Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
CHO HỌC SINH MƯỢN SÁCH GIÁO KHOA:
Tính toán kỹ để tránh lãng phí
Thứ tư: 00:00 ngày 19/10/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trên các diễn đàn cả trong và ngoài ngành Giáo dục, kể cả nghị trường Quốc hội đang tồn tại nhiều ý kiến khác nhau xung quanh chủ trương cho học sinh mượn sách giáo khoa. Phần lớn ý kiến tán thành nhưng cũng không khỏi băn khoăn, lo ngại về nguy cơ lãng phí, thậm chí không công bằng trong việc cho học sinh mượn sách.

Học sinh lớp 1, Trường tiểu học Hảo Đước B, huyện Châu Thành trong giờ học môn Tiếng Việt.

Tại hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ GD&ĐT phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện phương án cho học sinh mượn sách giáo khoa. Theo kế hoạch ban đầu, việc cho học sinh mượn sách giáo khoa được thực hiện từ năm học 2022-2023, tuy nhiên, do năm học mới đã cận kề nên kế hoạch này không thực hiện được. Thông tin mới nhất cho biết, từ năm học 2023-2024, Nhà nước dùng ngân sách mua sách giáo khoa cho học sinh mượn. 

BỚT GÁNH NẶNG CHO HỌC SINH

Có cần thiết phải mua sách giáo khoa cho học sinh mượn hay không? Trao đổi ý kiến về câu hỏi này, phó hiệu trưởng một trường THPT trên địa bàn Tây Ninh bày tỏ: “Nếu Nhà nước dùng ngân sách mua sách giáo khoa cho học sinh mượn thì rất tốt. Sách giáo khoa của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sử dụng nhiều hình ảnh, giấy tốt, do đó giá cao hơn so với bộ sách cũ. Vì thế, chủ trương cho học sinh mượn sách giáo khoa sẽ bớt gánh nặng cho phụ huynh. Mặt khác, dù đời sống đã tốt hơn nhưng vẫn còn không ít học sinh khó khăn, do vậy, cho học sinh mượn sách là điều nên làm”.

Khi được hỏi, nếu cho học sinh mượn sách, nên thực hiện như thế nào cho chặt chẽ, tránh lãng phí, vị phó hiệu trưởng đề xuất, ngay khi kết thúc năm học, nhà trường cần thông báo rộng rãi cho phụ huynh biết, năm học mới, nhà trường cho mượn sách. Việc này cần làm sớm, vì thông thường, sau khi nghỉ hè một thời gian ngắn, phụ huynh đã mua sắm sách vở cho con em mình.

Tương tự ý kiến của vị hiệu phó, hiệu trưởng một trường THPT ủng hộ chủ trương dùng ngân sách mua sách giáo khoa cho học sinh mượn để những em có hoàn cảnh khó khăn bớt nỗi lo đến trường. Tuy nhiên, nếu cho toàn bộ học sinh mượn sách, số lượng sách của mỗi trường rất lớn, phải tính đến mở rộng thư viện nhà trường mới chứa hết số sách nhận về. “Có thể còn phải tính đến việc bố trí hoặc bố trí thêm nhân viên thư viện, vì số sách quá lớn, một người khó có thể bảo quản tốt cũng như việc phát sách, ghi danh sách học sinh có nhu cầu mượn sách”- vị hiệu trưởng nêu.

KHÔNG CẦN THIẾT CHO TOÀN BỘ HỌC SINH MƯỢN SÁCH

Lãnh đạo Trường THPT Hoàng Văn Thụ nhìn nhận, cho học sinh mượn sách cũng tốt nhưng không cần thiết phải cho toàn bộ các em mượn sách. “Đầu năm học này có một số nhà tài trợ, nhà xuất bản tặng sách giáo khoa cho nhà trường để cho học sinh mượn, tuy nhiên, tất cả các em đều đã mua đầy đủ sách giáo khoa. Số sách được tặng, nhà trường đang cất trong thư viện. Nếu tiếp nhận sách giáo khoa để cho toàn bộ học sinh của trường mượn, cũng không có chỗ để cất, bảo quản”- lãnh đạo Trường THPT Hoàng Văn Thụ thông tin. Tương tự, đại diện Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng cho rằng hiện nay, mức sống, thu nhập của người dân khá hơn trước, đời sống được cải thiện nhiều, việc mua một vài bộ sách giáo khoa cho con em đi học, hầu như nhà nào cũng mua được.

“Thực ra trường hợp khó khăn về kinh tế vẫn còn nhưng không đến mức như trước đây. Những trường hợp gia đình khó khăn, nhà trường đã có sẵn nguồn sách trong thư viện cho học sinh mượn”- vị đại diện nêu góc nhìn của mình. “Chính phủ quan tâm đến việc học, tạo điều kiện cho học sinh mượn sách giáo khoa cũng tốt, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đối với Nhân dân. Nhưng nếu thực hiện, cần phân nhóm để hỗ trợ đúng đối tượng, không cần thiết phải cho toàn bộ học sinh mượn, vì nhiều gia đình đủ điều kiện mua sách. Mặt khác, khâu bảo quản, giữ gìn sách như thế nào cũng cần quan tâm, khi đã sử dụng một năm, nếu ý thức giữ gìn không cao, sách hư hỏng, rách nát. Học sinh khi mượn, không thích những bộ sách đã cũ, rách”- ý kiến nêu.

Nêu quan điểm về việc cho học sinh mượn sách giáo khoa, lãnh đạo Phòng GD&ĐT Trảng Bàng nhìn nhận, cần phân loại học sinh để ưu tiên cho những trường hợp khó khăn, ví dụ con em hộ nghèo, cận nghèo, con em công nhân, không cần thiết và không nên cho toàn bộ học sinh mượn. Lý do, nhiều gia đình đời sống đã khá hơn, hoàn toàn mua được sách giáo khoa cho con em mình. Lãnh đạo Phòng GD&ĐT Trảng Bàng cũng đề cập, nếu cho học sinh mượn, chỉ có thể mượn sách giáo khoa. Riêng sách bài tập (hay vở làm bài tập) không thể lưu vào thư viện, vì loại vở bài tập này được thiết kế cho học sinh làm bài tập, do đó, không thể tái sử dụng. Sách giáo khoa và vở bài tập (được in sẵn, thay thế cho vở viết trước đây) là hai loại sách khác nhau.

Tương tự, lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Dương Minh Châu đánh giá, chủ trương cho học sinh mượn sách cũng tốt nhưng điều này có lẽ không thật cần thiết, “hiện nay không học sinh nào đến trường mà không có sách cả. Nhiều em học sinh sau khi học xong, không còn ai học, các em đã tặng lại cho nhà trường để học sinh lớp sau mượn”. Vị lãnh đạo đơn vị này nói, hằng năm, trước khi vào năm học, các nhà tài trợ tặng nhiều sách giáo khoa cho nhà trường để cho học sinh mượn. Số lượng học sinh khó khăn đến mức không mua nổi sách giáo khoa không nhiều, mỗi trường chỉ vài chục trường hợp. Những em này đã được nhà trường cho mượn sách trong thư viện, cuối năm trả lại. Như các đồng nghiệp, đồng nhiệm, vị lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Dương Minh Châu cho hay, nếu cho toàn bộ học sinh mượn sách, rất khó có chỗ để chứa hết, đặc biệt những trường học có đông học sinh, mà diện tích thư viện trường nhỏ.

3.500 TỶ ĐỒNG MUA SÁCH GIÁO KHOA CHO HỌC SINH MƯỢN

Theo tính toán, tổng số tiền dùng để mua sách giáo khoa cho 70% học sinh trong cả nước mượn (lần đầu tiên) vào năm học sau sẽ hết 3.500 tỷ đồng, sau đó, mỗi năm bổ sung khoảng 20% số kinh phí nêu trên. Trên các diễn đàn cả trong và ngoài ngành Giáo dục, kể cả nghị trường Quốc hội đang tồn tại nhiều ý kiến khác nhau xung quanh chủ trương cho học sinh mượn sách giáo khoa. Phần lớn ý kiến tán thành nhưng cũng không khỏi băn khoăn, lo ngại về nguy cơ lãng phí, thậm chí không công bằng trong việc cho học sinh mượn sách.

Có vị đại biểu Quốc hội bình luận, không tính toán cẩn thận sẽ dẫn tới sự lãng phí rất lớn, vì thực tế cho thấy, đa số phụ huynh tự mua sách cho con mình. Mặt khác, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau, không phải một huyện hay một tỉnh, ngay trong mỗi trường học cũng có nhiều bộ sách (một bộ sách giáo khoa của học sinh là tập hợp sách của các nhà xuất bản khác nhau). Vì thế, việc đấu thầu, mua sắm, phát từng bộ sách cho học sinh khá phức tạp.

Theo thời gian và sự thay đổi về chính sách, giá sách giáo khoa hiện nay cao hơn so với trước. Những năm 90 của thế kỷ XX, mặc dù đã xoá bỏ cơ chế bao cấp nhưng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam- đơn vị duy nhất được Ngân hàng Thế giới cho vay ưu đãi một khoản tiền lớn để tăng cường cho khâu làm bản thảo, in ấn, phát hành. 10 năm đầu, nhà xuất bản không phải trả lãi, 30 năm tiếp theo chỉ phải trả lãi suất 0,06%/tháng. Bằng sự ưu đãi đó, giá sách giáo khoa suốt mấy chục năm qua rất rẻ, có cuốn chỉ vài ngàn đồng. Tình hình thay đổi có tính bước ngoặt khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho phép xã hội hoá sách giáo khoa. Ngân sách không bao cấp và không còn nhận được ưu đãi đặc biệt của các định chế tín dụng, tài chính quốc tế, các đơn vị xuất bản tự hạch toán, do đó, giá sách giáo khoa Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cao hơn sách giáo khoa trước đây, là điều không có gì khó hiểu.

Trong một so sánh mới đây, lãnh đạo Bộ GD&ĐT thông tin, giá sách giáo khoa ở Việt Nam hiện thấp hơn rất nhiều lần so với khu vực Đông Nam Á và một số nước Bắc Á. Tuy nhiên, mọi so sánh đều khập khiễng, bởi thu nhập bình quân đầu người của nước ta hiện thấp hơn nhiều so với các quốc gia Bộ GD&ĐT lấy làm ví dụ để minh chứng cho giá sách trong nước hiện nay.

VIỆT ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh