Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tinh hoa những làng nghề
Thứ ba: 22:03 ngày 26/12/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường cho các sản phẩm là vấn đề được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm.

Nghệ nhân trình diễn nghề dệt choàng xã Long Khánh, Hồng Ngự, Đồng Tháp.

Thời gian qua, ngành Công Thương thường xuyên tổ chức các sự kiện, hội chợ, tuần hàng, hội thi, lễ hội... để tôn vinh các sản phẩm làng nghề.

Nằm trong chuỗi các hoạt động chính tại hội nghị kết nối cung - cầu giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố năm 2023, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh và các sở, ngành, đơn vị xúc tiến thương mại của các tỉnh, thành phố tổ chức chương trình Tinh hoa làng nghề và đặc sản vùng miền năm 2023.

Tại chương trình, khách tham quan có dịp tìm hiểu về lịch sử cùng những câu chuyện thú vị xung quanh những sản phẩm từ các làng nghề truyền thống nổi tiếng của các địa phương ở TP. Hồ Chí Minh, một số làng nghề truyền thống đặc sắc của các vùng: Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ, duyên hải Nam Trung bộ…

Nghệ nhân tò he Huỳnh Anh bên gian hàng “Tò he Việt”.

Ông Phạm Thanh An- Chủ nhiệm HTX dệt choàng Long Khánh (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) cho biết: “Nghề dệt choàng xã Long Khánh có cách nay hơn 100 năm, thông qua chương trình Tinh hoa làng nghề đợt này, làng nghề chúng tôi trình diễn dệt choàng để du khách có thể tận mắt các nghệ nhân “thổi hồn” vào từng sản phẩm.

Chúng tôi mang đến những sản phẩm như khăn choàng truyền thống, một số sản phẩm may từ khăn choàng như nón, ba lô, túi xách. Thời gian dệt một chiếc khăn, nếu dệt máy khoảng 20 phút, khi dệt xong mới lên ý tưởng thiết kế sản phẩm, thêm một công đoạn nữa, như may ba lô thì cả ngày mới xong. Làng nghề bắt buộc phải cải tiến về máy móc, thay đổi chất liệu, mẫu mã, màu sắc để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng”.

Ngoài ra, du khách còn được trực tiếp tham gia một số hoạt động, cùng các nghệ nhân tạo ra các sản phẩm thủ công độc đáo, các hoạt động sinh hoạt văn hoá cộng đồng, thưởng thức các loại đặc sản của nhiều địa phương trên cả nước.

“Đến với chương trình, tôi hướng dẫn du khách trải nghiệm nặn tò he, ngoài ra, có những mẫu tò he làm sẵn để khách mua làm quà. Trưng bày bộ tò he “Rước đèn trung thu” đoạt giải đặc biệt toàn quốc, bộ tố nữ, tứ linh, tam sinh, đều đạt sản phẩm OCOP 4 sao, cùng nhiều tò he que truyền thống. Tôi đã tham gia nhiều chương trình, lễ hội nhằm mang loại hình nặn tò he đến với đông đảo mọi người, để không bị thất truyền và mai một”- chị Huỳnh Anh, nghệ nhân tò he tại Hà Nội chia sẻ.

Các nghệ nhân đã đem theo những tinh hoa làng nghề xứ sở cùng với sản phẩm riêng có để trình diễn như một cách giao lưu văn hoá, chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn làng nghề.

Chị Seo, đại diện Hợp tác xã (HTX) dệt thổ cẩm Glar huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai cho biết, HTX được thành lập từ năm 2006, đây là nghề ông cha truyền lại, chị rất vui khi được tham gia chương trình để quảng bá sản phẩm, làng nghề truyền thống của dân tộc Ba Na đến với TP. Hồ Chí Minh cũng như cả nước.

Theo chị Seo, trước đây, vải thổ cẩm chỉ dùng trong cộng đồng dân tộc mình, nhưng hiện nay sản phẩm đã được sử dụng phổ biến, nhiều khách tham quan thích thú khi chứng kiến cách nghệ nhân dệt ra những tấm vải thổ cẩm.

    Nghệ nhân trình diễn nghề dệt thổ cẩm Glar, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai.

Bà Võ Thị Thôi- Giám đốc HTX cau xanh Đất Quảng, tỉnh Quảng Nam chia sẻ, nhằm nâng cao giá trị cây cau của địa phương, HTX chọn mo cau sản xuất ra các sản phẩm như túi xách, mũ, khay hoa, chậu hoa, đế ly… Bà Thôi cho biết, mo cau được thu mua từ tháng 3 đến tháng 8. Cây cau mỗi năm rụng được bốn tàu và phải thu mua khi vừa rụng để bảo đảm mo cau có màu trắng sáng, không bị mốc, sau đó đem phơi thật khô.

“Ban đầu mo cau khô được đem ngâm nước cho mềm, tiếp đến là xé sợi rồi đem phơi khô và đan thành sản phẩm. Sau đó sản phẩm được đem vào phòng sấy lại cho khô rồi tiếp tục cho qua một lớp keo sinh học AB. Cuối cùng sấy khô lại một lần nữa để sản phẩm không bị mốc. Hiện nay sản phẩm thủ công từ mo cau được bán trong nước, chưa xuất khẩu”- bà Thôi cho biết thêm.

Không gian thư pháp tại khu vực trưng bày của tỉnh Tây Ninh được sự đón nhận nhiệt tình của du khách. Nơi đây, các nghệ nhân tái hiện hình ảnh những ông đồ, trình diễn từng nét bút một cách điêu luyện. “Tôi theo nghề thư pháp đến nay được 11 năm, đến với ngày hội, tôi muốn giới thiệu bộ môn thư pháp nhằm giữ gìn những giá trị tốt đẹp về nghề truyền thống và mang chút không khí tết đến với mọi người”- anh Đức, nghệ nhân thư pháp cho hay.

Có thể thấy, chương trình “Tinh hoa làng nghề và đặc sản vùng miền năm 2023” là một kênh truyền thông hiệu quả, giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm ứng dụng công nghệ tiên tiến, cải tiến chất lượng, xây dựng uy tín để đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời giúp bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị tinh hoa của những làng nghề truyền thống ở các địa phương, trước nguy cơ “bị bỏ lại phía sau”.

Hoàng Yến - Nhi Trần

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục