Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Tổng số vụ án hôn nhân gia đình thụ lý trong 6 tháng qua là 3.187 vụ- tăng đến 303 vụ so với cùng kỳ, trong đó đã giải quyết 2.306 vụ- đạt tỷ lệ 74,18%.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, TAND tỉnh và TAND các huyện, thành phố trong tỉnh đã thụ lý 7.209 vụ án các loại, so với cùng kỳ giảm 146 vụ. Tuy nhiên, án hôn nhân và gia đình lại gia tăng. Tổng số vụ án hôn nhân gia đình thụ lý trong 6 tháng qua là 3.187 vụ- tăng đến 303 vụ so với cùng kỳ, trong đó đã giải quyết 2.306 vụ- đạt tỷ lệ 74,18%.
NHIỀU NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN LY HÔN
Vụ án của ông Hạnh và bà Thơ là một trường hợp điển hình. Hai ông bà tự nguyện chung sống từ năm 1984, có đăng ký kết hôn và cùng nhau tạo ra một số tài sản có giá trị lớn. Tuy nhiên, theo ông Hạnh thì vợ chồng ông chỉ thực sự hạnh phúc trong bốn năm đầu chung sống.
Những năm sau, do thiếu tôn trọng nhau, việc quản lý kinh tế trong gia đình bà Thơ tự ý quyết định mà không có sự bàn bạc với chồng, dẫn đến nhiều lần vỡ nợ. Cuộc sống vợ chồng ngày càng xảy ra nhiều mâu thuẫn, do đó ông Hạnh yêu cầu được ly hôn.
Ngược lại bà Thơ cho rằng, mặc dù có phát sinh mâu thuẫn nhưng vợ chồng bà vẫn chung sống bình thường. Đến năm 2012, ông Hạnh ngoại tình và bỏ nhà đến ở với người tình. Khi ông Hạnh kiên quyết ly hôn, bà Thơ cũng đồng ý.
Thế nhưng chuyện ly hôn của ông Hạnh và bà Thơ đâu đơn giản, bởi ông bà còn có tài sản chung, riêng và cả nợ nần. Dù bản án sơ thẩm tuyên cho hai người ly hôn theo nguyện vọng của ông Hạnh, nhưng ông vẫn kháng cáo lên TAND cấp phúc thẩm về phần chia tài sản và số nợ khi ly hôn.
Cuối cùng, vụ ly hôn của ông Hạnh và bà Thơ cũng được giải quyết dứt điểm tại phiên toà phúc thẩm. Nhưng nhiều người vẫn băn khoăn: Vì sao cả hai người đã đến tuổi xế chiều mà vẫn còn kéo nhau ra toà để ly hôn? Rồi dẫn đến tranh chấp tài sản khiến tình nghĩa sau 30 năm chung sống bị ảnh hưởng nặng nề.
Một vụ ly hôn khác xảy ra chỉ vì những mâu thuẫn không lớn. Sau 4 năm chung sống, đến cuối năm 2011, chị Thắm đưa đơn ra toà xin ly hôn với anh Trường. Theo chị Thắm, chị và anh Trường chung sống với nhau từ năm 2006, có đăng ký kết hôn vào năm 2007 và có tổ chức lễ cưới hỏi đúng theo phong tục.
Tuy nhiên đến tháng 6.2011 hai vợ chồng phát sinh mâu thuẫn. Nguyên nhân do vợ chồng chị sống chung với gia đình bên chồng, hằng tháng phải phụ tiền cho mẹ chồng, nhưng có lúc không có nhiều việc làm, chị đưa tiền ít, mẹ chồng và chồng chị cho rằng chị không thật tình, từ đó gây gổ với nhau. Không chịu nổi, chị xin ly hôn.
Còn anh Trường cho rằng, giữa năm 2011 chị Thắm lén anh chơi hụi, khi anh phát hiện thì vợ chồng gây gổ với nhau. Giận anh, chị Thắm đem con về nhà mẹ ruột sinh sống. Do đó anh Trường đồng ý ly hôn với chị Thắm.
Xét xử sơ thẩm, TAND cấp huyện đã chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của chị Thắm và giao con cho chị Thắm nuôi dưỡng. Sau phiên toà sơ thẩm, anh Trường kháng cáo yêu cầu giải quyết cho anh được quyền nuôi con. Tuy nhiên toà án cấp phúc thẩm đã không chấp nhận kháng cáo của anh Trường, tiếp tục giao quyền nuôi con cho chị Thắm.
HẬU LY HÔN
Khi hôn nhân phát sinh những mâu thuẫn, tình cảm vợ chồng không thể hàn gắn thì họ tìm đến giải pháp ra toà xin ly hôn để giải thoát cho nhau. Đó là chuyện coi như bình thường, nhưng “hậu ly hôn” có khi lại không bình thường.
Có trường hợp, sau khi ly hôn, do người chồng cũ “quên” trách nhiệm làm cha, không cấp dưỡng nuôi con theo bản án, cuối cùng người mẹ phải nhờ đến cơ quan Thi hành án dân sự can thiệp.
Cũng có trường hợp toà giao quyền nuôi con cho người mẹ, nhưng trước khi toà xử đứa bé đang sống với cha, sau khi xử người cha cố tình không giao con lại cho người mẹ nuôi dưỡng, cuối cùng các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải vào cuộc để giải quyết “hậu ly hôn”.
Có một số trường hợp sau khi ly hôn, người chồng cũ vẫn theo “quấy rầy” người vợ cũ, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, thậm chí là vi phạm pháp luật.
Đặc biệt, “hậu ly hôn” có khi dẫn đến “hệ luỵ” khôn lường do người con thiếu vắng tình cảm của cha hoặc mẹ, hoặc cả cha lẫn mẹ do ai cũng có gia đình riêng. Từ đó người con không phát triển tâm sinh lý bình thường, dẫn đến vi phạm pháp luật, bị tù tội khi tuổi đời còn trẻ...
Trước thực trạng ly hôn gia tăng đến mức đáng báo động, các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể cũng nên vào cuộc, tìm hiểu nguyên nhân, đề ra giải pháp hiệu quả nhằm hạn chế tình trạng ly hôn.
Thiết nghĩ, nếu các tổ chức đoàn thể, các tổ hoà giải ở địa phương nắm bắt kịp thời những mâu thuẫn của các cặp vợ chồng, kịp thời hoà giải, hàn gắn thì có thể tình trạng ly hôn sẽ giảm bớt.
SONG HUỲNH