Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tín dụng chính sách xã hội góp phần giảm nghèo bền vững
Thứ tư: 00:24 ngày 14/09/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Qua 20 năm triển khai Nghị định số 78, nguồn vốn tín dụng chính sách cho vay trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng trưởng và ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Ông Võ Đức Trong- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trao giấy khen của UBND tỉnh cho các cá nhân có thành tích trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội.

Sáng 13.9, tại hội trường Tỉnh uỷ, UBND tỉnh tổng kết 20 năm triển khai Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4.10.2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác (Nghị định số 78). Dự hội nghị có ông Nguyễn Mạnh Tú- Uỷ viên Hội đồng quản trị, Trưởng Ban kiểm soát Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Việt Nam; ông Nguyễn Mạnh Hùng- Phó Bí thư Tỉnh uỷ; ông Võ Đức Trong- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; ông Nguyễn Thanh Phong- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Xuân Hiền- Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Tây Ninh.

Báo cáo tại hội nghị, ông Đào Anh Tuấn- Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Tây Ninh cho biết, khi mới thành lập, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh nhận bàn giao từ 3 chương trình gồm: cho vay giải quyết việc làm; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn (HSSV); cho vay hộ nghèo với tổng dư nợ nhận bàn giao là 98,1 tỷ đồng.

Qua 20 năm triển khai Nghị định số 78, nguồn vốn tín dụng chính sách cho vay trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng trưởng và ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến nay, Ngân hàng CSXH tỉnh triển khai 15 chương trình tín dụng cho 479.595 lượt hộ vay vốn, tổng doanh số cho vay là hơn 8.000 tỷ đồng. Tính đến ngày 31.7, tổng dư nợ 3.218,7 tỷ đồng- tăng 31,8 lần. Chất lượng tín dụng đã không ngừng được củng cố và nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh của toàn tỉnh giảm từ 1,85% tại thời điểm nhận bàn giao xuống còn 0,68%.

Đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được đầu tư đến 94/94 xã, phường, thị trấn, 100% ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh; giúp cho hơn 47.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 82.000 lao động; tạo điều kiện cho hơn 57.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 355.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn và 1.245 căn nhà ở cho hộ nghèo, với gần 43.000 hộ gia đình  được vay vốn sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, tạo thu nhập nhằm cải thiện cuộc sống từng bước vươn lên thoát nghèo; hỗ trợ xây dựng 187 căn nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Với mạng lưới từ tỉnh đến huyện và hệ thống điểm giao dịch được đặt tại UBND các xã, phường, thị trấn. Mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn được thành lập tại các ấp, khu phố đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận tín dụng chính sách xã hội thuận lợi, nhanh chóng, tiết giảm chi phí.

Trong 20 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã tạo điều kiện cho hơn 105 ngàn lượt khách hàng là các hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn, qua đó giúp cho gần 47,4 ngàn lượt hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh. Tín dụng chính sách xã hội thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao mức sống người dân; góp phần quan trọng vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững của tỉnh.

Từ năm 2012 đến nay, doanh số cho vay tại các xã xây dựng nông thôn mới đạt 4.571 tỷ đồng, với hơn 273 ngàn lượt hộ vay. Tổng dư nợ tại các xã nông thôn mới đạt 2.636 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 84,1%/tổng dư nợ, hiện còn hơn 9,5 ngàn khách hàng còn dư nợ. Thông qua phương thức uỷ thác tín dụng qua các tổ chức chính trị - xã hội, đã giúp chuyển tải nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến tận tay người thụ hưởng một cách nhanh chóng, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, cải thiện đời sống, ổn định trật tự xã hội tại địa phương, ngăn chặn nạn cho vay lãi nặng ở nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng tại địa phương.

Trong thời gian tới, Ngân hàng CSXH chi nhánh Tây Ninh tập trung nguồn lực và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh theo chủ trương, định hướng của Chính phủ, của tỉnh trong từng giai đoạn. Phấn đấu mức tăng trưởng dư nợ bình quân hằng năm đạt từ 8%/năm trở lên, tỷ lệ thu nợ gốc đến hạn đạt trên 90%. Đến năm 2030, tổng dư nợ đạt khoảng 5.800 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,2%.

Tại hội nghị, đại diện một số sở, ban, ngành tỉnh, Hội Phụ nữ, lãnh đạo các địa phương tham luận chia sẻ kinh ngiệm về công tác triển khai thực hiện Nghị định số 78 của ngành, địa phương mình quản lý, cũng như việc sử dụng đồng vốn vay đạt hiệu quả, vươn lên thoát nghèo của một số hộ được vay vốn từ chương trình tín dụng chính sách xã hội trong thời gian qua.

Ông Nguyễn Mạnh Tú- Uỷ viên Hội đồng quản trị, Trưởng Ban kiểm soát Ngân hàng CSXH Việt Nam mong muốn Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong 20 năm thực hiện Nghị định số 78, thường xuyên bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương uỷ thác qua Ngân hàng CSXH tạo điều kiện tối đa cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận nguồn vốn chính sách.

Chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Hùng- Phó Bí thư Tỉnh uỷ ghi nhận và biểu dương những kết quả đã đạt được của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH chi nhánh Tây Ninh, các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác, các tập thể, cá nhân liên quan đạt được trong 20 năm triển khai tổ chức thực hiện Nghị định số 78 của Chính phủ.

Phó Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị cấp uỷ, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư; các quy định của Chính phủ, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Đồng thời, trên cơ sở tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định 78 của Chính phủ để đề ra nhiệm vụ, kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính  sách pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh, tiếp tục quan tâm, cân đối, bố trí ngân sách địa phương uỷ thác qua Ngân hàng CSXH để cho các đối tượng chính sách vay vốn,

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong việc phối hợp với Ngân hàng CSXH làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, thực hiện các chủ trương, chính sách về tín dụng, xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội, bảo đảm nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng, an toàn, hiệu quả, tránh việc trục lợi chính sách; kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị các chính sách phù hợp với địa phương.

Thường xuyên tuyên truyền sâu rộng, thiết thực về hiệu quả của các chương trình tín dụng CSXH, các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau vươn lên thoát nghèo, tạo sự lan toả mạnh mẽ trong xã hội.

Nhân dịp này, nhiều tập thể, cá nhân có thành tích trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội, giai đoạn 2002-2022 được nhận giấy khen của Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam. UBND tỉnh khen thưởng 28 tập thể, 56 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phối hợp thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP thời gian qua.

Minh Dương

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục