Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Một buổi tối đầu tuần rồi, tôi đi uống cà phê ở cái quán đối diện cổng Chánh môn Toà thánh, thấy bốn, năm cái xe tải lớn treo băng-rôn “Hướng về miền Trung” đậu ở khoảng đất trống hai bên mang cá cổng chùa.
Rồi thấy có rất đông người đi xe máy, xe con chở nhiều bao hàng, thùng hàng thực phẩm, nước uống đóng chai tới trao cho mấy bác tài chất lên xe tải. Vài hôm sau đọc báo tỉnh nhà tôi mới biết đó là đoàn xe của Câu lạc bộ Bác tài Tây Ninh quyên góp hàng cứu trợ chở ra miền Trung cứu giúp đồng bào bị thiên tai lũ lụt. Ðoàn xe ấy lên đường rồi, mấy đêm sau đêm nào cũng có vài chiếc xe tải tới đó nhận hàng cứu trợ chở đi tiếp. Nghe đâu, tối thứ ba 27.10 này các bác tài trong câu lạc bộ đó lại có đợt quyên góp hàng cứu trợ nữa đó ông.
-Ðúng là miền Trung nước mình năm nào cũng bị bão lũ hoành hành, nhưng gần bốn chục năm qua mới thấy thiên tai nặng nề, dữ dội như năm nay…
-Mà nghĩ cũng ngộ quá ông! Làm như là thiên tai càng nặng thì hoạt động cứu trợ đồng bào mình càng mạnh mẽ, ào ạt không kém gì nước lũ. Tôi xem truyền hình, thấy nhà đài đưa tin trên đường từ miền Bắc vào, miền Nam ra cứ hễ trong ba chiếc xe thì có một chiếc xe chở hàng cứu trợ. “Máu chảy ruột mềm”, tinh thần tương thân tương ái của dân tộc mình vô bờ bến, ông ha!
-Ðiều đó thì quá rõ rồi, đạo lý, truyền thống dân tộc mình xưa nay là như thế. Nhưng… qua theo dõi đợt thiên tai năm nay, ông có thấy điều gì khác lạ so với những trận bão lụt các năm trước không?
-Cái đó thì... để tôi nghĩ coi… À, phải rồi, đợt này tôi thấy dường như có khác hơn là ở chỗ sự lan toả thông tin về tình hình thiên tai sâu rộng hơn do có thêm các kênh truyền thông xã hội trên mạng internet nữa, có phải vậy không ông?
-Thực tế là như vậy chứ còn dường như gì nữa. Nhưng theo Bàn Dân nghĩ, loại hình “truyền thông phi truyền thống” này rất phức tạp, rất dễ bị bọn xấu lợi dụng để xuyên tạc, chống phá đất nước ta. Ông có nhận thấy điều đó không?
-Ờ, phải rồi, có vẻ như trong vô số thông tin về tình hình thiên tai, về hoạt động cứu trợ đồng bào các vùng lũ lụt, cũng có nhiều thông tin trái chiều, “đâm hơi”, rất là khó nghe.
-Ðâu, ông thử dẫn chứng một vài trường hợp gọi là “trái chiều, đâm hơi” ấy xem sao.
-Chẳng hạn như là nhân sự ngẫu nhiên, tình cờ những ngày lũ lụt trùng với thời điểm diễn ra Ðại hội Ðảng bộ các tỉnh, bọn phản động đã ra sức tuyên truyền xuyên tạc, nói rằng Ðảng ta chỉ lo tiến hành đại hội, không lo cho dân phải chịu khổ sở vì thiên tai. Chúng cố tình lờ đi những hoạt động tích cực của hệ thống chính trị nước ta từ trung ương tới cơ sở nhằm thực hiện các biện pháp cấp bách cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai. Trong lúc Ðảng, Nhà nước, Nhân dân ta đang nỗ lực, đồng lòng để ứng phó, giải quyết hậu quả bão lũ thì các đối tượng chống đối chính trị, phản động lại ra sức tuyên truyền, xuyên tạc, chia rẽ tình đoàn kết quân dân, tuyên truyền chống phá Nhà nước Việt Nam bằng những thủ đoạn rất nham hiểm.
-Ông nhận thấy điều đó chứng tỏ là ông rất sáng suốt, nhưng theo ông, trong rộng rãi dư luận quần chúng thì số đông nghĩ gì, có bị bọn xấu lôi cuốn theo chúng không?
-Tôi nghĩ là không. Vì không phải chỉ trong đợt này, mà là đã nhiều năm qua, kể từ khi có sự xuất hiện của loại hình truyền thông xã hội, cụ thể là các mạng Facebook, YouTube, đa số người dùng mạng xã hội đã thấy được sự lợi dụng của bọn xấu. Cụ thể là ngay trong những trang tin xấu, tin giả, ở phần bình luận của người đọc cũng có nhiều ý kiến phản bác rất mạnh mẽ, có sức thuyết phục cao. Ðồng thời với sự vào cuộc đầy quyết tâm của ngành chức năng, của các cơ quan truyền thông chính thống, đã vạch trần âm mưu, thủ đoạn của bọn phản động, bọn lợi chụng chiêu bài tự do dân chủ để chống phá Ðảng ta, Nhà nước ta. Nhân dân ta không chỉ nghe thấy những thông tin đúng đắn của truyền thông chính thống, mà còn có sự trải nghiệm trong thực tế cuộc sống hằng ngày, nên biết rõ ai là người lo cho nước, cho dân, ai là kẻ chuyên rình rập, bươi móc, dựng chuyện một cách trơ tráo trên mạng xã hội, đúng ra là trên “thế giới ảo”, nên hành vi của bọn chúng đã lộ rõ chân tướng, không lôi kéo được ai cả. Ðúng không ông?
-Ông nói rất đúng. Bằng chứng cụ thể là trong việc khắc phục thiên tai lần này, người dân đã thấy rõ và đã tích cực, tự nguyện hưởng ứng cùng Nhà nước lo cho dân vùng bị thiên tai rất mạnh mẽ, chu đáo. Ðồng thời, Bàn Dân tin rằng, không chỉ lo cứu trợ trong những ngày lũ lụt, mà sau khi nước rút, bão tan, mọi người tiếp tục sẵn lòng chung sức lo cho việc khắc phục hậu quả thiên tai về nhiều mặt trong cuộc sống, để các vùng bị thiên tai nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường.
BÀN DÂN