BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tổ ấm dành cho trẻ em lang thang, cơ nhỡ

Cập nhật ngày: 12/03/2009 - 09:52

Lần đầu tiên các em được chụp ảnh chung

Trong một con hẻm nhỏ ở ấp Trường Phước (xã Trường Tây, huyện Hoà Thành), hơn hai năm nay có một ngôi nhà dành để nuôi dưỡng những trẻ em lang thang, cơ nhỡ, mồ côi. Hiện tại có 17 em đang sinh sống tại đây, các em đều được học văn hoá và lớn lên trong tình yêu thương, đùm bọc của những người hảo tâm.

Căn nhà được xây cất hình chữ L khá rộng, khang trang, sạch sẽ. Bên ngoài có hàng rào, có vườn cây ăn trái, hoa kiểng, bàn và ghế đá. Bên trong gồm một gian phòng chính, hai phòng để các em ở và một phòng may quần áo. Trong mỗi phòng được trang bị ti vi, nệm, gối, chăn, quạt, tủ đựng quần áo, tủ đựng đồ chơi, bàn ghế và bảng đen lớn dùng để học văn hoá. Khi tôi ghé thăm, cô Nguyễn Thị Bảnh, chủ nhà đi vắng, chỉ có cô Phiếm và cô Hồng ở nhà chăm sóc các em. Cô Phiếm cho biết: “Tôi, cô Bảnh và cô Hồng là chị em bạn xuất thân từ hoàn cảnh nghèo khổ. Từ nhỏ chúng tôi cũng ham học nhưng không được học đến nơi đến chốn. Đến nay chúng tôi vẫn sống độc thân nên muốn giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn giống như mình ngày trước để các em có nơi ăn, chốn ở, được học hành nhằm bớt đi gánh nặng cho xã hội”.

Năm 2007, các cô chỉ nhận về nuôi có ba em lang thang, cơ nhỡ, nhưng dần dần số lượng các em tìm đến ngày một đông hơn nên cô Nguyễn Thị Bảnh phải mua căn nhà khác và nhường căn nhà đang ở làm nơi nuôi dưỡng các em. Trước Tết Nguyên đán 2009, ở ngôi nhà này có đến 22 trẻ em sinh sống. Hầu hết các em là những trẻ lang thang, cơ nhỡ, mồ côi, gia đình quá nghèo khó, cha mẹ sống ly thân, làm ăn xa… Qua Tết, đã có 5 em được gia đình đến nhận về nuôi. Hiện tại nơi đây còn 17 em sinh sống, đứa lớn nhất hiện nay 12 tuổi, đứa nhỏ nhất mới 22 tháng tuổi. Các em ở độ tuổi đi học đều được đưa đến những trường tiểu học, THCS trong xã để học văn hoá. Buổi tối cô Nguyễn Ngọc Hiếu, nguyên là giáo viên dạy cấp 2 ở huyện Tân Biên (đã nghỉ dạy, đang sống gần nhà) đến dạy kèm miễn phí cho các em. Nhờ được học hành đàng hoàng nên năm học vừa qua, em Nguyễn Chí Tình, hiện là học sinh lớp 2 Trường TH Bùi Thị Xuân đạt loại giỏi, còn các em khác đều đạt học lực loại khá.

Kinh phí hoạt động của ngôi nhà tình thương này là do những người hảo tâm cùng nhau đóng góp. Cô Phiếm cho biết thêm: “Người có gạo thì cho gạo, rau cải thì những người bán hàng bông ở chợ Long Hoa mang vào cho. Những người khác có tập vở, quần áo, giày dép cũng mang lại. Bữa ăn sáng thì sẵn các mạnh thường quân nấu cho những cụ già ở cơ sở Dưỡng lão Trường An đem sang cho các em cùng ăn. Nói chung, ở đây chúng tôi thiếu thứ gì cứ việc lên tiếng là các mạnh thường quân sẵn sàng hỗ trợ. Ngoài ra, chúng tôi cũng mở cơ sở may quần áo tang, đạo phục, áo dài để bán cho các đạo hữu, những gia đình có đám tang để lấy kinh phí nuôi các em. Dự kiến sắp tới, chúng tôi còn mở thêm cở sở se nhang. Hiện tại chỉ có tôi với cô Hồng lo chăm sóc cho các em nên chưa dám bày ra làm nhang, sợ làm không xuể”. Trong khi chúng tôi đang trò chuyện thì ngoài sân có một người đàn ông chở đến một bịch bí, cà tím, khổ qua. Thấy ông, bọn trẻ chạy ùa ra, khoanh tay “Thưa ông nội mới tới”, rồi ríu rít vây quanh như đàn chim non. Cô Phiếm giải thích: “Ông thường đến cho rau quả nên chúng nó mến và xưng hô với ông như vậy”. Ông nói với tôi: “Cho tụi nó bầu bí, ăn riết cũng ngán, bữa nay đổi món khác”. Tôi chưa kịp hỏi tên thì ông đã quày xe đi về với nụ cười hạnh phúc trên môi.

Tôi làm quen với một số em đang sinh sống ở ngôi nhà này. Mỗi em một hoàn cảnh khác nhau, nhưng có một điểm chung là trước đây đều sống lang thang, cơ cực. Hai anh em ruột Nguyễn Chí Tâm, Nguyễn Chí Tình, trước đây sống lang thang ở chợ Bình Điền (TP.HCM). Nhờ một nhà hảo tâm phát hiện khi hai em đang ngủ trong một chiếc cần xé trên vỉa hè, họ đã đưa hai em về đây sinh sống. Được nuôi nấng, chăm sóc đàng hoàng nên cả hai đều khoẻ mạnh và chăm học. Em Tâm, 12 tuổi, bộc bạch: “Trước đây, nhà con ở Thành phố Cần Thơ, gia đình nghèo lắm nên kéo nhau lên TP.HCM sinh sống. Cha con làm nghề khuân vác mướn ở chợ Bình Điền, còn mẹ mấy năm nay bỏ tụi con đi đâu không biết. Có lần, đói bụng quá, tụi con đi lượm trái cây ăn, cha kiếm không gặp, rồi thất lạc luôn. May nhờ các cô bác đem về đây nuôi nấng và cho đi học”. Cô Phiếm cho biết thêm: “Trước Tết Nguyên đán, chúng tôi đã lần về tận quê của các em ở xã Vị Thanh, huyện Vị Thuỷ, Thành phố Cần Thơ để thông báo cho bà con của hai em biết là Tâm và Tình đang được nuôi dạy ở đây. Vừa rồi, cha của hai em cũng đã tìm đến thăm và gửi hai em ở lại đây sinh sống”.

Một mạnh thường quân chở khổ qua, cà tím đến cho các em

Hai anh em Thạch Văn Nhẫn, Thạch Thị Xuyên, quê ở huyện Ô Môn, Thành phố Cần Thơ cũng là một trường hợp đặc biệt khó khăn: Mẹ chết sớm, cha em Nhẫn bỏ xứ, đưa đàn con thơ lên TP.HCM làm thuê kiếm sống. Hai anh em Nhẫn, Xuyên đang sống lang thang ở TP.HCM thì được các cô chú đưa về ngôi nhà chung này. Nhẫn kể: “Hồi ở dưới quê, con đang học lớp hai rồi nghỉ. Lên đây con được đi học lại. Hiện nay con đang học lớp 3B, Trường TH Trường Tây D. Em con thì học lớp 2A cùng trường. Tụi con còn một đứa em nhỏ nữa hiện đang sống chung với cha”. Ngoài các trường hợp kể trên, còn nhiều em có hoàn cảnh đáng thương khác cũng được các cô nhận về nuôi dưỡng. Có trường hợp, người thân ký giấy gửi nuôi giùm đứa cháu của mình đến 18 tuổi.

Ông Phan Trí Tuệ, Phó Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện Hoà Thành chưa thật sự yên tâm về hoạt động của ngôi nhà dành cho trẻ em lang thang, cơ nhỡ này. Ông cho biết: “Vừa rồi, cô Bảnh có nộp hồ sơ xin phép, chúng tôi đang xem xét và hướng dẫn bổ sung một số giấy tờ cần thiết. Ngoài ra còn nhiều vấn đề khác như diện tích phòng ở của các em cũng khá chật, nguồn kinh phí nuôi dưỡng các em vẫn chưa ổn định...”.

THẢO NGUYÊN