Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tinh tế hoa văn trên thổ cẩm người Mông – Hoà Bình

Cập nhật ngày: 29/10/2014 - 06:12

Nghề se sợi dệt vải từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hoá cổ truyền không thể thiếu trong đời sống các đồng bào dân tộc như Ê đê, Thái, Chăm, Pà Thẻn… Với người Mông ở xã Pà Cò (Hoà Bình), dệt thổ cẩm từ vải lanh không chỉ là hoạt động tạo ra thu nhập cho bà con mà còn lưu giữ thế giới tâm hồn, sợi dây tình cảm kết nối nhiều thế hệ gia đình người Mông.

Chiêm ngưỡng phụ nữ Mông dệt vải, người ta hoàn toàn tin rằng nghề dệt thổ cẩm vẫn được lưu truyền chứ không đến nỗi thất truyền như lâu nay chúng ta vẫn lo lắng.

Mỗi một tấm vải được dệt và hoàn thành là cả thế giới tâm hồn phong phú và bàn tay khéo léo chế biến sợi lanh, chắp vải, nhuộm chàm và vẽ hoạ tiết sáp của các nghệ nhân dệt lanh thuộc nhóm người Mông Xanh đến từ xã Pà Cò (Hoà Bình). Theo nghệ nhân Sùng Su Na, người phụ nữ Mông nào đến tuổi trưởng thành cũng phải biết se lanh thành sợi để dệt vải phục vụ cho nhu cầu cuộc sống hàng ngày của mỗi gia đình. Việc dùng vải lanh đã trở thành tập quán, truyền thống của đồng bào, mặt khác vải lanh lại rất bền có thể gấp 3- 4 lần vải bông nên đồng bào rất thích dùng vải lanh”.

Cùng với đó, theo quan niệm trong đời sống tâm linh thì sợi lanh là sợi chỉ dẫn đường cho linh hồn người chết về với tổ tiên và đưa linh hồn của tổ tiên về đầu thai lại với con cháu. Việc dệt vải lanh còn thể hiện sự khéo tay, chăm chỉ, đó là một trong những tiêu chí để đánh giá tài năng, đạo đức, phẩm chất và cách làm ăn của chị em phụ nữ, đó cũng là tiêu chí chọn vợ của các chàng trai dân tộc Mông.

Điểm đặc biệt, nguyên liệu chính của các trang phục thổ cẩm được sử dụng từ cây lanh. Đây là loại cây được trồng trên sườn núi vào tháng 2, 3 âm lịch, với thời gian sinh trưởng khoảng 3 tháng thì thu hoạch. Khi thu hoạch, đồng bào chặt cả cây (cao khoảng 2m) đem về để vài ngày cho tái, sau đó tước lấy vỏ. Vỏ cây lanh được tước ra thành từng sợi nhỏ và nối với nhau một cách khéo léo để không tạo thành mấu ở chỗ nối.

Đây là công việc đòi hỏi nghệ thuật nhẹ nhàng, kiên trì, nhẫn nại. Vì vậy, lúc nào phụ nữ Mông cũng tranh thủ tước và nối các sợi lanh kể cả lúc trên đường, hoặc từ nhà lên nương và từ nương về nhà hay trên đường đi chợ... Bước tiếp theo người ta mắc các sợi lanh vào khung và quay cho chúng cuốn lại thành từng cuộn. Sau đó, đem cuộn sợi này luộc vào nước tro trong để sợi lanh có màu trắng rồi để cho khô sợi.

Khi sợi đã chuẩn bị xong, đồng bào dân tộc Mông sẽ dệt vải trên một khung cửi. Đây là loại khung cửu rất đơn giản chỉ có 2 thanh gỗ tiết diện 12cm x 12cm, dài 1,3m đứng cách xa nhau khoảng 50cm. Giữa 2 thanh gỗ có 4 thanh ngang trong đó 3 thanh nhỏ hơn, 1 thanh dài 70cm rộng 30cm dày 2 cm dùng đỡ cuốn sợi, tất cả tạo thành khung cửi vững chãi. Con thoi để dệt khá to, khi dệt người ta buộc khung dựa vào cột nhà, người dệt ngồi trên chiếc ghế đẩu. Sau khi dệt thành vải người ta phơi trên phiến đá, dùng đá cuội để dập lên vải cho vải mền, bóng, mịn.

 Khi vải đã đạt yêu cầu người ta đem nhuộm chàm dùng để may quần áo cho nam giới... Sau khi nhuộm chàm xong là việc thêu hoa, ghép vải thành những hoa văn cầu kỳ. Mô tuýp hoa văn chủ yếu là những hình kỷ hà, hình chữ nhật, hình vuông, hình thoi. Gam màu chủ yếu là xanh, đỏ, tím, vàng trên nền vải lanh đen. Ngoài ra, đồng bào Mông còn dùng vải lanh để khâu trang phục và chăn, màn, tạp dề, khăn, xà cạp.

Nguồn: daidoanket