Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tính dân tộc trong văn hoá Việt
Thứ sáu: 08:15 ngày 24/03/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Văn hoá cần phải phát huy vai trò “soi đường”, dẫn dắt dân tộc, nhân dân trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ nền độc lập, tự do.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Tây Ninh. Ảnh chụp tháng 9.2021

Tính dân tộc của nền văn hoá được thể hiện thông qua hệ giá trị văn hoá quý báu của mỗi dân tộc. Hệ giá trị văn hoá của mỗi dân tộc là tổng thể những giá trị tinh thần và vật chất, thể hiện trí tuệ, tình cảm, lối sống, cốt cách, sức sáng tạo được hình thành, được truyền lại, tiếp nối và được phát huy qua các thế hệ, các thời kỳ lịch sử, được vật chất hoá thông qua hoạt động của con người, của cộng đồng dân tộc ấy.

Đối với Việt Nam, hệ giá trị đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống, theo các nhà nghiên cứu.

Lòng yêu nước

Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, hệ giá trị văn hoá ấy, nhất là lòng yêu nước, đã phát huy mạnh mẽ lòng tự tôn, tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, tạo nên sức mạnh quật khởi để dân tộc Việt Nam chiến thắng giặc ngoại xâm, bảo vệ giang sơn bờ cõi, xây dựng và phát triển đất nước. Yêu nước là truyền thống nổi bật trong hệ giá trị của dân tộc Việt Nam.

Truyền thống ấy là mẫu số chung, là nguồn lực nội sinh của cộng đồng dân tộc. Lòng yêu nước của người Việt Nam không chỉ là tư tưởng, tình cảm mà đã trở thành triết lý, là chủ nghĩa yêu nước, là ý chí, khí phách, quyết tâm và hành động của mỗi con người.

Nhận định về truyền thống yêu nước của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.

Lòng yêu nước của người Việt Nam được thể hiện ở lòng yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, yêu từng tấc đất, núi sông, yêu thiết tha quê hương, làng xóm, yêu con người, yêu văn hoá, phong tục tập quán, lối sống tốt đẹp trọn nghĩa vẹn tình... “Ôi đất nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy/ Những cuộc đời đã hoá núi sông ta” (Nguyễn Khoa Điềm).

Lịch sử dân tộc Việt Nam là thiên anh hùng ca về tinh thần quật khởi, ý chí quật cường bất khuất, xả thân trong các cuộc đấu tranh chống thiên tai, địch hoạ, chống lại sự đô hộ, đồng hoá, âm mưu xâm lược của ngoại bang, đưa dân tộc Việt Nam vượt qua muôn vàn thử thách, sóng gió để đi đến những thắng lợi vinh quang, cũng như tinh thần quyết tâm mạnh mẽ xây dựng đất nước hùng cường trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Nhà thơ Chế Lan Viên đã viết: ... “Ôi! Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt/ Như mẹ cha ta, như vợ, như chồng/ Ôi! Tổ quốc! nếu cần, ta chết/ Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông”...

Lòng yêu nước ấy, tinh thần ấy không chỉ được thể hiện trong suốt chiều dài lịch sử, qua những chiến công vĩ đại, mà còn được thể hiện sâu sắc chính ngay trong cuộc sống thường ngày, bởi những con người bình dị nhất. Mỗi người Việt Nam luôn thể hiện tinh thần, ý chí ấy trong quá trình lao động sản xuất, chiến đấu để góp phần cống hiến cho đất nước, cho Tổ quốc của mình.

Tinh thần đoàn kết

Cùng với lòng yêu nước thì tinh thần đoàn kết cũng là truyền thống nổi bật của dân tộc Việt Nam. Tinh thần đoàn kết trở thành giá trị vững bền, là “chất keo” kết dính tự nhiên, là mạch nguồn của sức mạnh Việt Nam. Mỗi người Việt Nam từ lịch sử đến hiện tại đều mang trong mình giá trị tinh thần ấy.

Trong dòng chảy của lịch sử dân tộc, tư tưởng thuận hoà, đoàn kết, sự hoà đồng là tư tưởng chủ đạo, chi phối. Nó mạnh hơn tư tưởng kỳ thị, phân biệt đối xử. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, đoàn kết làm nên sức mạnh, là cội nguồn của mọi thành công.

“Đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi”. Trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, tinh thần đoàn kết đã tạo nên một sức mạnh vô địch và bất diệt, nó nhấn chìm mọi bè lũ bán nước và cướp nước.

Tinh thần đoàn kết ấy còn được thể hiện ở sự đùm bọc, sẻ chia, yêu thương, cảm thông với những người gặp khó khăn, hoạn nạn. Những giá trị cốt lõi của tính dân tộc trong nền văn hoá đã làm nên một Việt Nam hùng cường, bất khuất với hàng ngàn năm lịch sử.

Câu thơ nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giai đoạn lịch sử hào hùng chống quân Mông Nguyên thế kỷ XIII của dân tộc sẽ tiếp tục lan toả, bồi đắp khát vọng, ý chí mãnh liệt của mỗi con người Việt Nam về một đất nước hùng cường, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, hoà bình và phát triển xứng tầm với quốc tế: “Mênh mông một dải Bạch Đằng/ Nghìn thu soi rạng giống dòng quang vinh”.

Ngày nay, trong quá trình xây dựng đất nước, chúng ta tăng cường, củng cố tính dân tộc của nền văn hoá để không mất bản sắc, không bị “hoà tan”. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc đến “cốt cách dân tộc”. Đó là sự tổng hoà tính đặc sắc của ngôn ngữ, phong tục, tập quán, truyền thống, tâm lý, tình cảm, biểu tượng, là bản sắc văn hoá của dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, nền văn hoá Việt Nam theo định hướng xã hội chủ nghĩa phải là nền văn hoá gắn tính dân tộc với tính quốc tế, gắn lợi ích quốc gia dân tộc với lợi ích quốc tế, xây dựng mối quan hệ tin cậy, cởi mở, hướng tới tương lai. Ngay từ năm 1924, mặc dù nhấn mạnh vai trò của chủ nghĩa dân tộc trong cách mạng giải phóng các dân tộc thuộc địa phương Đông, Hồ Chí Minh cũng không đặt các dân tộc ấy trong tính biệt lập với sự nghiệp cách mạng thế giới. Trên cơ sở sự biến đổi của chủ nghĩa thực dân và sự biến đổi nhanh chóng của tình hình cách mạng thế giới, Hồ Chí Minh cũng đã có sự phân tích sâu sắc về chủ nghĩa thực dân và khả năng làm cách mạng ở các nước thuộc địa có nền kinh tế chậm phát triển.

Trong các yếu tố tạo cơ sở, nền tảng cho sự phát triển như vốn, tài nguyên, khoa học - công nghệ và văn hoá thì văn hoá - con người có vai trò đặc biệt. Về bản chất, văn hoá là những hoạt động sáng tạo của con người hướng tới những giá trị nhân văn, nhân bản, là khát vọng hướng tới cái chân, thiện, mỹ nhằm hoàn thiện con người, hoàn thiện xã hội.

Nói tới văn hoá là nói tới con người, do vậy, phát huy vai trò của văn hoá trong phát triển chính là phát huy những năng lực, bản chất của con người. Con người với trí tuệ và tiềm năng sáng tạo đặc biệt có khả năng lựa chọn và tiếp thu một cách chọn lọc những giá trị văn hoá vật chất và tinh thần phục vụ cho sự phát triển.

Con người với khả năng của mình biết kết hợp các nguồn lực khác để tạo ra sự thay đổi to lớn cho sự phát triển xã hội. Con người cũng là nguồn lực vô tận, càng được khai thác đúng cách lại càng trở nên giàu có. Khi trí tuệ, tinh thần của con người được phát huy, được vật chất hoá thì nó sẽ thúc đẩy sự phát triển vô cùng mạnh mẽ.

“Trong khổ đau người đẹp hơn nhiều"

Dưới ánh sáng của Đề cương văn hoá 1943, nhiều văn nghệ sĩ đã thức tỉnh, tìm được con đường, hướng đi đến với cách mạng, kháng chiến; gắn bó mật thiết với Đảng, với Nhân dân. Khi tìm được lý tưởng cách mạng, được đứng dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, nhiều văn nghệ sĩ không giấu nổi niềm vui sướng, tự hào khi từ “thung lũng đau thương” ra “cánh đồng vui”, từ “chân trời của một người” đến “chân trời của tất cả” (Chế Lan Viên).

Khi được giác ngộ lý tưởng của Đảng, khi “mặt trời chân lý chói qua tim”, họ tự nguyện dấn thân, hoà mình với nhân dân, đất nước: “Tôi đã là con của vạn nhà/ Là em của vạn kiếp phôi pha/ Là anh của vạn đầu em nhỏ/ Không áo cơm, cù bất cù bơ...” (Tố Hữu) “Tôi cùng xương thịt với nhân dân tôi/ Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu/ Tôi sống với muôn người chiến đấu/ Của triệu người yêu dấu gian lao” (Xuân Diệu). Mới đây, khi tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước, ông Võ Văn Thưởng nhắc lại mấy câu thơ của Xuân Diệu như một lời hứa và cao hơn, một lời thề của mình đối với Tổ quốc, với Nhân dân.

Văn hoá cần phải phát huy vai trò “soi đường”, dẫn dắt dân tộc, nhân dân trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ nền độc lập, tự do. Đúng như nhà thơ Tố Hữu viết: “Việt Nam, ôi Tổ quốc thương yêu! Trong khổ đau, Người đẹp hơn nhiều/ Như bà mẹ sớm chiều gánh nặng/  Nhẫn nại nuôi con, suốt đời im lặng/ Biết hy sinh nên chẳng nhiều lời/ Gì quý hơn giá trị con người”...

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục