BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tình hình học sinh vi phạm pháp luật: Nỗi lo không của riêng ai

Cập nhật ngày: 11/04/2009 - 09:03

Không ít học sinh vi phạm pháp luật vì ảnh hưởng các trò chơi bạo lực từ game online

Theo thống kê của ngành Công an, trong 6 tháng cuối năm 2008 trong tỉnh Tây Ninh đã xảy ra 577 vụ học sinh vi phạm pháp luật, trong đó có 503 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, 54 vụ gây rối trật tự công cộng, 4 vụ cố ý gây thương tích, 1 vụ vô ý làm chết người, 1 vụ cướp giật tài sản… Qua đó, đã khởi tố hình sự 23 đối tượng. Những địa phương tập trung nhiều học sinh vi phạm pháp luật là Thị xã (207 vụ với 222 học sinh), Tân Biên (120 vụ, 120 em), Tân Châu (118 vụ, 118 em)… Một số trường ở Thị xã xảy ra tình trạng học sinh gây rối trật tự công cộng, đánh nhau thường xuyên như THPT Trần Đại Nghĩa, THPT Lê Quý Đôn, THCS Chu Văn An, THCS Bình Minh…

Nhiều vụ va chạm có liên quan đến học sinh thường diễn ra ngoài cổng trường, trước hoặc sau giờ tan học nên các thầy cô giáo thường không nắm được sự việc, trừ những vụ việc để lại hậu quả nghiêm trọng, bị người lớn phát hiện. Không ít học sinh khi bị hành hung hay có tâm lý giấu cha mẹ, thầy cô. Theo thầy Lê Minh Chính- hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa thì phần lớn các vụ bạo lực học đường chỉ bắt đầu từ những mâu thuẫn nhỏ trong trường lớp hay những va chạm vặt bên ngoài xã hội. Phần lớn những học sinh vi phạm đều có đạo đức hạnh kiểm không tốt, tập trung ở những em học ở khối lớp 10, lớp 11. Ở độ tuổi 15, 16 tâm sinh lý của các em chưa ổn định, luôn muốn chứng tỏ “cái tôi”, muốn làm người lớn nên dễ bị bạn bè xấu lôi kéo, kích động dễ có những hành vi ứng xử bồng bột, bốc đồng sẵn sàng liều lĩnh, sẵn sàng “gây chiến” lẫn nhau. Bên cạnh đó, không ít học sinh bị ảnh hưởng các game online, phim bạo lực chiếu trên truyền hình, internet, các loại văn hoá phẩm “đen”… Một số học sinh thích kết thân với các nhóm thanh thiếu niên bỏ học, chơi bời lêu lổng, thường hay tụ tập trước cổng trường để nhờ “giải quyết” giùm các vụ mâu thuẫn khi cần.

Trước thực trạng này, từ đầu năm học 2008-2009, lãnh đạo Sở GD&ĐT Tây Ninh đã yêu cầu các trường học phối hợp chặt chẽ hơn với phụ huynh trong việc giáo dục học sinh cá biệt, tăng cường giám sát, xử lý kỷ luật kịp thời những vụ mâu thuẫn có thể dẫn đến xung đột trong học sinh; đặc biệt là kết hợp với chính quyền, công an địa phương nhằm lập lại tình hình an ninh trật tự trước cổng trường. Theo ông Đổng Ngọc Lập- PGĐ Sở GD-ĐT, để hạn chế tình hình bạo lực học đường, ngành đã chỉ đạo các trường tích cực xây dựng “trường học thân thiện”, tăng cường công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh, chú trọng các nội dung liên quan đến hành vi ứng xử trong mối quan hệ bạn bè.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay, các trường học ở Thị xã vào giờ tan học đều có lực lượng công an địa phương đứng trực trước cổng trường. Điều này đã đem lại hiệu quả: số học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông giảm, các nhóm thanh thiếu niên xấu không dám tụ tập gây sự, và các em học sinh khi có mâu thuẫn cũng không dám “giải quyết” nhau ngay tại cổng trường.

Tại một số trường (như THPT Trần Đại Nghĩa, THPT Lê Quý Đôn) Đoàn Thanh niên của trường ngoài việc tăng cường tổ chức các buổi tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật còn kết hợp giáo viên chủ nhiệm, giám thị tìm hiểu diễn biến tâm lý của học sinh, thường kiểm tra đột xuất cặp của học sinh để kịp thời phát hiện những vật dụng, hung khí có khả năng gây án. Ngoài ra các trường còn cung cấp cho phụ huynh học sinh số điện thoại cá nhân của cán bộ, giáo viên để tiện liên hệ, phối hợp khi cần thiết. Theo thầy Lê Minh Chính, cũng nhờ vậy mà đã kịp thời ngăn chặn rất nhiều vụ học sinh gây rối. Theo thầy Chính: “Sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong việc giáo dục đạo đức, pháp luật và thiết kế cho học sinh những môi trường giải trí lành mạnh là biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường.

Theo ngành giáo dục, trong học kỳ I năm học 2008-2009, toàn tỉnh Tây Ninh có gần 500 học sinh phổ thông bị xếp loại đạo đức hạnh kiểm yếu kém, đó là những học sinh “cá biệt”, rất cần được quan tâm sát sao những thay đổi trong tính cách, tâm sinh lý từ cả 3 phía: gia đình, nhà trường và xã hội mới mong có thể ngăn chặn những mầm mống bạo lực và vi phạm pháp luật trong lứa tuổi học trò.

Trịnh Vi