Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tìm về đình cổ An Hoà
Thứ tư: 08:10 ngày 31/07/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Từ điển địa danh hành chính Nam bộ, trang 43 có viết: “An Hoà thôn thuộc tổng Hàm Ninh, h. Tân Ninh, p. Tây Ninh, t. Gia Định từ năm Thiệu Trị thứ 5 (1845) do Tuyên phủ sứ Tây Ninh Cao Hữu Dực lập”. Như thế thì: thôn An Hoà đã được khai sinh vào năm 1845.

Đình An Hoà

Bản sách chép tay có nhan đề “Sự tích xã Gia Lộc, đình Gia Lộc, linh thần đình Gia Lộc, những di tích ở Trảng Bàng” do cụ Đặng Văn Bá biên soạn năm 1972 có chép các câu chuyện lưu truyền trong dân gian và dòng họ Đặng ở Gia Lộc, Trảng Bàng. Cụ Bá là hậu huệ đời thứ 5 của cụ Đặng Văn Trước, người đã được phong là Thành hoàng đình Gia Lộc. Đến năm 1989, sách này được bổ sung thêm phần nghiên cứu của cụ Đặng Văn Rỡ, mà cụ tự nhận là: “xuất thân trong một gia đình bình dân tại xóm Rừng Cầy, ấp Gia Lâm, xã Gia Lộc”. Kỳ thực, có thời gian cụ đã làm quận trưởng quận Trảng Bàng trong thời Pháp thuộc, năm 1947 (trang 36).

Theo những trang viết của cụ Đỗ Văn Rỡ, với tiêu đề “Lược thuật về sự thành lập làng Gia Lộc, huyện Trảng Bàng tỉnh Tây Ninh”, tiền thân của Gia Lộc là Phước Lộc thôn, có từ năm Gia Long thứ 17 (1818) sau khi “ông Trùm Đặng Văn Trước” cùng các đổng sự đến làng Bình Tịnh: “Xin nhường thêm một khu đất để lập làng mới”. Thời điểm này là rất đáng tin cậy, khi mà sau đó đã diễn ra các hoạt động mở mang thôn ấp, như việc đào kinh, lập chợ vào năm 1821; hoặc việc ông bị dân làng Bình Tịnh kiện về tội: “cầm đầu cho dân Phước Lộc xâm lấn qua địa phận Bình Tịnh”. Đến năm 1826 thì ông mất v.v…

Trong những trang viết này, có một chỗ cụ Rỡ còn phân vân chưa xác định rõ. Đấy là khi cụ xem sách Gia Định thành thông chí, có mô tả các thôn của Gia Định (trấn Phiên An) vào năm Gia Long thứ 7 (năm 1808) thì không dò thấy cái tên Bình Tịnh, mà chỉ có Bình Tịnh Đông thôn. Thưa với cụ rằng, theo bản sách đã dịch hiện nay, có ở Thư viện tỉnh nhà, thì có thôn Bình Tịnh, thuộc tổng Bình Cách, huyện Thuận An, phủ Tân An. Chỉ có điều, sách này ghi là Bình Tĩnh. Chữ Tĩnh này có lẽ cũng là chữ Tịnh mà thôi.

Dù vậy, vẫn còn một chi tiết chưa được xác định rõ. Đấy là từ khi nào mà Phước Lộc thôn lại đổi tên thành Gia Lộc. Vương Công Đức- trong Trảng Bàng phương chí (trang 156) viết là: “Trong khoảng năm 1820 đến 1830 được đổi thành Gia Lộc”. Còn trong sách Tiểu sử làng An Tịnh của tác giả Nguyễn Ngọc An xác định được rằng vào năm 1836 (Minh Mạng thứ 17); khi Bình Tịnh thôn: “được cải lại là: “Gia Định tỉnh, Tân An phủ, Thuận An huyện, Bình Cách Trung tổng, An Tịnh thôn”, thì tứ cận của thôn, về hướng bắc là giáp “Bình Dương huyện, Gia Lộc thôn, Thanh Phước thôn”.

Có lẽ đó là những ghi chép về địa bộ các thôn xã từ đầu năm 1836. Và, như ta đã biết đến tháng 9.1836 khi lập phủ Tây Ninh, cả An Tịnh và Gia Lộc đều đã thuộc về tổng Hàm Ninh, huyện Tân Ninh của phủ Tây Ninh.

Vậy là tới đây, ta đã có thể xác định được những cái tên thôn làng xa xưa nhất của huyện Trảng Bàng bây giờ. Là An Tịnh (1836) và trước đó là Bình Tịnh (hoặc Bình Tĩnh) đã có từ trước năm 1808. Còn Gia Lộc, mà trước đó là Phước Lộc cũng đã được thiết lập từ năm 1818. Vậy còn thôn An Hoà? Bởi thôn này cũng có gốc gác từ An Tịnh mà ra.

Sách Tiểu sử làng An Tịnh có đoạn: “Năm 1836 châu vi địa phận làng An Tịnh bao trùm nhiều ấp rộng lớn ở cách xa nhau, việc giao thông rất bất tiện, nên năm Nhâm thân 1872 dưới tân trào các ông Hương chủ Đặng Văn Qườn, Hương sư Trịnh Văn Thiện, thôn trưởng Phương có nhà ở xóm Lò Mo và Tha La… Ba vị làm đơn xin với quan chủ tỉnh Tây Ninh cho phép tách ra khỏi làng An Tịnh lập một làng mới nữa đặt tên là làng An Hoà…”.

Có lẽ cũng do tài liệu kể trên mà trong bài Di tích lịch sử văn hoá đình An Hoà của sách Di tích Lịch sử- văn hoá danh lam thắng cảnh tỉnh TN, (Sở VHTT&DL xuất bản 2014) cũng đã xác định thôn An Hoà được thành lập năm 1872. Tuy vậy, ngôi đình được xác định đã có từ trước đó 9 năm, vào năm 1863. Điều này một lần nữa đã được khẳng định ở chính ngôi đình. Đấy là ở tấm bình phong trên hành lang trước mặt tiền đình còn đắp nổi xi măng dòng chữ: “TLN12T2 N QUÝ HỢI 1863”. Nghĩa là: thành lập ngày 12 tháng 2 năm Quý Hợi- 1863. Lưu ý rằng ngày 12.2 (âl) cũng là ngày lễ hội Kỳ yên ở đình An Hoà.

Dĩ nhiên, chi tiết đình xây trước khi lập làng tới 9 năm cũng khiến nhiều người phải phân vân, tìm hiểu. Đa số các cụ cao tuổi ở An Hoà cho rằng, thoạt tiên, đình An Hoà chỉ là ngôi đình phụ của làng An Tịnh. Đấy là do đã có ngôi đình Trung của xã An Tịnh. Do điều kiện xa xôi hẻo lánh mà người ở ấp An Thới đã xây thêm ngôi đình này để tiện việc thờ cúng (khi chưa tách lập làng mới thì khu vực An Hoà thuộc về ấp An Thới của làng An Tịnh).

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng đình An Hoà mới chính là ngôi đình Trung của làng An Tịnh. Khi lập làng mới An Hoà thì An Tịnh cũng mất luôn cả đình làng. Và do vậy, đình An Tịnh được xây sau (theo Vương Công Đức trong Trảng Bàng phương chí). Tuy nhiên, ý kiến này thiếu thuyết phục vì từ xưa đến nay đình An Tịnh vẫn luôn giữ được bản sắc phong thần của vua Tự Đức từ cuối năm 1852. Đây cũng là bản sắc phong duy nhất ở thời kỳ này còn tới ngày nay trên đất Tây Ninh.

Và, vì tách ra từ làng An Tịnh nên đình An Hoà vẫn thờ chung ông thành hoàng bổn cảnh của đình An Tịnh. Đến nay, những phân vân ấy đã được giải đáp. Bởi sách Từ điển địa danh hành chính Nam bộ, trang 43 có viết: “An Hoà thôn thuộc tổng Hàm Ninh, h. Tân Ninh, p. Tây Ninh, t. Gia Định từ năm Thiệu Trị thứ 5 (1845) do Tuyên phủ sứ Tây Ninh Cao Hữu Dực lập”. Như thế thì: thôn An Hoà đã được khai sinh vào năm 1845.

Điều thú vị nhất khi đến đình An Hoà hôm nay là ngôi đình được các cụ cao tuổi chăm lo, giữ gìn và tôn tạo. Được công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh từ 2004, năm 2006, tường rào và cổng đình được xây xong bao bọc toàn bộ khuôn viên hơn 1,7 ha. Sân bãi, đường đi lối vào đều được tu bổ khang trang ngay ngắn và sạch sẽ.

Điều đặc biệt nhất vẫn là rừng cây cổ thụ, toàn loại sao, dầu lớn, cao lừng lững xoè rộng lá cành chiếm lĩnh khắp tầng không. Các cụ kể, vườn đình vẫn còn hơn ba chục cây sao, dầu cổ thụ. Đến sân khấu trước đình, phải ngửa cổ lên mà ngắm nghía những cành cây vươn ra ở trên cao. Ước tính, đã 150 năm có lẻ của những đời cây gắn bó với đình làng.

Thêm một điều đáng học tập nữa ở đình cổ An Hoà. Đấy là tất cả các đôi liễn đối chữ Hán xưa nay đều đã được dịch, phiên âm ra tiếng Việt. Bản chữ phiên âm được viết nhỏ gắn liền kề bên liễn đối. Để ai cũng có thể đọc mà xem ý tứ của người xưa. Một trong những câu đối xưa, ở hai bên cửa chính mặt tiền đình là:

- An nghị cơ đồ hậu nhơn năng cử chính

- Hoà mưu sáng tạo tiền đại hiển uy quyền.

TRẦN VŨ

Tin cùng chuyên mục