Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tín dụng chính sách xã hội: Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội
Chủ nhật: 18:27 ngày 14/07/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thời gian qua, nguồn vốn tín dụng Chính sách xã hội đã giúp nhiều hộ nghèo, đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh có việc làm và tăng thu nhập, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy kinh tế - xã hội các địa phương phát triển.

Ngày 22.11.2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (gọi tắt là Chỉ thị số 40-CT/TW). Sau 10 năm triển khai thực hiện, đến nay, tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có sự chuyển biến mạnh mẽ, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của tín dụng chính sách xã hội đối với việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn tại địa phương.

Hộ vay vốn từ ngân hàng CSXH tại xã Hoà Thạnh (huyện Châu Thành) phát triển chăn nuôi bò thoát nghèo (hình minh hoạ).

Đòn bẩy phát triển kinh tế hộ gia đình

Thời gian qua, nguồn vốn tín dụng Chính sách xã hội đã giúp nhiều hộ nghèo, đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh có việc làm và tăng thu nhập, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy kinh tế - xã hội các địa phương phát triển.

Ông Trần Văn Dương, ngụ ấp Phước Bình, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu cho biết, năm 2019, được sự hướng dẫn của Ban Quản lý ấp và Chi hội Nông dân ấp Phước Bình, gia đình ông được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Dương Minh Châu.

Có được vốn, ông Dương đầu tư mua cây giống, phân bón hữu cơ và thuê nhân công trồng được 1 ha mãng cầu. Sau hơn 2 năm cần mẫn chăm sóc, vườn mãng cầu của gia đình ông bắt đầu cho trái, giúp kinh tế gia đình ông ổn định, tạo việc làm cho 5 lao động ở địa phương với mức thu nhập hàng tháng từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.

Cũng là một trong những hộ từng có hoàn cảnh khó khăn, năm 2019, gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Thuý (ngụ ấp Suối Cao B, xã Phước Đông, huyện Gò Dầu) được Phòng giao dịch NHCSXH huyện cho vay vốn chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ đó, con của bà có chi phí trang trải việc học tập tại TP. Hồ Chí Minh. Đến nay, con bà đã tốt nghiệp đại học và có việc làm, thu nhập ổn định.

Bên cạnh đó, bà Thuý còn được vay 100 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để xây hồ nuôi lươn và mở tiệm bán tạp hoá. Hiện trại lươn của gia đình bà có 22 hồ, trung bình khoảng 2 tháng sẽ có 1 lứa được xuất bán, tổng trọng lượng khoảng hơn 2 tấn/đợt. Với giá bán lươn thương phẩm khoảng 100.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí, mỗi đợt gia đình thu về lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng.

Ban Đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn vay CSXH tại nhà hộ vay ở xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng

Góp phần cùng địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Ông Nguyễn Thanh Phong- Chủ tịch UBND xã Phước Đông cho biết, qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40, tín dụng chính sách xã hội đã thật sự đi vào cuộc sống người dân, phát huy được hiệu quả rõ rệt.

Thời gian qua, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội giúp trên 218 hộ nghèo, cận nghèo hộ của xã phát triển kinh tế và thoát nghèo; thu hút, tạo việc làm cho 300 lao động; 149 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập; 492 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng và 3 gia đình được vay vốn xây dựng mới nhà ở. Ngoài ra, nguồn tín dụng CSXH còn giúp 1 cơ sở giáo dục mầm non tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19 phục hồi hoạt động.

Theo ông Phong, những kết quả trên đã khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của xã, là công cụ, giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để xã thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới nâng cao, bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi, phát triển kinh tế ở địa phương.

Ông Lê Minh Phương- Chủ tịch UBND xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu cho biết, vốn tín dụng chính sách trên địa bàn xã đã đến được đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn- Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Gò Dầu cho biết, tiếp thu tinh thần Chỉ thị số 40 và Kết luận số 06 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã phổ biến, quán triệt và triển khai đến các cấp uỷ Đảng trực thuộc, xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Cán bộ NHCSXH thị xã Trảng Bàng kiểm tra việc sử dụng vốn vay của hộ vay tại xã Phước Chỉ, Thị xã Trảng Bàng.

Trong 10 năm qua, Chỉ thị số 40-CT/TW đã được triển khai nghiêm túc, bài bản, qua đó, tập hợp được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Tạo chuyển biến mạnh mẽ

Ông Dương Văn Thắng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh cho biết: Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40 và Kết luận số 06 của Trung ương, Tây Ninh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: Tổ chức huy động tương đối tốt các nguồn lực; triển khai cho vay kịp thời các chương trình tín dụng chính sách, góp phần thực hiện tốt, có hiệu quả các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội và quốc phòng an ninh. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đầu tư đến 100% các ấp, khu phố trên địa bàn toàn tỉnh.

Ông Đào Anh Tuấn – Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Tây Ninh cho biết, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Các cấp uỷ đảng, chính quyền, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp thường xuyên quan tâm, chú trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ tạo, tạo điều kiện cho NHCSXH hoạt động, tăng trưởng dư nợ, củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách.

Nguồn vốn tín dụng chính sách được NHCSXH ủy thác qua 4 tổ chức chính trị - xã hội (Hội Nông dân, Hội liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) là hướng đi đúng đắn, huy động được cả sức mạnh của cộng đồng và toàn xã hội, giúp chuyển tải vốn đến đúng đối tượng và kịp thời, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Các đơn vị nhận uỷ thác làm tốt nhiệm vụ của mình, thực hiện tốt vai trò là “cầu nối” giúp nguồn vốn từ NHCSXH đến đúng đối tượng thụ hưởng,

Trong giai đoạn 2014 – 2024, ngân sách địa phương uỷ thác qua NHCSXH đạt 483,3 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn uỷ thác lên 535,2 tỷ đồng, trong đó, ngân sách cấp tỉnh 425,8 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện 109,3 tỷ đồng.

Đến ngày 30.6.2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt 4.235 tỷ đồng, tăng 204% so với năm 2014, với 120.174 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Quy mô tín dụng được mở rộng, chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố và nâng cao, nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 0,19%/tổng dư nợ (giảm 0,5%) so với năm 2014.

Người dân đến làm thủ tục vay vốn tại điểm giao dịch phường 1, Tp, Tây Ninh.

Trong giai đoạn 2014-2024, tổng doanh số cho vay các chương trình tín dụng chính sách toàn tỉnh đạt 7.631,4 tỷ đồng, với gần 294.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH, qua đó, giúp gần 19.000 hộ thoát nghèo, từng bước phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống; gần 19.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; hỗ trợ hơn 67.000 lao động có việc làm ổn định.

Bên cạnh đó, nguồn vốn tín dụng chính sách còn góp phần xây dựng được hơn 308.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường ở nông thôn và 360 hộ vay vốn sửa chữa, xây mới, mua nhà ở xã hội.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW, trong thời gian tới, chi nhánh NHCSXH tỉnh Tây Ninh tập trung huy động nguồn lực và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã ban hành. Tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để đáp ứng kịp thời vốn cho người dân, thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, NHCSXH sẽ tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị nhận uỷ thác tập trung thực hiện tốt công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi, nhất là những chương trình tín dụng mới, quyền và nghĩa vụ của người dân khi vay vốn, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác sử dụng vốn hiệu quả, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng.

Minh Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục