BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tín hiệu khởi sắc của một huyện vùng biên 

Cập nhật ngày: 08/02/2020 - 14:24

BTNO - Chưa bao giờ huyện Bến Cầu có cơ hội phát triển kinh tế, xã hội tốt như hiện nay. Với những dự án đã và đang được đầu tư vào đây, hứa hẹn trong tương lai, huyện biên giới này sẽ phát triển tốt.

Nhiều dự án được đầu tư 

Cuối tháng 3.2019, Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) khánh thành trang trại bò sữa đạt tiêu chuẩn Global GAP lớn nhất Việt Nam tại xã Long Khánh huyện Bến Cầu. Trang trại có tổng diện tích 685 ha, quy mô chăn nuôi 8.000 con bò, bê với tổng đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng. Hiện nay, sản lượng sữa tươi nguyên liệu của trang trại đã đạt hơn 100 ngàn lít sữa/ngày. Tính đến thời điểm hiện tại, đây là trang trại bò sữa độc lập lớn nhất Việt Nam nằm trong hệ thống trang trại đạt chuẩn Global GAP của Vinamilk.

Cổng chào trên những tuyến đường cửa ngõ dẫn vào thị trấn Bến Cầu.

Tính đến tháng 6.2019, ở tỉnh ta đã có 9/10 Dự án Nhà máy điện mặt trời đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Trong đó, Nhà máy điện mặt trời HCG Tây Ninh và dự án Khu thương mại công nghiệp và năng lượng Hoàng Thái Gia có tổng công suất 100 MW, vốn đầu tư 2.406 tỷ đồng, sử dụng 116,3 ha đất tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, thuộc 2 xã Tiên Thuận và Lợi Thuận, huyện Bến Cầu.

Cuối tháng 4.2019, UBND tỉnh Tây Ninh chính thức khởi công khởi công dự án đưa nước hồ Dầu Tiếng vượt sông Vàm Cỏ Đông với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỉ đồng. Theo thiết kế, dự án này sẽ đưa nước từ hồ Dầu Tiếng vượt sông Vàm Cỏ Đông để phục vụ cho gần 17.000 ha đất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt và chăn nuôi của Tây Ninh, đặc biệt là cứu hạn cho nhân dân 2 huyện biên giới Châu Thành và Bến Cầu. Dự kiến dự án này hoàn thành trong năm 2022.

Ngày 26.10, UBND TP.HCM và UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức Lễ ký kết Kế hoạch phối hợp triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Mộc Bài. Theo thiết kế, chiều dài toàn tuyến đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài dài khoảng 53,5km với điểm đầu giao với đường vành đai 3 thuộc huyện Hóc Môn (TP.HCM) và điểm cuối kết nối vào Quốc lộ 22 khu vực cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Bến Cầu, Tây Ninh). Sau khi hoàn thành, dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài giải quyết bài toán giao thông cho tỉnh Tây Ninh, TP.HCM và tháo nút thắt giao thông cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thúc đẩy kinh tế - xã hội toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển.

Bộ mặt huyện Bến Cầu thay đổi rất nhiều so với những năm trước.

Ngày 5.3.2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 539/QĐ-UBND ngày 05/3/2019 phê duyệt đề án phát triển các khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Tận dụng cơ hội cửa ngõ hành lang kinh tế xuyên Á, với nhu cầu quá cảnh hàng hóa của các KCN tại tỉnh Svay Rieng (Campuchia) ra các cảng tại TP.HCM, Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài có thể phát triển mạnh dịch vụ kho bãi, giao nhận, vận chuyển hàng hóa và đây sẽ trở thành động lực mới để thu hút đầu tư phát triển.

Người dân phấn khởi

Chứng kiến nhiều dự án được đầu tư trên quê hương, nhiều người dân không giấu được niềm vui. Ông Phan Thanh Quang (59 tuổi), Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh huyện Bến Cầu chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất biên giới này nên nhớ rất rõ sự đổi thay của vùng đất Bến Cầu. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Bến Cầu bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Sau ngày độc lập thống nhất đất nước, Bến Cầu chỉ có một con đường nhựa nhỏ nối liền từ thị trấn Gò Dầu (huyện Gò Dầu) về cửa khẩu Mộc Bài. Còn từ cửa khẩu Mộc Bài về thị trấn Bến Cầu và về tất cả các xã đều là đường đất, chứ không phải đường nhựa như bây giờ. Nhà cửa của dân, cơ quan thì hầu hết là nhà tranh vách đất”.

Công viên 15.5 ở thị trấn Bến Cầu là nơi hội tụ nhiều hoạt động văn hóa thể thao cho người dân trong huyện.

Ông Quang cũng nhớ lại “bản thân tôi khi về công tác ở Phòng y tế huyện cũng phải đi chặt cây rừng, đắp đất làm nơi ở”. Những năm gần đây, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài có Công ty may Việt Nam Mộc Bài hoạt động, đã giải quyết được công ăn việc làm cho nhiều người. Công ty Bò sữa Vinamik vận động nhiều người dân mở rộng chăn nuôi. Nhà máy nước gần Cầu Đìa Xù đang xây dựng với công suất lớn, trong tương lai phục vụ nước sạch cho Khu cửa khẩu Mộc Bài, khu dân cư Tân Nam và có khả năng bao trùm cả thị trấn Bến Cầu. Nhà máy điện năng lượng mặt trời vừa hòa lưới điện quốc gia. Kết hợp với đường cao tốc TP.HCM- Mộc Bài, tin tưởng trong tương lai không xa, huyện Bến Cầu sẽ phát triển mạnh”- ông Quang bày tỏ sự tin tưởng.

Chị Trần Thị Ngọc Trinh- Bí thư Huyện đoàn Bến Cầu cũng phấn khởi trước sự đổi thay của huyện: “Chúng em rất vui trước những dự án được đầu tư vào Bến Cầu. Mong muốn rằng những dự án này được triển khai sớm, triển khai thuận lợi, trên cơ sở đó, tạo cơ hội cho thanh niên làm kinh tế với huyện nhà, cống hiến công sức xây dựng quê hương”.

Chị Trinh cho hay, chỉ riêng dự án đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động Công viên 15.5 ở thị trấn Bến Cầu đã mang đến không khí vui tươi, khác hẳn với cuộc sống trước đây. Công viên này tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến vui chơi giải trí, tập luyện thể thao. Về phía Huyện đoàn, sắp tới sẽ tổ chức nhiều hoạt động tại đây, như văn nghệ đường phố, cho các câu lạc bộ đến trình diễn những môn nghệ thuật mà các bạn yêu thích như nhảy dân vũ, nhảy hiện đại, trò chơi dân gian để thu hút thanh niên.

Dự án Nhà máy điện mặt trời ở huyện Bến Cầu đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Trên cơ sở những tiềm năng nêu trên, Bến Cầu xác định trong tương lai sẽ tập trung phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, gắn sản xuất với thị trường, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỷ thuật, tăng năng suất chất lượng sản phẩm. Phát triển ngành trồng trọt, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, xây dựng các vùng sản xuất cây công nghiệp, cây ăn quả, rau hàng hóa tập trung.

Tiếp tục phát triển cây lúa theo mô hình liên kết 4 nhà, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Tăng cường năng lực hệ thống khuyến nông, thú y, bảo vệ thực vật và các dịch vụ khác ở nông thôn.

Phấn đấu đến năm 2025 Bến Cầu trở thành huyện Nông thôn mới. Phát triển giao thông nông thôn, từng bước cứng hóa đường giao thông nông thôn bằng bê tông xi măng, nhựa nóng. Tổ chức thực hiện các khu dân cư biên giới đã được quy hoạch. Phát huy có hiệu quả các công trình thủy lợi được đầu tư trên địa bàn huyện, nâng cao hiệu suất sử dụng các công trình thủy lợi lên trên 85%.

Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tạo đà để phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào các dự án công nghiệp trong Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài. Tiếp tục phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn, ưu tiên và khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm lương thực, thực phẩm. Phát triển thương mại, dịch vụ gắn liền với quá trình phát triển công nghiệp, đô thị hóa và phát triển khu dân cư trên địa bàn…

Đại Dương