Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tổng quan bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm có nhiều mảng màu tươi sáng, thể hiện rõ ở chỉ số tăng trưởng kinh tế khá cao, hầu hết các chỉ tiêu về xã hội đạt kết quả tốt.
“3 cùng” đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư đó chính là: cùng lắng nghe, thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ. Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Và đây cũng là giải pháp quan trọng để Tây Ninh phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới tư duy, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư nhằm hiện thực hoá định hướng phát triển của tỉnh đã đề ra trong Quy hoạch.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng tỉnh Tây Ninh tại hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
TÍN HIỆU TÍCH CỰC TRONG THU HÚT ĐẦU TƯ
Tổng quan bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm có nhiều mảng màu tươi sáng, thể hiện rõ ở chỉ số tăng trưởng kinh tế khá cao, hầu hết các chỉ tiêu về xã hội đạt kết quả tốt.
Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP - theo giá so sánh 2010) ước thực hiện gần 29.800 tỷ đồng, tăng 7,9% so cùng kỳ, tăng so với kế hoạch năm. Tỷ trọng nông - lâm - thuỷ sản; công nghiệp - xây dựng; dịch vụ (chưa tính thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm) trong GRDP theo giá hiện hành ước đạt 17% - 47% - 31,5%.
Lĩnh vực công nghiệp- động lực tăng trưởng chính của tỉnh có sự phục hồi, tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm 2024. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 13,5%. Du lịch tiếp tục đà tăng trưởng với tổng lượng khách tham quan các khu, điểm du lịch khoảng 3,4 triệu lượt; tổng doanh thu du lịch ước đạt 1.845 tỷ đồng, đạt 80,2% so kế hoạch, tăng 34,1% so cùng kỳ.
Nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng khác cũng có sự bứt phá tăng trưởng hai con số, trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 12,4%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 7,6%, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 57,4% dự toán, tăng 14,9% so cùng kỳ...
Đặc biệt, thu hút đầu tư trong nước 6 tháng đầu năm 2024 đạt gần 5.500 tỷ đồng, tăng 97,9% so cùng kỳ, gồm cấp mới 11 dự án với tổng vốn đăng ký trên 4.700 tỷ đồng, tăng 11,7 lần vốn đăng ký so cùng kỳ, 10 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn, 2 dự án chấm dứt hoạt động. Luỹ kế trên địa bàn tỉnh có 707 dự án còn hiệu lực với vốn đăng ký gần 136.000 tỷ đồng.
Ông Kiều Công Minh- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết: “Khi doanh nghiệp, nhà đầu tư quyết định đầu tư hoặc tăng đồng vốn đầu tư vào dự án tại một địa phương nào đó thì có rất nhiều yếu tố xem xét trước khi họ đưa ra quyết định và có sự so sánh giữa nhiều địa phương. Nơi nào hạ tầng, quỹ đất, nguồn lao động dồi dào- nhất là lao động có tay nghề, có hệ thống hạ tầng hậu cần phục vụ sản xuất kinh doanh tốt, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp vị trí cao… thì đó sẽ là lợi thế để thu hút đầu tư. Đối với Tây Ninh, vừa rồi tỉnh có nhiều tín hiệu tích cực để thu hút đầu tư, đó là tín hiệu về cải thiện hạ tầng, kỹ thuật, chỉ số PCI của tỉnh được cải thiện- đặc biệt là tín hiệu làm đường cao tốc, quy hoạch tỉnh được thông qua”.
Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết thêm: “Từ khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt đã định hình rõ không gian phát triển, các lĩnh vực, ngành nghề, khu vực nào được làm cái gì và tỉnh đang điều chỉnh các quy hoạch khác phù hợp với Quy hoạch tỉnh như: quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện… Từ đó, điều kiện pháp lý để hình thành dự án không vướng như trước đây”.
Doanh nghiệp làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh
NỖ LỰC CỦA CHÍNH QUYỀN
Phát biểu tại hội nghị đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc khẳng định: “Tỉnh luôn chia sẻ, đồng hành với DN triển khai thực hiện thuận lợi các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, của cấp uỷ tỉnh, UBND tỉnh đề ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, nhà đầu tư; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, cải thiện mạnh mẽ trong đầu tư. Tỉnh đã thành lập tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho DN, tháo gỡ khó khăn trong thủ tục đầu tư; xác định rõ đầu mối, rõ trách nhiệm của sở, ngành, địa phương trong hướng dẫn, triển khai các chính sách tới DN; tăng cường kiểm tra công vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quản lý nhà nước”.
Thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh trên địa bàn, 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh ban hành kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tổ công tác đặc biệt của tỉnh tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, chuẩn bị những cơ sở cần thiết như xây dựng website giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số PCI. Các chính sách của Chính phủ về hỗ trợ giảm thuế, hỗ trợ giảm lãi suất được tỉnh triển khai đến đối tượng thụ hưởng.
Đối với việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, ngoài chính sách ưu đãi đầu tư của Nhà nước, HĐND tỉnh ban hành một số chính sách hỗ trợ đối với từng lĩnh vực như khuyến công, khuyến nông. UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường truyền thông chính sách, hỗ trợ DN tiếp cận, nghiên cứu, tận dụng tối đa chính sách ưu đãi của tỉnh.
Năm 2023, chỉ số PCI tỉnh Tây Ninh cải thiện rõ nét, tăng được 35 bậc, nằm trong top 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. 8/10 chỉ số thành phần tăng điểm so với năm 2022 và nhiều chỉ số đạt điểm khá cao. Nổi bật như “gia nhập thị trường” đạt 7,29 điểm, “chi phí thời gian” đạt 7,95 điểm, “thiết chế pháp lý và an ninh trật tự” đạt 7,41 điểm, “tiếp cận đất đai” đạt 7,33 điểm. Một số chỉ số thành phần bị đánh giá xếp hạng thấp trong năm 2022 đều đã cải thiện rất nhiều trong PCI 2023, như “tính năng động của chính quyền” tăng 0,84 điểm, “đào tạo lao động” tăng 2,25 điểm.
Bà Trịnh Ngọc Lan- Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đánh giá: “Thời gian qua, Hiệp hội luôn nhận được sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, giúp Hiệp hội làm tốt vai trò cầu nối giữa chính quyền tỉnh với các DN. Các cấp chính quyền đã tích cực hỗ trợ DN về vốn, thủ tục hành chính, tiếp cận chính sách, pháp luật mới. Đơn cử như thời gian qua khi Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực thi hành, việc thực hiện thông báo gia hạn đất tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, chúng tôi thấy rất đáng mừng là cách làm việc, hỗ trợ của cán bộ, công chức có sự đổi mới rất nhiều, giúp cho người dân, doanh nghiệp rất nhanh chóng. Buổi sáng nộp thủ tục hồ sơ gia hạn đất thì qua 3 giờ chiều đã trả kết quả. Đây là bước chuyển biến rất mới giúp chỉ số cạnh tranh của tỉnh từng bước cải thiện”.
Dây chuyền sản xuất của một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (ảnh: Đại Dương)
Để chuẩn bị cho hội nghị đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp năm 2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư khảo sát lấy ý kiến các DN, HTX. Qua kết quả tiếp nhận 111 phiếu khảo sát điện tử về nội dung khó khăn, vướng mắc, có 48 phiếu nêu “có khó khăn, vướng mắc” và 63 phiếu “không có khó khăn, vướng mắc”. Về đánh giá môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh, có 43 phiếu đánh giá rất tốt (tỷ lệ 38,74%), có 40 phiếu đánh giá tốt (tỷ lệ 36,04%), có 20 phiếu đánh giá chưa tốt (tỷ lệ 18,02%).
Tuy nhiên, vẫn có 6 phiếu đánh giá xấu (tỷ lệ 5,4%), 2 phiếu đánh giá rất xấu (tỷ lệ 1,8%), cho thấy vẫn còn những vấn đề tồn tại, hạn chế cần được các cấp chính quyền khắc phục, hỗ trợ tích cực, hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
“Chúng tôi đánh giá cao tinh thần vượt khó, phục hồi sản xuất kinh doanh và sự đóng góp, cộng đồng trách nhiệm của doanh nghiệp đối với sự phát triển của tỉnh. Mong với sự nỗ lực chung của các cấp, các ngành, các DN nâng cao trách nhiệm trong giám sát các hoạt động của các cơ quan, đơn vị- nhất là bộ phận trực tiếp tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, kịp thời phản ánh nếu phát hiện có tiêu cực, nhũng nhiễu của từng cán bộ, công chức” - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc nhấn mạnh.
Phương Thuý