Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Hướng xử lý tiếp theo của huyện Gò Dầu là yêu cầu gia đình ông Hẹn và ông Bắp đến Trung tâm Phát triển quỹ đất Tây Ninh - Chi nhánh Gò Dầu nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và tiến hành bàn giao đất cho huyện để triển khai thực hiện dự án.
Ông Hẹn trình bày nỗi khổ vì gia đình bị vướng vào khu quy hoạch.
Trong hội nghị tiếp xúc cử tri khối huyện, cụm liên xã Thanh Phước, Phước Đông và thị trấn Gò Dầu (huyện Gò Dầu) sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV vừa qua (ngày 26.11.2018), tại hội trường UBND xã Thanh Phước, cử tri Võ Văn Hẹn thắc mắc về việc quy hoạch trung tâm bảo trợ xã hội cho trẻ em lang thang Campuchia đã 16 năm qua, nhưng đến nay chưa thực hiện, gây khó khăn cho một số hộ dân trong khu quy hoạch.
Nỗi khổ của người trong quy hoạch
Cử tri Võ Văn Hẹn cho biết, năm 2003, khu đất ở ấp Xóm Đồng, xã Thanh Phước được quy hoạch để xây dựng trung tâm nuôi trẻ lang thang Campuchia. Khu quy hoạch này có 11 gia đình làm ăn sinh sống, trong đó có gia đình ông và các con ông. Thế nhưng từ đó đến nay đã 16 năm, dự án này vẫn chưa thực hiện, khiến gia đình ông và con ông gặp nhiều khó khăn.
Ông Hẹn đã 91 tuổi nhưng chưa có căn nhà ở cho đàng hoàng, phải đi ở đậu nhà người khác. Những người con của ông cũng tản lạc khắp nơi. Ông Hẹn đã khiếu nại nhiều lần, nhiều nơi, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Ông Hẹn bức xúc nói: “Tôi đề nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội, nếu tiếp tục dự án thì bồi thường tiền để tôi mua đất khác cất nhà ở. Nếu không thực hiện dự án thì xoá quy hoạch, cho tôi cất lại căn nhà để ở”.
Sau hội nghị tiếp xúc cử tri, chúng tôi đến mục sở thị khu đất đang được quy hoạch để xây dựng Trung tâm nuôi trẻ lang thang Campuchia. Hiện trường, ven đường 782, có một khu đất khá rộng. Trong đó có một căn nhà vách ván, lợp tôn xiêu vẹo, cửa khoá. Đó là căn nhà của ông Hẹn. Gần đó, có một căn nhà khác, vách tôn, mái lợp tôn còn khá chắc chắn, cửa cũng khoá im lìm. Lá cây rụng đầy mái nhà, cây hoang, cỏ dại mọc đầy sân, đó là căn nhà con trai của ông Hẹn, phía sau bị bỏ hoang phế.
Nỗ lực chưa thành
Trao đổi về vấn đề này với ông Mai Văn Phuộng- Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Gò Dầu, ông Phuộng cho biết, ngày 27.2.2003, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP. Hồ Chí Minh có Văn bản số 530/LĐTBXH xin huyện Gò Dầu hỗ trợ đất để xây dựng Trung tâm nuôi trẻ lang thang Campuchia tại ấp Xóm Đồng, xã Thanh Phước.
Ngày 28.7.2003, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Văn bản số 234/UB về việc hỗ trợ đất cho TP. Hồ Chí Minh xây dựng trung tâm bảo trợ xã hội. Ngày 5.9.2003, Chủ tịch UBND huyện ban hành Quyết định số 475/QĐ-CT về việc thành lập Hội đồng đền bù, giải phóng mặt bằng xây dựng trung tâm bảo trợ xã hội tại ấp Xóm Đồng, xã Thanh Phước. Ngày 19.12.2003, UBND huyện Gò Dầu có Tờ trình số 349/TT-UB về việc xin phê duyệt đền bù đất, tài sản trên đất và các phụ cấp khác.
Căn nhà của ông Hẹn trong khu quy hoạch.
Ngày 19.4.2004, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 356/QĐ-CT về việc phê duyệt giá và dự toán kinh phí đền bù để giải phóng mặt bằng, thực hiện công trình xây dựng trung tâm bảo trợ xã hội thuộc xã Thanh Phước. Ngày 3.11.2004, Chủ tịch UBND huyện Gò Dầu ban hành Quyết định số 475/QĐ-CT về việc thu hồi đất của hộ gia đình, cá nhân để giao cho Sở LĐ-TB&XH TP. Hồ Chí Minh xây dựng trung tâm bảo trợ xã hội.
Diện tích thu hồi 14.982,9m2, tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ của dự án (tính luôn phần hỗ trợ, bổ sung) là 792.033.817 đồng. Số hộ có đất bị thu hồi là 11 hộ. Số hộ đã nhận tiền đền bù 8 hộ. Trong số 8 hộ đã nhận tiền đền bù có 2 hộ là con của ông Võ Văn Hẹn: ông Võ Văn Giải và ông Võ Văn Mưa, còn lại 3 hộ chưa nhận tiền đền bù gồm Võ Văn Bắp (con ông Võ Văn Hẹn), diện tích đất bị thu hồi 645,2m2, trong đó đất ở nông thôn 400m2, đất nông nghiệp 254,2m2, tổng số tiền bồi thường 73.043.958 đồng; hộ bà Lê Thị Thận (vợ ông Võ Văn Hẹn), diện tích đất bị thu hồi 1.779m2, trong đó đất ở nông thôn 800m2, đất nông nghiệp 979m2, tổng số tiền bồi thường 173.328.049 đồng; hộ bà Trương Thị Mãnh (đất ông Nguyễn Văn Cơi đang sử dụng là do nhận chuyển nhượng từ bà Võ Ngọc Anh là con bà Mãnh) diện tích đất bị thu hồi 331m2 đất ở nông thôn, tổng số tiền bồi thường 45.694.750 đồng.
Vụ việc khiếu nại của bà Lê Thị Thận (vợ ông Võ Văn Hẹn) và ông Võ Văn Bắp về giá đền bù, lãi suất ngân hàng đã được Hội đồng bồi thường huyện Gò Dầu ghi nhận, có báo cáo xin chủ trương và đã được Chủ tịch UĐND tỉnh lần lượt ban hành 3 quyết định phê duyệt bổ sung kinh phí để bồi thường, hỗ trợ như sau:
Quyết định số 745/QĐ-TC ngày 20.7.2005 phê duyệt bổ sung dự toán kinh phí bồi thường với số tiền 49.011.200đ, trong đó bồi thường, hỗ trợ cho bà Thận số tiền 46.171.200 đồng. Quyết định số 2466/QĐ-CT ngày 24.10.2008 phê duyệt bổ sung kinh phí bồi thường, hỗ trợ về đất với tổng số tiền 42.703.250 đồng, trong đó bà Thận được bồi thường, hỗ trợ số tiền 33.900.812 đồng; ông Bắp được bồi thường, hỗ trợ số tiền 8.802.438 đồng. Quyết định số 3045/QĐ-CT ngày 30.11.2008 phê duyệt bổ sung dự toán kinh phí hỗ trợ lãi suất tiền gửi ngân hàng là 4.717.567 đồng, thời gian hỗ trợ lãi suất tính từ 20.7.2005 đến 31.12.2008.
Qua 3 lần UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt bổ sung kinh phí bồi thường, hỗ trợ, nhưng 2 hộ nói trên vẫn không đồng ý và đề nghị Nhà nước áp giá đất năm 2009, nhưng huyện không đồng ý. Khi thu hồi đất, huyện đã thực hiện đồng thời với việc bố trí khu đất tái định cư tại ấp Xóm Đồng, xã Thanh Phước theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất. Theo hồ sơ, từ trước cho đến nay không có hộ dân nào yêu cầu nhận nền tái định cư.
Lãnh đạo Phòng TN&MT huyện Gò Dầu cho biết, qua kiểm tra hồ sơ, thu hồi đất là căn cứ vào Luật Đất đai năm 2003, việc bồi thường thiệt hại căn cứ vào Nghị định số 22/1998/NĐ-CP ngày 24.4.1998 của Chính phủ về việc đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng (thực hiện theo Luật Đất đai năm 1993).
Không áp dụng Nghị định số 197/2004/NĐ-CP, ngày 3.12.2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (Nghị định thực hiện theo Luật Đất đai 2003) với lý do: Phương án bồi thường, hỗ trợ đã được UBND tỉnh phê duyệt trước khi Chính phủ ban hành Nghị định số 197/2004. Theo khoản 2 Điều 50 Nghị định 197 có quy định: Đối với những dự án, hạng mục đã thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; những dự án, hạng mục đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hoặc đang thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo phương án đã được phê duyệt trước khi nghị định này có hiệu lực thi hành, thì thực hiện theo phương án đã phê duyệt, không áp dụng hoặc điều chỉnh theo quy định của nghị định này, do vậy, việc áp dụng Nghị định số 22/1998 để bồi thường thiệt hại là phù hợp, đúng quy định.
Về áp giá đền bù, huyện Gò Dầu căn cứ vào các quyết định của UBND tỉnh để thực hiện: Quyết định số 1249/1999/QĐ-UB ngày 28.8.1999 của UBND tỉnh về việc ban hành bảng giá đền bù hoa màu, cây ăn trái khi Nhà nước thu hồi đất; Quyết định số 200/2001/QĐ-UB ngày 17.4.2001 của UBND tỉnh Tây Ninh về việc Ban hành bảng giá các loại đất áp dụng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; Quyết định số 348/2003/QĐ-UB ngày 18.4.2003 của UBND tỉnh về việc Ban hành bảng giá đền bù nhà cửa, vật kiến trúc khi Nhà nước thu hồi đất áp dụng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
UBND huyện ban hành công văn trả lời cho ông Võ Văn Hẹn như sau: Việc chi trả bồi thường, hỗ trợ về đất và tài sản gắn liền với đất cho 11 hộ dân, huyện Gò Dầu đã thực hiện đúng theo phương án đã được UBND tỉnh phê duyệt, có bố trí tái định cư đúng theo quy định của pháp luật và có xem xét đề xuất hỗ trợ bổ sung theo yêu cầu của các hộ trên. Tuy nhiên, nhiều lần đoàn công tác của huyện vận động nhưng gia đình ông Hẹn đều không đồng ý nhận tiền. Việc chậm trễ này không phải do cơ quan Nhà nước.
Hướng xử lý tiếp theo của huyện Gò Dầu là yêu cầu gia đình ông Hẹn và ông Bắp đến Trung tâm Phát triển quỹ đất Tây Ninh - Chi nhánh Gò Dầu nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và tiến hành bàn giao đất cho huyện để triển khai thực hiện dự án.
Đại Dương