Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tính toán chính trị đẩy căng thương chiến Mỹ - Trung
Thứ sáu: 20:33 ngày 09/08/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Mỹ - Trung khó có thể nhanh chóng đạt thỏa thuận thương mại vì Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập cận Bình đều không thể nhượng bộ đối phương do các yếu tố chính trị.

Tổng thống Mỹ Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh tháng 11/2017. Ảnh: Reuters.

Hồi tháng 5, một thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung dường như đã ở trong tầm tay. Chính quyền Trump và Trung Quốc đã gần thống nhất được những điều khoản để giải quyết khác biệt giữa hai bên.

Nhưng rồi tất cả sụp đổ. Lệnh "đình chiến" được Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thiết lập hồi cuối tháng 6 cũng không kéo dài được lâu.

"Đàm phán thương mại Mỹ - Trung đang gặp rắc rối nghiêm trọng", Wendy Cutler, cựu nhà đàm phán thương mại Mỹ, nói. "Càng ngày hai bên càng bớt tin tưởng lẫn nhau, ngày càng nhiều người ở Washington và Bắc Kinh cho rằng họ có thể sẽ tốt hơn nếu không có thỏa thuận, ít nhất là trong thời điểm hiện tại".

Căng thẳng gia tăng trong tuần này khi Mỹ thông báo sẽ áp thuế với thêm 300 tỷ USD hàng Trung Quốc, sau khi vòng đàm phán thương mại song phương thứ 12 ở Thượng Hải đạt được ít tiến bộ. Bắc Kinh ngừng mua nông sản Mỹ và hạ giá đồng nhân dân tệ, giúp các nhà xuất khẩu của họ có lợi thế so với các đối thủ nước ngoài. Mỹ sau đó xác định Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ.

"Cả hai bên đều đang lên gân", Timothy Keeler, cựu chánh Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, nói.

Viễn cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ kéo dài không hồi kết đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu vốn đang suy yếu. Nó làm nản lòng doanh nghiệp, khiến họ trì hoãn kế hoạch tăng quy mô và gặp khó khăn khi quyết định nơi đặt nhà máy, mua vật tư và bán sản phẩm. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán thương mại thế giới sẽ chậm lại vào năm 2019. Một số ngân hàng trung ương của các nước đã cắt giảm lãi suất để cố ngăn viễn cảnh xấu xảy đến với nền kinh tế của họ.

"Chúng ta sẽ còn phải nói về Trung Quốc và tác động của chiến tranh thương mại trong thập kỷ tới", Nate Thooft, từ công ty Manulife Investment Management, cho hay. "Nó sẽ không biến mất hoàn toàn".

Chính quyền Trump và Bắc Kinh bất đồng về một loạt vấn đề. Mỹ cáo buộc Bắc Kinh đánh cắp bí mật thương mại, buộc các công ty nước ngoài phải bàn giao công nghệ và trợ cấp không công bằng cho các công ty công nghệ Trung Quốc, trong khi kìm chân đối thủ nước ngoài bằng thủ tục quan liêu. Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng Mỹ kiếm cớ để kiềm chế đà phát triển của họ và đòi hỏi quá mức khi đàm phán.

Việc hai bên đạt được thỏa thuận là rất khó khăn vì điều đó đòi hỏi Trung Quốc thu hẹp lại những khát vọng kinh tế của mình. Hồi đầu tháng 5, hai bên đã tiến rất gần đến việc đạt được thỏa thuận. Tuy nhiên, ngày 5/5, Trump cáo buộc Bắc Kinh từ bỏ các cam kết mà họ đã thống nhất trước đó và tuyên bố áp thuế 25% với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc.

"Hồi tháng 5, mọi người đã quá lạc quan", Philip Levy, cựu cố vấn chính quyền George W. Bush, nói. Giờ đây, Tổng thống Trump cáo buộc Bắc Kinh cố gắng "câu giờ" đàm phán cho đến năm 2020 với hy vọng rằng ông sẽ thất bại trong cuộc bầu cử và họ có thể đàm phán với một tổng thống từ đảng Dân chủ.

Dù nhận định của ông Trump có đúng hay không, nhiều người đánh giá phong cách thất thường của ông khiến các đối tác khó tin tưởng ông trong các cuộc đàm phán. "Trump vẫn là một ông trùm bất động sản New York, phong cách khó nắm bắt của ông không phù hợp cho các cuộc đàm phán quốc tế và quan hệ ngoại giao", Jeff Moon, cựu quan chức ngoại giao Mỹ chuyên về Trung Quốc, nói.

Bắc Kinh có thể đã rút ra một bài học từ cách Trump đối phó với Mexico: Sau khi thúc ép Mexico đồng ý với thỏa thuận thương mại Bắc Mỹ được sửa đổi vào năm ngoái, Trump trong nhiều tháng vẫn từ chối dỡ bỏ thuế đối với thép và nhôm của Mexico. Giữa tháng 5, ông tuyên bố bỏ các mức thuế đó nhưng hai tuần sau, Trump lại tiếp tục dọa áp thuế với Mexico. Vấn đề cuối cùng được giải quyết bằng thỏa thuận liên quan đến vấn đề nhập cư.

"Tôi chắc chắn rằng người Trung Quốc đã nhìn vào kinh nghiệm của Mexico. Trung Quốc cảm thấy rất khó khăn khi xác định cần một thỏa thuận như thế nào để có thể duy trì hòa bình thương mại lâu dài", Levy nói

Ngoài ra, khi cuộc bầu cử năm 2020 gần kề, Trump có thể có ít động lực hơn để đạt được thỏa thuận thương mại vì nếu nó không đủ mạnh mẽ, các ứng viên tổng thống từ đảng Dân chủ sẽ có cớ công kích ông.

Trong khi đó, ông Tập cũng lý do riêng để tránh chấp nhận những nhượng bộ khiến ông có thể bị công chúng trong nước coi là nhún nhường trước Mỹ. Bắc Kinh đang phải đối mặt với các cuộc biểu tình ở Hong Kong. Mùa thu này, ông Tập sẽ giám sát lễ kỷ niệm 70 năm ngày quốc khánh Trung Quốc. Vì vậy, đây là thời điểm để thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc, tuyên truyền về lòng yêu nước chứ không phải thỏa hiệp với đối thủ nước ngoài.

Dean Pinkert, cựu thành viên của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, cho biết ông vẫn giữ hy vọng hai bên sẽ tổ chức những "cuộc thảo luận trầm lắng hơn để đưa mọi thứ trở lại đúng hướng".

"Tôi đoán rằng cả hai bên sẽ nhận ra giai đoạn trước ngày 5/5 là cơ hội bị bỏ lỡ", Jeff Moon nói.

Nguồn VNE (Theo AP)

Tin cùng chuyên mục