Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bộ Công Thương:

Tình hình sản xuất, xuất khẩu sẽ khả quan hơn 

Cập nhật ngày: 19/04/2023 - 08:09

BTN - Một số khu vực kinh tế lớn như Trung Quốc, Mỹ tăng trưởng cao hơn dự báo; một số nền kinh tế đang nổi tại châu Á như Ấn Độ, ASEAN tăng trưởng khả quan...

Tình hình sản xuất công nghiệp còn nhiều khó khăn (ảnh minh họa)

Sáng 18.4, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị trực tuyến khối Công Thương địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu quý I và đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu năm 2023. Hội nghị do Bộ Trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Bộ Công Thương và trực tuyến với sự tham dự của lãnh đạo khối Công Thương địa phương và Sở Công Thương 63 tỉnh, thành phố.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, nhiệm vụ của hội nghị là đánh giá thực chất tình hình sản xuất kinh doanh, hoạt động thương mại và xuất nhập khẩu 3 tháng đầu năm 2023, chỉ ra nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan từ đó đưa ra các giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ đề ra.

Báo cáo tại hội nghị, ông Ngô Quang Trung- Cục trưởng Cục Công Thương địa phương cho biết, tính chung quý I.2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 2,4%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,8%; ngành khai khoáng giảm 4,5%.

Có 48 địa phương có IIP quý I tăng và 15 địa phương có IIP giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chủ lực của một số địa phương đạt mức tăng khá cao. Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng (Cao Bằng tăng 26,8%; Tuyên Quang tăng 22,6%; Hải Phòng tăng 14,8%; Quảng Ninh tăng 13,6%; Hải Dương tăng 12,5%; Nam Định tăng 12,3%; Đăk Lăk, Bạc Liêu và Phú Yên cùng tăng 11,6%; Bắc Giang và Kiên Giang tăng 10,9%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao (Hậu Giang tăng 286,1%; Thái Bình tăng 55,7%; Quảng Trị tăng 37%; Cà Mau tăng 33,7%).

Các đại biểu dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Tây Ninh.

Ngành công nghiệp chủ lực của một số địa phương tăng thấp hoặc giảm. Cụ thể: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm (Quảng Nam giảm 34,3%; Bắc Ninh giảm 18,8%; Vĩnh Long giảm 16,5%; Sóc Trăng giảm 15,6%; Vĩnh Phúc giảm 8,1%.); ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm (Ninh Bình giảm 31,8%; Trà Vinh giảm 29,3%; Hà Giang giảm 24,9%; Cao Bằng giảm 21,9%; Hải Phòng giảm 18,5%...)

Trong quý I.2023, sức tiêu thụ của thị trường đối với mặt hàng thực phẩm như thịt lợn, thịt gà chậm, nhiều bếp ăn công nghiệp giảm do doanh nghiệp ngưng sản xuất, giảm ngày làm việc, người dân giảm chi tiêu do khó khăn… trong khi nguồn cung tăng nên giá các mặt hàng đều có xu hướng giảm. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 3 tháng đầu năm tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước.

Về xuất nhập khẩu, tính chung quý I năm 2023, kim ngạch hàng hoá xuất khẩu ước tính đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 14,4%); trong đó khu vực doanh nghiệp trong nước giảm mạnh hơn (giảm 17,4%) so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (giảm 10%), điều này cho thấy những khó khăn của các doanh nghiệp trong nước trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu, có 14 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, giảm 2 mặt hàng so với cùng kỳ (có 16 mặt hàng), chiếm 77,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52,8%).

Kim ngạch nhập khẩu hàng hoá ước đạt 75,1 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 15,6%), trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 26,03 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 49,07 tỷ USD, giảm 15,4%. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 20,6 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 23,6 tỷ USD.

Người dân mua sắm tại siêu thị Coopmart Tây Ninh.

Theo lãnh đạo Cục Công Thương địa phương, ngoài những yếu tố bên ngoài như: giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao. Tình hình lạm phát vẫn còn ở mức cao, nhiều nước thắt chặt chính sách tiền tệ, xu hướng thắt chặt chi tiêu… khiến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng. Đồng thời việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang ở trong bối cảnh rất khó khăn do thiếu đơn hàng, khả năng hấp thụ vốn đã bắt đầu giảm.

Ông Ngô Quang Trung cũng thông tin thêm: Một số khu vực kinh tế lớn như Trung Quốc, Mỹ tăng trưởng cao hơn dự báo; một số nền kinh tế đang nổi tại châu Á như Ấn Độ, ASEAN tăng trưởng khả quan; các chính sách kích cầu đầu tư công và hỗ trợ doanh nghiệp của nhà nước phát huy tác dụng trong việc phục hồi các hoạt động sản xuất; số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng lần đầu tiên trong 3 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp dù có giảm nhưng xu hướng tăng dần qua các tháng; nhập khẩu nguyên phụ liệu có dấu hiệu tăng… là những yếu tố dự báo tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu trong thời gian tới sẽ khả quan hơn.

Ngành Công Thương đang nỗ lực triển khai các hoạt động nhằm đạt kế hoạch dự kiến năm 2023. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp của toàn ngành công nghiệp cả năm phấn đấu tăng khoảng 8%-9% so với năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước dự kiến tăng khoảng 8%-9%; tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước dự kiến tăng 6% so với năm trước.

Minh Dương