BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tình trạng cá bè nuôi trên sông bị chết hàng loạt: Làm thế nào để xác định nguyên nhân?

Cập nhật ngày: 11/08/2009 - 06:27

Nuôi cá bè, băn khoăn tình trạng cá chết hàng loạt.

Trong mấy năm gần đây, nghề nuôi  thuỷ sản ở Tây Ninh ngày càng phát triển mạnh. Nhiều hộ có đất ven các tuyến kênh thuỷ lợi xin chuyển mục đích sử dụng đất từ trồng lúa sang nuôi cá. Đồng thời cũng có nhiều hộ đóng bè nuôi cá trên các đoạn sông có điều kiện thuận lợi. Sự phát triển này đã góp phần đưa sản lượng thuỷ sản ở Tây Ninh năm 2008 đạt 7.300 tấn và năm 2009 dự kiến đạt 8.500 tấn. Tuy nhiên, người nuôi cá vẫn còn nhiều nỗi băn khoăn, trong đó băn khoăn nhất là tình trạng cá chết hàng loạt, nhất là khi nuôi bằng bè trên sông, vốn liếng bị mất trắng nhưng không được ai xem xét, bồi thường.

Cách đây hơn 3 năm, trên sông Sài Gòn đã xảy ra một vụ cá bè chết hàng loạt. Gần 50 lồng cá bè của 16 hộ dân bị chết sạch, số cá chết ước gần 200 tấn, trong đó có khoảng 6 tấn cá lăng có giá trị kinh tế cao, tổng thiệt hại của các hộ nuôi cá bè ở khu vực này lên đến hơn 4,5 tỷ đồng. Thiệt hại quá lớn khiến các hộ nuôi cá ở đây gần như lâm vào đường cùng vì mất trắng vốn liếng, trong đó có khá nhiều hộ chấp hành chủ trương di dời vừa mới từ khu vực lòng hồ Dầu Tiếng đến đây gầy dựng cơ ngơi mới. Những hộ nuôi cá bè trên sông Sài Gòn bị tai hoạ lúc đó làm đơn gửi cơ quan chức năng với mong muốn sớm xác định nguyên nhân làm cho cá chết, quy trách nhiệm và buộc bồi thường lại để bà con thu hồi được phần nào vốn đã bỏ ra. Những hộ nuôi cá bè ở đây cho biết, họ xác định cá chết là do nguồn nước bị ô nhiễm từ nước thải của một số cơ sở chế biến phía đầu nguồn sông Sài Gòn gây ra. Bởi vì lúc cá bắt đầu bị ngộp thì trên sông đang có lẫn lộn nước màu đen sẫm. Sau khi biết tin cá bè nuôi trên sông Sài Gòn bị chết hàng loạt, Sở Tài nguyên và Môi trường hai tỉnh Tây Ninh và Bình Dương phối hợp tiến hành khảo sát, lấy mẫu nước kiểm định. Tuy nhiên, cuối cùng cơ quan chức năng vẫn không xác định được nguyên nhân chính làm cho cá bè nuôi trên sông Sài Gòn chết hàng loạt, bởi vì mẫu nước đã không còn giống như lúc xảy ra cá chết. Các hộ nuôi cá bè bị chết đành ngậm ngùi chịu thiệt.

Trên sông Vàm Cỏ Đông cũng có tình trạng tương tự. Gần đây, vào đầu tháng 5.2009, tình trạng cá bè chết hàng loạt xảy ra trên khúc sông chảy qua địa bàn xã Phước Vinh, huyện Châu Thành. 13 hộ dân nuôi cá bè bị chết trắng với tổng thiệt hại lên đến khoảng 10 tỷ đồng. Theo các hộ dân sinh sống tại khu vực này, nguyên nhân khiến cho cá bị chết hàng loạt cũng là do nước thải từ các nhà máy chế biến khoai mì ở đầu nguồn thải xuống sông làm ô nhiễm nguồn nước. Tuy nhiên, theo Sở Tài nguyên và Môi trường thì… không phải như vậy (?!). Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết qua kiểm tra, xác minh, Sở xác định đầu nguồn sông Vàm Cỏ Đông không có nhà máy, cơ sở sản xuất hoạt động. Tuy nhiên, cách nơi xảy ra cá chết hàng loạt khoảng 6 km về thượng nguồn có một con suối bắt nguồn từ xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên chảy ra sông và khu vực đó có 2 nhà máy chế biến khoai mì. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với địa phương kiểm tra thực tế tại 2 nhà máy này, kết quả cả 2 nhà máy đều đã tạm ngưng hoạt động trước khi cá bị chết để sửa chữa. Việc tạm ngưng hoạt động của 2 nhà máy này được UBND xã Hoà Hiệp xác nhận. Đồng thời khi kiểm tra nước thải của 2 nhà máy chứa trong các ao sinh học thì cơ quan chức năng không thấy có dấu hiệu xả nước thải ra ngoài. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Châu Thành cũng tiến hành kiểm tra hiện trạng và lấy mẫu nước phân tích đánh giá. Tuy nhiên, do nhận tin báo trễ, hiện trạng môi trường nước đã thay đổi nên kết quả phân tích mẫu nước khu vực cá bị chết chỉ là ô nhiễm nhẹ chất hữu cơ và chất rắn lơ lửng, riêng chỉ tiêu chất xianua (độc tố có trong khoai mì) thì vẫn “nằm trong giới hạn cho phép”. Qua kết quả kiểm tra, cơ quan chức năng nhận xét là chưa đủ cơ sở để xác định nguyên nhân cá chết, do các cơ quan chức năng nhận được tin báo chậm từ 1 đến 2 ngày nên khi triển khai lấy mẫu nước đi phân tích thì chất lượng nước đã khác so với thời điểm xảy ra cá chết. Đồng thời lúc đó 2 nhà máy chế biến khoai mì ở khu vực thượng nguồn đang ngưng hoạt động, cho nên ngành chức năng cho rằng không đủ cơ sở để xác định tổ chức, cá nhân nào gây ra để buộc phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho dân. Một lần nữa, nhiều hộ dân nuôi cá bè bị trắng tay nhưng không biết là do ai gây ra và dĩ nhiên là không được ai bồi thường thiệt hại.

Cá bè chết hàng đống ở sông Sài Gòn vào tháng 3 năm 2006.

Như vậy thì các hộ nuôi cá bè phải làm sao để có thể biết được là “ai” đã gây thiệt hại cho mình và được bồi thường khi cá mình nuôi bị chết hàng loạt? Câu hỏi nhức nhối này cũng chưa có ai trả lời ngoài việc ngành chức năng khuyến cáo: khi phát hiện cá bị chết thì các hộ phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương gần nhất và phối hợp với chính quyền lấy mẫu nước trong bè tại thời điểm cá đang bị chết lưu giữ cùng lượng cá đã chết để cơ quan chức năng xác định nguyên nhân và giá trị bồi thường. Còn đối với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, khi nhận được tin báo thì khẩn trương đến hiện trường xác minh nguyên nhân bằng các biện pháp nghiệp vụ như kiểm tra nguồn nước chảy vào khu vực cá chết, lấy mẫu nước nơi xảy ra cá chết, lấy mẫu cơ thể cá chết… để phân tích, đánh giá.

Tất nhiên việc các hộ nuôi cá bị chết hàng loạt báo ngay với chính quyền và cơ quan chức năng thì khỏi phải “nhắc nhở”, bởi lẽ họ đang là người bị thiệt hại. Tuy nhiên, điều đáng băn khoăn là chính quyền và cơ quan chức năng có nhanh chóng, kịp thời đến hiện trường khi nhận được tin báo hay không mà thôi.

SƠN TRẦN