Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tình vé số
Thứ bảy: 08:23 ngày 17/07/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Loan “vé số” ào đến cửa quán của tôi trong cơn mưa chiều chưa dứt hạt, dáng vẻ “ba vòng như một” của em rất vội vã:

Loan “vé số” ào đến cửa quán của tôi trong cơn mưa chiều chưa dứt hạt, dáng vẻ “ba vòng như một” của em rất vội vã:

- Chị, chị! Biết nhà anh Phương ở đâu không chị? Anh Phương chồng chị Loan “bánh mì” hôm qua mua hết 15 tờ vé số của em đó.

- Chi vậy? Nợ tình hay nợ tiền mà tìm nhà ghê vậy?

- Ờ, có tình cũng tình vé số thôi. Tìm tới nhà người ta cháy tội nghiệp em ơi! Chồng tôi chêm vào.

- Bậy không hà! Chiều nay hình như ảnh trúng số. Sáng em bán 2 lốc 65 mà không nhớ là anh Phương lấy đầu 7 hay đầu 3. Ðầu 7 là ảnh trúng đặc biệt. Trời ơi… mười lăm vé là ba chục tỷ lận.

Chồng tôi có vẻ tiếc nuối. Ðúng là chiều nay anh trúng con 65, nhưng chỉ là số đầu. Vậy có nghĩa là Phương có khả năng trúng lô 6 đặc biệt, cũng con 65.

Tôi chỉ nhà Phương cho Loan “vé số”. Chồng vỗ đùi bôm bốp: “Trời ơi…nếu biết chiều nay trúng vậy thì sáng này đầu 7 hay đầu 3 gì tui cũng lấy hết. Gần trăm vé chứ nhiêu”.

Tôi liếc chồng đến rớt con mắt. Giấu đầu lòi đuôi nhé, vậy mà anh cứ nói với tôi là lúc này “cai” vé số rồi, mỗi ngày chỉ mua 2 vé “đỡ ghiền” thôi. Vậy giờ té ra anh có 10 vé 65 là sao?

Ừ, sao lại gọi  Loan “vé số”? Vì để phân biệt với Loan “bánh mì” tuy không họ hàng chi nhưng hai cô đều có gương mặt, tướng tá giông giống nhau. Nếu chỉ gọi “Loan” không kèm theo “ních- nem” thì người nghe chẳng biết gọi Loan nào.

Loan “vé số” có cuộc đời không giống ai. Ðó là hồi con gái, yêu thương một người, đám hỏi xong thì…người ấy bỏ đi mất biệt không có đám cưới diễn ra. “Trai lộn vợ gia tài bỏ hết”. Ừ, coi như Loan được một số vàng vòng tiền bạc trên trời rời rơi xuống. Nhưng sau ngày chồng sắp cưới bỏ đi hai tháng thì… cái bụng Loan cũng bự lên. Số vàng cưới và tiền nộp tài kia cũng đủ nuôi cái bầu và sinh nở. Nhưng rồi xó quê không quen chuyện “gái chưa chồng mà chửa”. Cả đời còn lại của Loan và cha mẹ làm sao để bình yên khi trên tay là đứa bé đỏ hỏn giống tạc nhà nội nó cách nhau một nhánh sông.

Nhưng nhà nội không nhìn thằng bé.

Vậy là Loan bồng con ra đi theo chỉ dẫn của người ta. Chủ yếu đi đến một nơi không ai biết mình là ai để gia đình không bị “nhục”.

Ðứa con đỏ hỏn trên tay rồi cũng bập bẹ nói, chập chững đi. Nó ăn “cơm vé số”, à không, uống sữa vé số từ ngày còn trên tay mẹ. Nó dễ ẹc chứ không khó nuôi như bao đứa trẻ khác.

Bèo dạt mây trôi, cái ăn cái mặc cứ quấn lấy hằng ngày. Rồi tiền thuê nhà trọ, tiền sữa, cháo cho con. Bản thân mình cũng cần phải ăn để sống. Cả tiền bù vào số vé số bị giật mất nữa. Nên người ta nói Loan giỏi, bán ngày ba, bốn trăm tấm lời ba, bốn trăm ngàn mới sống nổi. Rồi có người ác miệng bảo: “Xời, bán vé số xổ liền thì có. Chứ vé số chiều xổ nào mà giàu dữ vậy?”.

Ai nói gì thì nói, Loan tâm sự với tôi: “Ðược đeo vàng là ước mơ từ hồi mới lớn của em, nhà nghèo quá mà, cái quần có khi rách cũng chưa có tiền mua quần khác. Nên được đeo vàng với em là một niềm hạnh phúc, như công chúa vậy. Vàng đeo lên người, em nghe thoải mái và tự tin lạ lắm, mà hình như hợp phong thuỷ nữa chị, đeo vàng nhiều là bán vé số càng đắt. Nè…nè… bộ xi-men 14 chiếc nè, cái vòng tay chạm rồng phụng này nè… toàn vàng giả không đó. Chỉ có cái nhẫn hình đồng tiền này là thật”.

Tôi ớ ra, không còn hỏi Loan lý do đeo vàng nữa. Rồi Loan gá nghĩa với người đàn ông cũng bán vé số, hơi khù khờ nhưng thật lòng yêu thương Loan. Anh đã bốn mươi mà chưa từng lấy vợ. Hai người ráp lại, vẫn đi bán vé số, ở nhà trọ, cùng nuôi con trai của Loan. Rồi Loan sinh một bé gái với chồng sau, đứa lớn giữ đứa nhỏ cho cha mẹ đi bán vé số. Quán tôi là “nơi tập kết” của dân vé số vì võng và trà đá, bóng mát cây nhãn miễn phí.

Rồi một cô gái tên Loan xin tôi đặt xe bánh mì ở khuôn viên quán. Hai cô có ngoại hình khá giống nhau, nên để phân biệt, tôi đặt Loan “vé số” và Loan “bánh mì”.

Loan “bánh mì” có chồng đi làm tài xế xe đường dài, thu nhập không ít nhưng anh còn bận nuôi cha mẹ già, nên Loan phải buôn bán thêm. “Vừa để bớt thời gian rảnh mà nhớ chồng, vừa có thêm thu nhập vậy mà”- Loan “bánh mì” nói nhẹ hều.

* * *

Loan “vé số” lại ào đến quán tôi trong buổi chiều chập choạng:

- Chị, chị! Em dời nhà trọ, chủ nhà đuổi í mà. Nhưng mà tìm hoài hông có xe. Xe tải nhà chị rảnh không? Giúp em một chuyến.

Màn mưa lất phất không hẹn dứt của ông trời trong buổi chiều chạng vạng khiến không gian và lòng người càng thêm ảm đạm. Vậy mà phải dời nhà trọ ư? Rồi đêm nay có kịp đến chỗ mới mà trú ngụ?

- Chị yên tâm, nhà trọ mới cách chỗ cũ có hai ngã tư thôi. Nhỏ hơn, rẻ hơn đến ba trăm ngàn mỗi tháng đó nha.

Chồng tôi lái xe đi, Loan “vé số” phành phạch nổ máy chiếc xe cà tàng của mình chạy theo. Dáng mập mạp tất bật trông rất tội nghiệp.

Ðâu chừng 40 phút sau, chồng tôi trở về đông đổng chửi:

- Bà mẹ cái thằng chồng ôn dịch. Tui làm tài xế chứ có làm bốc vác đâu. Vậy mà cũng phải phụ con Loan khiêng hai cái tủ lên xe. Còn nó nằm nhảnh cẳng ra đó, kêu nó phụ thì nói mệt.

- Chắc nó mệt thiệt, vì em nghe nói nó “không đủ mười”, bị khù khờ mà?

- Biết lấy vợ mà khờ cái gì? Làm biếng thì có! Tui hỏi bà, tủ nhà nó, dọn nhà nó, mà nó cũng không thèm khiêng vác gì thì trong cuộc sống làm sao quan tâm tới vợ con?

Ðể “hạ hoả” cho chồng, tôi mang đến ly trà đá thật to. Rằng anh xem như khiêng từ thiện đi, dù sau cũng khiêng xong và chở xong rồi mà. Ðời chắc không ít đàn ông lười như vậy, chỉ tội Loan nó khổ này chồng lên khổ nọ thôi.

Ly trà đá hình như có “hiệu nghiệm” nên cơn nóng không còn nơi chồng tôi nữa. Anh hít hà nói đời đàn bà không gì khổ bằng lấy phải người đàn ông không biết quan tâm thương yêu. Ðời Loan “vé số” thằng nào “mở hàng” mà thành “huông” luôn rồi.

- Không sao đâu, ông trời luôn có mắt. Vài hôm nữa Loan “vé số” trúng độc đắc là đời hết khổ.

Tôi hay nói kiểu tích cực với chồng như vậy để hạ hoả những cơn nóng của anh. May chồng tôi nóng tính nhưng mau nguội và chịu nghe lời phân tích thiệt hơn của vợ.

Vậy mà hai mươi phút sau khi dọn nhà trọ, Loan “vé số” lại ào đến quán tôi như cơn mưa bất chợt:

- Anh, anh! Nhà trọ nãy dọn mà đường điện sao đó không sáng được. Anh tới coi giùm em được không?

- Ðược… được… anh coi giùm em được đó…nhưng điện thì anh không biết coi.

Chồng tôi nửa đùa nửa thật. Loan giật nảy người:

- Anh đừng nói chơi nha! Em coi bèo bèo vậy chứ chỉ biết có chồng em thôi, đàn ông khác đừng mong rớ tới em à nha.

Uý trời đất ơi, Loan “vé số” ảo tưởng quá! Chồng tôi có nói gì đâu mà “đừng mong rớ tới” ghê vậy cà?

- Chồng chị nói chơi thôi, anh ấy không biết sửa điện đâu. Em tìm chú Hai Phu nhà sau chợ nha, ổng chuyên sửa điện đó.

Câu nói của tôi kết thúc câu chuyện cù cưa với Loan “vé số” vì cô nàng có chiêu hay lắm, cứ nói với nhau vài câu là mời mua vé số, kiểu mời dẻo nhẹo khiến ai cũng mủi lòng hoặc “mua phứt cho xong”. Mà chồng tôi thì dễ mủi lòng lắm...

* * *

Sáng tinh mơ mà ông xanh gầm gừ như con hổ trong chuồng thèm tự do. Quán tôi vẫn chưa mở cửa, đơn giản vì tối qua bán khuya quá, sáng mệt chưa dậy nổi. Mà mưa gió thế này ít khách uống cà phê lắm. Nhưng bánh mì thì đắt vì ai cũng ăn, để lót dạ đi làm, để đi cắt bao cỏ cho mấy con bò. Hoặc đơn giản là sáng ai cũng phải tìm cái gì đó cho vào bụng.

Loan “bánh mì” vừa lanh canh dao thớt vừa âm âm tiếng mắng mỏ:

- Thiệt là tức hà! Tui đã nói với anh rồi, chơi vé số ít thôi, nhậu cũng ít thôi để tiền nuôi con. Anh nghĩ sao mà tui ba chục tuổi, tay nách hai đứa con, tiếng chồng làm bạc chục triệu mà cọng dây chuyền cũng không sắm nổi cho vợ? Trời ơi là trời, chắc tại tui ngu nên mới đẻ dữ vậy hén? Rồi hôm nay lòi ra anh mua một lúc cả trăm vé của con quỷ đó, nghĩa là sao?

- Trời ơi…làm gì dữ vậy? Nói lớn người ta nghe hết, kì cục hà! Bộ ngày nào cũng mua vậy sao?

- Ngày nào cũng mua chắc ăn dao quá. Mà tui hỏi anh, mắc dịch mắc toi gì mà anh phải mua cả trăm vé?

- Trời ơi… trật mới chửi vậy chứ trúng coi sao ha?

- Ông còn cãi hả? Một lần bắt gặp năm mười lần không.

- Trời ơi…

Từ “anh” khá êm tai khi gọi chồng, giờ tăng cấp lên “ông” nghĩa là sự việc nặng hơn rồi đó.

- Dạ anh…anh mua mấy ổ anh? Bỏ ớt nhiều hay ít anh? Trứng luộc hay trứng ốp la anh ơi? Cảm ơn anh mua mở hàng giùm em nha.

Lại một chị chở con tới mua bánh mì, cái miệng xinh xẻo của Loan cứ liến thoắng mời chào.

Có khách tới mua bánh mì nên Loan ngọt ngào hẳn ra, chả bù lúc mắng chồng sa sả. Không nghe tiếng chồng Loan nói nữa. Nhưng ấm ức về việc chồng “mua cả trăm tờ vé số” khiến âm giọng Loan “bánh mì” nằng nặng mỗi câu chào mời.

Phương - chồng Loan làm tài xế, “tua” đi ba ngày về nghỉ một ngày nên thi thoảng cũng đến phụ vợ. Hoặc đơn giản để ngắm vợ cho thỏa những ngày đi vắng.

Nhưng Phương có tật mua vé số nhiều quá, cứ nói tui mua vé số từ 18 tuổi, nay 40 rồi, chắc cũng có ngày trúng độc đắc thôi.

Chồng tôi nhiệt liệt ủng hộ tình yêu vé số của Phương nên gặp nhau là rôm rả vui lắm. Thật ra họ cũng có trúng số đầu, dăm ba tờ, dăm ba trăm ngàn nhưng rồi lấy tiền trúng số đó mà mua lại vé số hoặc cà phê, ăn nhậu “mừng chiến thắng” thôi.

Tôi thì chẳng mấy khi mua vé số, vì cứ nghĩ “sáng mua chiều bỏ”, mười ngàn cũng được bó rau, hộp sữa thì tiếc lắm. Lâu lâu có gặp vài ông bà cụ lưng còng cóm róm hai tay trao vé, miệng cảm ơn liên hồi thì cảm động quá, mua giúp họ chứ chả mong trúng.

Quả thật Phương đã trúng đặc biệt 15 tờ. Việc đầu tiên là Loan “bánh mì” nghỉ bán bánh mì ba hôm để phụ chồng mua gạo, đường, sữa và các nhu yếu phẩm để tặng người nghèo trong địa phương. Bất kể neo đơn hay có con cái, miễn người nghèo, người bán vé số là vợ chồng Loan “bánh mì” đều tặng quà hết. Mỗi phần quà bốn trăm ngàn, tiền mặt bỏ phong bì năm trăm nữa.

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Bệnh dịch chưa biết bao giờ mới chấm dứt, vợ chồng tui may mắn được trời thương cho trúng mấy tờ vé số. Xin gởi bà con chút quà ăn lấy thảo. Mỗi người hãy xếp hàng cách nhau 2 mét, phòng bệnh mà ai cũng có quà, đừng lo thiếu phần mình”

Tiếng Phương sang sảng qua chiếc loa tay cầm khiến nụ cười bao con người tay lấm chân bùn giãn ra như hoa buổi sớm.

Ð.P.T.T

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục