Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tín chỉ Carbon rừng - góp phần phát triển nền kinh tế xanh
Thứ bảy: 10:28 ngày 06/07/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Rừng được ví như “lá phổi xanh” của trái đất, đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thụ khí CO2 (carbon dioxide) - một trong những nguyên nhân gây hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu. Hiện nay, nhiều giải pháp quan trọng bảo vệ rừng mà cộng đồng quốc tế đã và đang nỗ lực áp dụng, trong đó có sử dụng tiêu chuẩn tín chỉ carbon rừng.

Bảo vệ, phát triển rừng bền vững để tiến tới sử dụng tín chỉ Carbon

Ông Trần Anh Tuấn, người dân ký hợp đồng trồng rừng với Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát (Vườn quốc gia) cho biết, ông trồng rừng trên địa bàn 2 xã Tân Lập và Hoà Hiệp, huyện Tân Biên. Trong quá trình trồng rừng, ông và nhiều người khác được Ban Giám đốc Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, cán bộ kỹ thuật, lực lượng bảo vệ rừng của đơn vị quan tâm hướng dẫn những công việc như phát dọn thực bì, chống cháy…

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền bảo vệ rừng, nâng cao ý thức người dân.
về tầm quan trọng của rừng nên rừng tại Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát ngày càng xanh tốt, độ phủ xanh cao

Theo ông Đào Văn Gắng, người ký hợp đồng trồng rừng với Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, luôn được Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát quan tâm hướng dẫn về mặt kỹ thuật… Quá trình cắt cành cũng được hướng dẫn đúng quy định để bảo đảm mật độ cây rừng trồng theo quy định. Việc trồng rừng giúp ông Gắng có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Bên cạnh đó, không chỉ ông Gắng mà nhiều người trồng rừng khác tại Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát nhận thức được ý nghĩa quan trọng của việc trồng rừng tạo lá phổi xanh cho môi trường sống.

Ông Nguyễn Hoàng Sơn- Trưởng Phòng Khoa học bảo tồn Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát cho biết, tổng diện tích tự nhiên của Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát khoảng 30 ngàn héc-ta, trong đó có 23,75 ngàn héc-ta là rừng tự nhiên, 40 ngàn héc-ta rừng trồng được giao khoán cho 460 hộ gia đình, cá nhân quản lý, chăm sóc. Hằng năm, Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát phối hợp với UBND các xã, cơ quan Kiểm lâm tổ chức tuyên truyền đến người dân các xã vùng đệm với nhiều hình thức về công tác bảo vệ rừng, tầm quan trọng của rừng. Từ đó nâng cao nhận thức cho người dân khu vực về việc bảo vệ rừng, trồng rừng, phòng cháy chữa cháy rừng.

Ngoài ra, Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát còn tổ chức các buổi tuyên truyền về bảo vệ rừng, trồng rừng và tầm quan trọng của rừng đến các em học sinh các trường trên địa bàn huyện Tân Biên, cũng như một số trường trong tỉnh.

Người dân hợp đồng trồng rừng thường xuyên kiểm tra lớp thực bì trên mặt đất để kịp thời xử lý. (Ảnh: Đại Dương - Quốc Sơn)

Theo ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT), tín chỉ carbon (carbon credit) là một loại hình giấy phép hoặc chứng chỉ có thể giao dịch, có giá trị mua bán và cung cấp cho người nắm giữ tín chỉ quyền phát thải một tấn CO2 hoặc một loại khí thải khác nằm trong danh sách khí thải nhà kính.

Thị trường carbon chính thức được biết đến từ cuối những năm 1990, thông qua Nghị định Kyoto về mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính cho các quốc gia phát triển, hướng tới phát triển kinh tế bền vững. Tại Việt Nam, ngày 7.1.2022, Chính phủ ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP (Nghị định 06) quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone.

Từ nay đến hết năm 2027, Việt Nam sẽ xây dựng hệ thống quy định, chính sách nền tảng cho thị trường vận hành cũng như thành lập và tổ chức thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon. Từ năm 2028, Việt Nam dự định chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon. Việc này là một sự chuẩn bị sớm và cần thiết các quy định và chế tài đối với thị trường giao dịch carbon. Tuy nhiên, sự phức tạp trong quản lý vấn đề mới mẻ này vẫn sẽ còn tạo ra nhiều thách thức khác.

Tầm quan trọng của tín chỉ carbon trong tương lai

Theo ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT, việc buôn bán tín chỉ carbon được quản lý bởi chính phủ hoặc các tổ chức quốc tế chịu trách nhiệm đặt ra giới hạn về lượng khí nhà kính (tính bằng một đơn vị CO2) có thể được thải ra. Do đó, các doanh nghiệp được phân bổ một lượng carbon cụ thể mà họ có thể thải ra hằng năm. Nếu vượt quá giới hạn này, họ cần mua tín chỉ carbon hoặc đền bù carbon. Nếu không vượt quá giới hạn, họ có thể bán tín chỉ carbon chưa sử dụng cho các doanh nghiệp cần chúng. Thị trường carbon tạo ra động lực kinh tế cho các doanh nghiệp giảm phát thải khí nhà kính, khuyến khích họ đầu tư vào các công nghệ sạch và hiệu quả hơn để giảm lượng khí thải.

Chăm sóc cây rừng mới trồng tại Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát.

Thị trường thế giới ngày càng nhạy cảm với vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu, việc tuân thủ các quy định pháp luật và tiêu chuẩn môi trường là cực kỳ quan trọng đối với các doanh nghiệp. Việc áp dụng tín chỉ carbon giúp các doanh nghiệp bảo đảm rằng họ tuân thủ các quy định về môi trường và giảm thiểu rủi ro pháp lý liên quan; giúp doanh nghiệp thu hút được sự quan tâm và tin tưởng từ phía các bên liên quan ở các quốc gia khác.

Diện tích rừng của tỉnh Tây Ninh tính đến 31.12.2023 là 65.521 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 16,3%. Công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng được các đơn vị chủ rừng quan tâm, chú trọng triển khai thực hiện, nhất là công tác trồng mới rừng. Năm 2024, dự kiến toàn tỉnh trồng mới trên 700 ha rừng phòng hộ, đặc dụng. Để bảo đảm thực hiện hiệu quả kế hoạch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các Ban Quản lý rừng chủ động rà soát hiện trạng và quỹ đất; lập hồ sơ, thiết kế, xử lý thực bì, chuẩn bị đủ giống, vật tư để trồng rừng; đồng thời hướng dẫn người dân trồng rừng bảo đảm tỷ lệ cây sống cao, góp phần tăng độ che phủ rừng.

Rừng phòng hộ, đặc dụng trồng các loài cây bản địa, có khả năng phòng hộ; rừng sản xuất, sau khi hoàn thành kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng đến các hộ gia đình, cá nhân sẽ định hướng phát triển trồng rừng gỗ lớn, phát triển các mô hình trồng cây dưới tán rừng tuân thủ các quy trình, kỹ thuật theo các tiêu chuẩn về quản lý rừng bền vững, đề nghị cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững nhằm nâng cao giá trị của rừng.

Đồng thời tăng cường các hoạt động bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật làm giảm mất rừng và suy thoái rừng và chú trọng công tác lựa chọn nguồn giống đạt chất lượng để rừng trồng tăng nhanh khối lượng gỗ sẽ đồng nghĩa với tăng hấp thụ carbon. Nhờ đó, tín chỉ carbon rừng cũng sẽ tăng lên.

Bên cạnh đó, ngân sách tỉnh và nhân dân cùng đầu tư trồng trên 850 ngàn cây phân tán các loại, tạo cảnh quan xanh, nâng độ che phủ, góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.

Như vậy, việc phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng không chỉ đúng với xu hướng của thế giới, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để “lâm nghiệp giờ đây không chỉ là ngành nuôi sống hàng triệu con người mà còn là nguồn tài chính tiềm năng thông qua thương mại carbon rừng”.

Tấn Hưng

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục