Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Năm 2008, tình trạng phân bón kém chất lượng lưu hành trên thị trường trong tỉnh Tây Ninh diễn ra khá phức tạp. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm và đã xử phạt theo quy định. Thế nhưng bước sang năm 2009 tình hình vi phạm chất lượng phân bón vẫn tiếp diễn.
Tây Ninh hiện có đến 480 cơ sở kinh doanh phân bón- trong đó có 15 đại lý cấp 1, quy mô lớn, còn lại là các cơ sở kinh doanh nhỏ. Năm 2008, tình trạng phân bón kém chất lượng lưu hành trên thị trường trong tỉnh Tây Ninh diễn ra khá phức tạp. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã tổ chức nhiều đợt thanh tra chất lượng phân bón, đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm và đã xử phạt theo quy định. Thế nhưng bước sang năm 2009 tình hình vi phạm chất lượng phân bón vẫn tiếp diễn.
Tiếp tục phát hiện phân bón kém chất lượng |
Năm 2008, Đoàn thanh tra chuyên ngành Sở NN- PTNT đã lấy 20 mẫu phân bón- cả dạng hạt, bột và nước của 18 công ty sản xuất phân bón trong và ngoài tỉnh gửi kiểm định tại Trung tâm Đo lường Chất lượng 3 TP.HCM. Kết quả kiểm định có đến 9 mẫu không đạt chất lượng theo tiêu chuẩn đã ghi trên bao bì. Tính ra, số mẫu phân bón không đạt chất lượng chiếm tỷ lệ đến 45% trong tổng số mẫu được Đoàn thanh tra lấy ngẫu nhiên để kiểm định. Đây là tỷ lệ vi phạm rất cao. Loại phân bón có tỷ lệ kém chất lượng nhất là phân hữu cơ-có 4/6 mẫu kiểm tra kém chất lượng. Kế đến là phân bón lá- có 1/2 mẫu kiểm tra kém chất lượng. Phân hỗn hợp N-P-K cũng có đến 4/9 mẫu kiểm tra kém chất lượng. Tổng số lượng phân bón vi phạm chất lượng được phát hiện gồm có 92 tấn dạng bột, hột và gần 100 lít dạng nước.
Trong 3 tháng đầu năm 2009, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Đoàn thanh tra tiếp tục kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn tỉnh. Đoàn thanh tra đã tiến hành kiểm tra nhãn hàng hoá, lấy mẫu phân tích kiểm tra chất lượng, khảo sát điều kiện sản xuất kinh doanh, công bố tiêu chuẩn chất lượng. Qua kiểm tra trực tiếp 32 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn tỉnh, Đoàn thanh tra nhận thấy hầu hết các cơ sở kinh doanh đều có thực hiện các quy định về niêm yết giá, ghi nhãn hàng hoá…, nhưng về chất lượng phân bón thì vẫn còn vi phạm đáng kể. Trong đợt kiểm tra, Đoàn đã lấy ngẫu nhiên 20 mẫu phân bón, gồm 8 mẫu phân hữu cơ, 8 mẫu phân khoáng trộn NPK, 2 mẫu phân DAP, 1 mẫu phân bón lá, 1 mẫu phân đơn chất, gửi về Trung tâm Đo lường Chất lượng 3 TP.HCM kiểm định chất lượng. Kết quả cho thấy trong 20 mẫu vẫn còn có đến 5 mẫu không đạt chất lượng. Trong đó có 3/8 mẫu phân khoáng trộn NPK không đạt chất lượng, 1/8 mẫu phân hữu cơ không đạt chất lượng. Đặc biệt phân bón lá chỉ lấy có 1 mẫu loại TM5-MC cũng không đạt chất lượng. Tổng số lượng phân bón vi phạm chất lượng phát hiện trong đợt thanh tra này là 14,9 tấn dạng viên và 100 lít dạng nước.
Qua đợt thanh tra chất lượng phân bón quý I- 2009 cho thấy tuy tỷ lệ mẫu phân bón chất lượng kém đã có giảm hơn so với đợt thanh tra năm 2008, nhưng tỷ lệ vi phạm vẫn còn khá cao- đến 25% trên tổng số mẫu phân bón lấy kiểm định. Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng vi phạm về chất lượng phân bón chưa được ngăn chặn triệt để là mức xử phạt còn quá nhẹ- tuy đã có tăng hơn năm 2008. Năm 2008, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón kém chất lượng bình quân chỉ có 7 triệu đồng/cơ sở. Trong đợt thanh tra vừa qua, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón kém chất lượng đã được quy định nâng lên 12 triệu đồng/cơ sở. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mức xử phạt đã được nâng lên này vẫn chưa đủ sức răn đe, chính vì thế mà có nhiều cơ sở sẵn sàng nộp phạt và không ngần ngại đưa các loại phân bón kém chất lượng ra thị trường. Từ đó, Đoàn thanh tra kiến nghị các cấp có thẩm quyền tiếp tục nâng cao mức xử phạt so với quy định hiện hành. Ngoài biện pháp xử phạt bằng tiền, Đoàn thanh tra đề xuất áp dụng biện pháp truy thu số tiền chênh lệch về chất lượng sản phẩm đối với cơ sở vi phạm.
SƠN TRẦN