc tham khảo ý kiến các doanh nghiệp và đối thoại trực tiếp giữa chính quyền và doanh nghiệp đang được TTXTĐT khẩn trương chuẩn bị. Hy vọng với ý tưởng và hoạt động mới mẻ này, chính quyền tỉnh Tây Ninh và các doanh nghiệp sẽ tìm được “tiếng nói chung” để phát triển kinh tế Tây Ninh ngày càng bền vững.

SƠN TRẦN

Ảnh:

- Họp bàn kế hoạch tổ chức đối thoại trực tiếp giữa chính quyền và doanh nghiệp.
Từ khóa:
Tin liên quan