Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tình hình tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp
Thứ tư: 02:00 ngày 11/12/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tội phạm mua bán người là loại tội phạm có lợi nhuận chỉ đứng sau tội phạm ma tuý và tội phạm mua bán vũ khí.

Theo đánh giá của Công an tỉnh, tình hình tội phạm mua bán người xảy ra khá phức tạp. Công dân Việt Nam trong đó có nhiều người trẻ ở các tỉnh phía Bắc, miền Trung bị dụ dỗ qua mạng xã hội với chiêu bài “việc nhẹ, lương cao”, tìm cách xuất cảnh sang Campuchia hợp pháp hoặc bất hợp pháp, sau đó bị lừa bán, cưỡng bức lao động.

Đại tá Nguyễn Văn Trãi- Giám đốc Công an tỉnh thông tin về tội phạm mua bán người.

Đại tá Nguyễn Văn Trãi- Giám đốc Công an tỉnh thông tin về tội phạm mua bán người

Đại tá Nguyễn Văn Trãi- Giám đốc Công an tỉnh cho biết: “Tội phạm mua bán người là loại tội phạm có lợi nhuận chỉ đứng sau tội phạm ma tuý và tội phạm mua bán vũ khí.

Hiện nay, theo thống kê của Văn phòng Liên Hợp quốc, trên thế giới khoảng 510 đường dây mua bán người nguy hiểm, trung bình mỗi ngày có khoảng trên 3.000 nạn nhân, khoảng 27,6 triệu người bị cưỡng bức lao động trên 150 quốc gia”.

Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, tình hình tội phạm mua bán người tiềm ẩn phức tạp, đặc biệt là các đối tượng chuyên tuyển chọn nhân sự trên không gian mạng cho các công ty hoạt động lừa đảo tại Campuchia, sau đó dụ dỗ công dân Việt Nam sang Campuchia bán vào các công ty hoạt động cờ bạc trực tuyến và lừa đảo chiếm đoạt tài sản do người Trung Quốc làm chủ. Tội phạm mua bán người hiện nay chủ yếu trên các hội, nhóm trên không gian mạng và ngày càng gia tăng. 

Nhiều lao động người Việt Nam được lực lượng chức năng Campuchia trao trả về nước ngày 9.7.2024 (Ảnh: Lê Quân)

Nhiều lao động người Việt Nam được lực lượng chức năng Campuchia trao trả về nước ngày 9.7.2024 (Ảnh: Lê Quân)

Trong nội địa, tình trạng đối tượng chủ cơ sở, quản lý tiếp viên tại cơ sở kinh doanh karaoke, massage, cà phê kích dục... ở các địa phương móc nối để mua, bán nữ tiếp viên trong các cơ sở kinh doanh với nhau, thậm chí tìm cách bán họ sang Campuchia.

Trong năm 2024, Công an tỉnh phối hợp các lực lượng chức năng triệt phá 3 vụ, bắt giữ 13 đối tượng, giải cứu 23 nạn nhân. Điển hình là ngày 25.7.2024, PC02 phối hợp Công an huyện Bến Cầu, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Phòng phòng chống ma tuý và tội phạm - Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và lực lượng chức năng Campuchia truy bắt đối tượng Đới Thị Yến Linh (sinh năm 2007) ngụ ấp Chòi Dúng, xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, về hành vi mua bán người, giải cứu một nạn nhân nữ sinh năm 2008 ngụ tỉnh Bình Dương, bị đối tượng Linh lừa bán vào công ty hoạt động lừa đảo do người Trung Quốc làm chủ tại Campuchia. Văn phòng Cảnh sát Điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Đới Thị Yến Linh về hành vi mua bán người dưới 16 tuổi.

Hàng trăm lao động người Việt Nam nhập cảnh trái phép bị Campuchia trục xuất về nước (Ảnh: T.N)

Giải pháp trong thời gian tới, Công an tỉnh tiếp tục tăng cường tuyên truyền phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người; nâng cao hiệu quả nghiệp vụ, xác định tuyến địa bàn trọng điểm về mua bán người và tổ chức đưa người xuất, nhập cảnh trái phép nhất là khu vực biên giới, cửa khẩu; bảo đảm chất lượng hoạt động khởi tố, điều tra các vụ án hình sự về mua bán người. 

Ngành cũng sẽ rà soát, lên danh sách, áp dụng biện pháp quản lý nghiệp vụ các đường dây, băng, nhóm đối tượng mua bán người ở từng khâu tuyển mộ, vận chuyển, tổ chức đưa người qua biên giới; tăng cường công tác kiểm tra, quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện dễ bị các đối tượng mua bán người và tổ chức đưa người xuất, nhập cảnh trái phép lợi dụng để hoạt động nhằm kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn.

Tuệ Lâm

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục