Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm:
Tín hiệu mới, hy vọng mới từ những giải pháp quyết liệt
Thứ sáu: 13:22 ngày 13/01/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Vừa qua, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có đợt giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016” đối với một số huyện, thành phố và UBND tỉnh. Kết quả của đợt giám sát cho thấy có những chuyển biến, song cũng còn những hạn chế, tồn tại khi áp dụng luật vào thực tiễn công tác quản lý trên lĩnh vực này. Qua đó, đoàn đã cùng chính quyền các cấp tìm ra một số biện pháp, đề xuất UBND tỉnh giải quyết hoặc trình lên Quốc hội.

Tham quan cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn Nam Trạng.

NHỮNG CHUYỂN BIẾN TỪ KHI CÓ LUẬT

Vài năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh, mạng lưới cung cấp thực phẩm an toàn bước đầu đã hình thành như các siêu thị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch, và dần trở thành điểm mua sắm tin cậy cho người dân. Nhiều tổ hợp tác, HTX rau an toàn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP được hỗ trợ thành lập, cung cấp sản phẩm an toàn cho thị trường. Bên cạnh đó, nhiều vụ việc vi phạm trong kinh doanh, sản xuất thực phẩm cũng được phát hiện, xử lý kịp thời, tạo lòng tin cho nhân dân.

Theo quy định của pháp luật, ba ngành Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) được phân chia trách nhiệm quản lý các cơ sở kinh doanh, sản xuất, chế biến thực phẩm. Theo thống kê của UBND tỉnh, hiện toàn tỉnh có 289 cơ sở thuộc phạm vi quản lý của ngành NN&PTNT, trong đó, 77,5% số cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; ngành Y tế quản lý 4.619 cơ sở và có trên 83,3% số cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận; ngành Công Thương quản lý 1.572 cơ sở và đã cấp giấy chứng nhận trên 44,1%. Bên cạnh những đợt thanh, kiểm tra thường xuyên hằng năm, ba ngành Công Thương, Y tế, NN&PTNT đều có những đợt kiểm tra đột xuất, theo chuyên đề đối với các cơ sở thuộc phạm vi quản lý.

Trong buổi làm việc với UBND tỉnh, ông Nguyễn Thái Sơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, Thông tư 51/2014/TT-BNNPTNT của của Bộ NN&PTNT được ban hành đầu năm 2015, trong đó có việc bắt buộc cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ thuộc phạm vi ngành quản lý ký cam kết bảo đảm điều kiện ATTP đã có những chuyển biến đáng kể. Điển hình như việc kiểm tra vi phạm tồn dư chất cấm trong thịt heo trên địa bàn tỉnh, năm 2015 có trên 20% trường hợp vi phạm bị phát hiện qua kiểm tra. Tuy nhiên, trong năm 2016 lại không phát hiện trường hợp vi phạm nào.

Về phía ngành Công Thương, theo ông Phạm Văn Quan, Phó Giám đốc Sở Công Thương, thời gian qua, Sở đã thực hiện việc kiểm tra kiến thức về ATTP cho người kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi ngành quản lý. Kết quả kiểm tra đạt yêu cầu, hộ kinh doanh mới được cấp giấy chứng nhận. Ông Quan nhận định, việc kiểm tra kiến thức đang từng bước nâng cao nhận thức của người kinh doanh về vấn đề ATTP. Bên cạnh đó, các cơ sở kinh doanh tạp hoá cũng được yêu cầu ký cam kết không bán hàng gian, hàng giả.

Những năm qua, sự kết hợp giữa các ngành thực hiện công tác kiểm tra, quản lý đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh đã mang lại kết quả đáng kể. Từ năm 2011-2016, đã thực hiện thanh, kiểm tra hàng chục nghìn lượt cơ sở, phát hiện, xử phạt hành chính gần 1.700 vụ vi phạm các quy định về ATTP. Trong đó, ngành Y tế phát hiện, xử phạt hành chính gần 800 vụ. Kết quả đó tạo ra được sự răn đe, giáo dục đối với các cơ sở khiến họ dần thay đổi thói quen.

NHƯNG VẪN CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN

Tại buổi làm việc của đoàn giám sát Đoàn đại biểu Quốc hội với UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cho rằng, ATTP là vấn đề bức xúc của toàn xã hội hiện nay, là lĩnh vực luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một thực trạng do điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn nên để bảo đảm công tác quản lý có hiệu lực, hiệu quả cần có lộ trình và có sự linh hoạt trong thực hiện. Ông Nguyễn Thanh Ngọc khẳng định: “Vấn nạn ATTP hiện nay tuy là một gam màu không sáng, nhưng đừng quá bức xúc mà hành động cứng nhắc, phải nhìn nhận đúng thực trạng vấn đề để tìm giải pháp thực hiện từ từ, hiệu quả”.

Theo phản ánh của các địa phương, các ngành trong suốt quá trình giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, hiện vẫn còn nhiều khó khăn khi thực hiện quản lý Nhà nước trong lĩnh vực ATTP. Cụ thể là vấn đề nhân lực, theo phân cấp quản lý, từ tuyến tỉnh, huyện, xã đều có tình trạng “teo tóp”. Tỉnh có sở, có các chi cục nhưng về đến xã chỉ còn một nhân viên của ngành Y tế kiêm nhiệm, còn hai ngành Nông nghiệp và Công Thương chưa có cán bộ tại tuyến xã.

Ông Nguyễn Điều, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP thừa nhận khó khăn trên: Ngay tại Chi cục hiện có 12 biên chế, trong khi phải thực hiện công tác quản lý gần 5.000 cơ sở. Vì vậy, ông Điều cho rằng theo quy định mỗi năm thực hiện thanh kiểm tra 1-2 lần/cơ sở là điều quá sức. Tại các địa phương, cán bộ tuyến huyện, xã vừa thiếu người lại vừa thiếu chuyên môn nghiệp vụ, nên khi thực hiện công tác thanh kiểm tra đã vấp phải khá nhiều vướng mắc. Các ngành, địa phương đều có ý kiến yêu cầu được bổ sung nhân lực, tập huấn nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ để công tác hiệu quả hơn. Ngành Y tế có trang bị một số dụng cụ test nhanh như máy đo nồng độ nitrat, đèn chiếu, bộ test kiểm tra hoá chất… Tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa như mong đợi.

Vấn đề dư lượng thuốc BVTV trên rau, củ, quả hiện nay thật đáng lo ngại. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn không thể kiểm soát được dư lượng hoá chất nông dược khi không có dụng cụ để kiểm nghiệm. Việc mua bán hoá chất, chất phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc, độc hại, hầu hết các địa phương đều khẳng định rất khó quản lý và không kiểm soát được.

Công tác lấy mẫu sản phẩm để kiểm nghiệm khi sự có nghi ngờ cũng không dễ dàng. “Không có gan lấy mẫu” là lời thừa nhận của một vị lãnh đạo huyện. Theo lý giải, khi kiểm tra, nghi ngờ có vi phạm, đoàn kiểm tra vẫn không dám lấy mẫu, niêm phong hàng, bởi nếu kết quả kiểm nghiệm là âm tính thì “lấy đâu ra kinh phí để có kinh phí để đền bù hàng hoá” (?!). Hoặc là chỉ “phạt tiền nguội” đối với mặt hàng vi phạm trong khi nó đã được tiêu thụ sạch. Điều này ắt là không đủ sức răn đe đối tượng vi phạm. Chính từ vấn đề này, các ngành, địa phương đều mong muốn luật phải có hướng dẫn xử lý cụ thể đối với mặt hàng tươi sống.

Ở nhiều nơi, việc giám sát, kiểm tra chất lượng hàng hoá chỉ dựa vào “mắt thường” là chủ yếu. Trong khi chất lượng thực phẩm tại các chợ luôn là vấn đề khiến những người có trách nhiệm băn khoăn. Tại khu C-D Trung tâm thương mại Long Hoa (thị trấn Hoà Thành, huyện Hoà Thành), theo đại diện Ban quản lý (BQL) chợ, trong năm 2016 chỉ phát hiện 1 trường hợp bán rau không bảo đảm an toàn, đã lập biên bản xử lý. Nhưng theo nhận định của các thành viên BQL chợ, đây không hẳn là một tín hiệu đáng mừng và việc kiểm tra, giám sát cần phải được thực hiện thường xuyên hơn nữa. Tại ngôi chợ nổi tiếng này, hiện BQL chợ không có chức năng xử phạt, nếu phát hiện có vi phạm chỉ lập biên bản chuyển sang cho UBND Thị trấn xử lý. Còn công việc của BQL chợ chỉ là động viên, tuyên truyền vận động tiểu thương thực hiện buôn bán đúng quy định về ATTP. Thành viên BQL chợ cũng không có chuyên môn, nghiệp vụ để phát hiện hàng gian, hàng kém chất lượng- nhất là với những mặt hàng tươi sống như rau, thịt.

Mối lo ngại tại các “chợ cóc, chợ nhỏ, chợ công nhân” vẫn là vấn đề ATTP. Câu hỏi được nhiều người quan tâm đặt ra là tại các chợ này, nguồn gốc, chất lượng thực phẩm có bảo đảm, khi mà giá bán lẻ luôn rẻ hơn rất nhiều so với các nơi khác? Tuy nhiên, ngành chức năng vẫn chưa có động thái quan tâm, quản lý đối với các chợ này. Cho đến nay vẫn chưa có sự cố đáng tiếc nào với thực phẩm từ các chợ “chồm hỗm” nhưng tác hại lâu dài thì “chưa biết ra sao ngày sau”.

Khâu sản xuất nhỏ lẻ cũng là bài toán khó cho ngành quản lý. Hầu hết các ngành, các địa phương đều “kêu khó” khi thực hiện nhiệm vụ quản lý các cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất thủ công, làm theo thời vụ. Khó từ quy định phân cấp quản lý đến việc chồng chéo “một sản phẩm thuộc nhiều ngành quản lý”.

Các bếp ăn tập thể thuộc các khu công nghiệp, khu kinh tế (KCN, KKT) trong tỉnh cũng là vấn đề cần quan tâm. Theo Ban quản lý KKT tỉnh, tại các KCN, KKT, 6 năm qua xảy ra 9 vụ ngộ độc thực phẩm và đều được xử lý kịp thời. Tuy nhiên, theo ý kiến của ngành quản lý, có một số công ty hợp đồng với các doanh nghiệp cung cấp suất ăn ngoại tỉnh gây khó cho kiểm tra, quản lý đầu vào.

Một vấn đề khác là có công ty chi định suất ăn cho công nhân quá thấp (khoảng 8.000 đồng/suất), gây ra mối lo ngại về chất lượng bữa ăn. Một chủ doanh nghiệp cung cấp suất ăn tại huyện Trảng Bàng cho biết, vì giá suất ăn thấp, trong khi giá thực phẩm lên xuống thất thường nên việc chọn mua thực phẩm rẻ tại các chợ để chế biến là chuyện phổ biến. 

NHỮNG GIẢI PHÁP SẮP TỚI

Đầu năm 2016, Uỷ ban Trung ương MTTQVN đã ký kết cùng Chính phủ chương trình phối hợp bảo đảm ATTP; tại tỉnh ta cũng tiến hành triển khai thực hiện chương trình. Qua đó, góp phần nâng cao vai trò giám sát của đoàn thể chính trị đối với việc thực hiện Luật ATTP. Và kể từ năm 2017, các xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh phải đạt thêm tiêu chuẩn ATTP là quy định bắt buộc, có như vậy mới góp phần nâng cao nhận thức cho chính quyền, người dân trong công tác bảo đảm ATTP.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, sắp tới, tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành, các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Theo ông Ngọc, công tác tuyên truyền về ATTP vẫn còn hạn chế, chưa thường xuyên, chưa phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể. Do đó, công tác tuyên truyền phải làm sao giúp dân nhận biết tác hại của thực phẩm bẩn, nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng nên mở chuyên mục thường xuyên trên báo, đài, hệ thống truyền thanh cơ sở và cả mạng xã hội để thông tin. Có như vậy mới tạo được sự lan toả trong cộng đồng. Theo ông Huỳnh Thanh Phương, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, truyền thông không chỉ một chiều, mà phải tuyên truyền theo hai mặt tốt-xấu, có phê bình, có biểu dương. Và cũng nên có cơ chế khuyến khích, động viên người tố giác hành vi vi phạm về ATTP. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát là việc sẽ được các ngành chức năng quản lý Nhà nước đẩy mạnh trong thời gian tới.

Việc hỗ trợ người dân tiếp cận những quy trình, kỹ thuật sản xuất mới, an toàn theo xu hướng chung của cả nước cũng sẽ được tỉnh quan tâm thực hiện; tạo sự kết nối giữa doanh nghiệp và người sản xuất trong lĩnh vực này để tạo sự ổn định. Do vẫn chưa tiếp cận được những quy trình sản xuất tiên tiến nên người sản xuất vẫn phải làm theo cách cũ gây mất an toàn.

Theo ông Ngọc, tỉnh đang nghiên cứu thực hiện một trung tâm kiểm định để hỗ trợ công tác kiểm tra, xét nghiệm. Tuy đây là một việc khó, nhưng vẫn là mục tiêu mà tỉnh theo đuổi nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý ATTP.

Có thể nói, công tác bảo đảm ATTP hiện nay là một vấn đề cấp bách cho toàn xã hội. Vì vậy, để công tác quản lý Nhà nước đối với vấn đề ATTP có hiệu quả, theo đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương, UBND tỉnh cần chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Phải có sự đầu tư thích đáng cho công tác này cả nhân lực, tài lực, vật lực. Có như vậy mới từng bước đẩy lùi được nạn thực phẩm bẩn hiện nay. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng chủ động tham mưu UBND tỉnh để được hỗ trợ đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác thanh, kiểm tra cho hiệu quả.

VI XUÂN

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh