Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Tin tức dịch Covid-19 ngày 27/2 tại Việt Nam: Hà Nội lần đầu vượt ngưỡng 10.000 ca nhiễm/ngày, nhóm F0 mới thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.
Tin tức Covid-19 mới nhất hôm nay
Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 3.219.177 ca nhiễm, đứng thứ 30/225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện điều trị cho 2.979 bệnh nhân nặng. Trong đó, 230 ca thở máy xâm lấn, 11 ca chạy ECMO.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 40.050 ca, chiếm tỷ lệ 1,2% so với tổng số ca nhiễm.
Tình hình dịch Covid-19 hôm nay ngày 27/2 mới nhất 1
Liên tục cập nhật thông tin diễn biến dịch Covid-19 trong ngày 27/2.
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
Riêng đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay, cả nước có 3.211.849 ca bệnh Covid-19. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này gồm TP.HCM (530.334), Bình Dương (296.256), Hà Nội (247.583), Đồng Nai (101.051), Tây Ninh (89.934).
Về tình hình điều trị, trong ngày có 20.427 ca được công bố khỏi bệnh. Tổng số bệnh nhân được điều trị khỏi là 2.376.046 ca.
Hiện điều trị cho 2.979 bệnh nhân nặng. Trong đó, 230 ca thở máy xâm lấn, 11 ca chạy ECMO.
Trung bình 90 ca tử vong mỗi ngày
Về tình hình tử vong, trong 24 giờ qua, cả nước có 88 trường hợp tử vong vì Covid-19. TP.HCM có 3 trường hợp, trong đó 2 ca chuyển đến từ Đồng Tháp và Đồng Nai.
Các tỉnh, thành khác ghi nhận số tử vong như sau: Hà Nội (24), Đà Nẵng (5), Nam Định (5 ca trong 2 ngày)Trà Vinh (5), Bình Định (4), Hà Giang (4), Hải Phòng (4), Hải Dương (3), Phú Thọ (3), Quảng Nam (3), Quảng Ngãi (3), Vĩnh Long (3), An Giang (2), Đồng Nai (2), Hòa Bình (2), Thái Nguyên (2), Thừa Thiên Huế (2), Bạc Liêu (1), Cần Thơ (1), Đồng Tháp (1), Hà Tĩnh (1), Lào Cai (1), Ninh Bình (1), Phú Yên (1), Quảng Ninh (1), Quảng Trị (1)..
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 40.050 ca, chiếm tỷ lệ 1,2% so với tổng số ca nhiễm. Tổng số tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, xếp thứ 6/49 châu Á, xếp thứ 3 ASEAN.
Tình hình xét nghiệm và tiêm chủng
Từ ngày 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 33.495.156 mẫu, tương đương 78.971.531 lượt người.
Trong ngày 25/2 có 384.509 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Tổng số vắc xin tiêm đến nay là 193.274.685 liều, trong đó:
Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 176.519.726 liều. Mũi 1 là 70.852.938 liều; Mũi 2 là 67.197.435 liều; Mũi 3 là 1.442.133 liều; Mũi bổ sung là 13.680.006 liều; Mũi nhắc lại là 23.347.214 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 16.754.959 liều: Mũi 1 là 8.620.942 liều; Mũi 2 là 8.134.017 liều.
Hà Nội phát hiện thêm hơn 10.000 ca Covid-19
Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 25/2 đến 18h ngày 26/2, trên địa bàn thành phố ghi nhận 10.783 ca Covid-19 (tăng 947 ca), trong đó có 3.709 ca cộng đồng; 7.074 ca đã cách ly. Như vậy, số ca mắc trên địa bàn thành phố vẫn tiếp tục gia tăng và đây là mức tăng cao chưa từng có.
Tình hình dịch Covid-19 hôm nay ngày 27/2 mới nhất 2
Hà Nội liên tiếp lập đỉnh ca mắc mới Covid-19 với con số tăng dần lên tới hơn 10.700 ca nhiễm mới/ngày.
Cụ thể, 10.783 bệnh nhân phân bố tại 537 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Long Biên (541); Mê Linh (531); Thạch Thất (478); Quốc Oai (385); Hai Bà Trưng (331).
Cũng theo báo báo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến nay, có 424.334 F0 ở Hà Nội đang điều trị, theo dõi. Trong đó, có 417.200 F0 điều trị tại nhà (chiếm 98,3% tổng ca đang điều trị); 1.376 F0 điều trị tại các cơ sở thu dung của thành phố và quận/huyện (chiếm hơn 0,32%).
Có 5.758 ca diễn biến cấp độ trung bình, nặng, nguy kịch phải nhập viện điều trị, tương đương hơn 1,35% tổng số ca đang điều trị ở Thủ đô. Trong đó, có 357 ca đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, 5.401 người điều trị tại các bệnh viện tầng 2 và 3 của Hà Nội.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến hết ngày 25/2, trong các bệnh nhân đang điều trị tại viện ở Hà Nội, có khoảng 3.500 ca diễn biến mức độ trung bình (chiếm gần 64%). Ngoài ra, có hơn 860 ca nặng, nguy kịch...
Trong ngày 26/2, Hà Nội có 24 ca tử vong, nâng tổng số người tử vong do Covid-19 từ 27/4/2021 đến nay lên 1.050 người.
Theo Sở Y tế, Hà Nội hiện đã tiêm cho 99,8% người cần tiêm mũi bổ sung. Với mũi nhắc lại, Hà Nội có hơn 4,7 triệu người từ 18 tuổi cần tiêm, trong đó đã tiêm cho hơn 3,43 triệu người – tương đương tỷ lệ 72,9%. Ngoài ra, các bệnh viện trung ương đã tiêm mũi nhắc lại cho gần 70.000 người.
TPHCM ra văn bản khẩn ứng phó biến chủng Omicron
Trước tình trạng các ca mắc COVID-19 có chiều hướng tăng với biến chủng Omicron chiếm ưu thế trong số ca nhiễm, Ban Quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM yêu cầu các công ty phát triển hạ tầng khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) và doanh nghiệp (DN) tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Tình hình dịch Covid-19 hôm nay ngày 27/2 mới nhất 3
Lãnh đạo TPHCM kiểm tra công tác phòng chống dịch tại một số doanh nghiệp đang hoạt động trong khu chế xuất Tân Thuận.
Ngày 26/2, Ban Quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM (HEPZA) đã có văn bản khẩn gửi các công ty phát triển hạ tầng KCX-KCN, DN hoạt động trong các KCX-KCN yêu cầu tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 cho người lao động trước tình hình các ca nhiễm có chiều hướng tăng trong cộng đồng.
Theo HEPZA, hiện nay, tình hình các ca nhiễm COVID-19 có chiều hướng tăng với biến chủng Omicron chiếm ưu thế trong số ca nhiễm trên địa bàn TPHCM. Để chủ động, kiểm soát hiệu quả và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, HEPZA đề nghị các công ty phát triển hạ tầng và các DN đang hoạt động trong khu chế xuất, khu công nghiệp tiếp tục tăng cường đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Cụ thể, các DN có kế hoạch và chủ động xét nghiệm sàng lọc, tầm soát để kịp thời phát hiện các ca nhiễm, tránh phát sinh ổ dịch tại nơi sản xuất. Khi có kết quả xét nghiệm dương tính trong quá trình sản xuất, các DN báo cáo ngay về HEPZA và thực hiện quy trình xử lý F0 của Sở Y tế.
HEPZA yêu cầu các DN nhắc nhở các công nhân, lao động nếu tự xét nghiệm tại nhà có kết quả dương tính, phải thông báo cho DN và trạm y tế nơi cư trú để được quản lý theo quy định; không để xảy ra tình trạng người lao động mắc COVID-19 nhưng không khai báo, vẫn tiếp tục đi làm, gây ảnh hưởng tâm lý cho người lao động và nguy cơ lây lan trong doanh nghiệp.
Các DN thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch, đảm bảo thực hiện nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”, nâng cao tinh thần cảnh giác, không chủ quan với các nguy cơ dịch bệnh, thường xuyên tự kiểm tra, đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tới từng phân xưởng, khu vực sản xuất và chủ động phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả trước nguy cơ gia tăng các ca nhiễm.
Bên cạnh đó, các DN tuyên truyền, nhắc nhở người lao động nâng cao ý thức phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm “Thông điệp 5K” tại nơi làm việc và nơi cư trú. Ngoài ra, DN tiếp tục rà soát các trường hợp chưa tiêm liều bổ sung hoặc nhắc lại (mũi 3) để hướng dẫn người lao động liên hệ địa phương nơi cư trú tiêm đầy đủ vắc xin.
HEPZA lưu ý các DN và người lao động không lơ là, chủ quan. Khi đã tiêm đầy đủ vắc xin phòng COVID-19 hoặc ngay cả trường hợp mắc COVID-19 đã khỏi bệnh thì người lao động vẫn có thể tái nhiễm do biến chủng mới.
Trước đó, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 và phục hồi kinh tế TPHCM hôm 22/2, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho biết có đủ cơ sở khẳng định khả năng biến chủng Omicron đang chiếm ưu thế trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, kết quả tầm soát ngẫu nhiên biến chủng Omicron bằng xét nghiệm PCR tại TPHCM từ ngày 10/2 đến ngày 17/2, có 70/92 mẫu bệnh phẩm cho kết quả dương tính với biến chủng Omicron (chiếm 76%). Biến chủng Delta chỉ còn chưa đến 30%.
Ngành y tế tiếp tục lấy ngẫu nhiên 26 mẫu trong 70 mẫu nhiễm biến chủng Omicron để giải trình tự gen. Kết quả là 100% số mẫu là biến chủng Omicron.
“Đây là cơ sở khoa học cho thấy, biến chủng Omicron tại TPHCM đang tăng cao và chiếm ưu thế so với chủng Delta. Điều này cũng lý giải nguyên nhân số bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn trong vài ngày qua có chiều hướng tăng cao” - ông Tăng Chí Thượng khẳng định.
Nguồn baogiaothong