Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Việc bảo vệ người tố cáo giúp khuyến khích, động viên người dân dũng cảm đấu tranh chống lại hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật, giúp cơ quan Nhà nước phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật.
Luật Tố cáo năm 2018 được Quốc hội khoá XIV thông qua ngày 12.6.2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2019. Quốc hội nước ta ban hành Luật Tố cáo năm 2018 nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Tố cáo năm 2011 và cụ thể hoá Hiến pháp năm 2013 về quyền tố cáo của công dân, tiếp tục quán triệt chủ trương, nghị quyết của Đảng về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Bà Nguyễn Thị Kim Hương, Trưởng Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật - Sở Tư pháp cho biết, về cơ bản, Luật Tố cáo mới tiếp tục kế thừa, phát triển các quy định của Luật Tố cáo năm 2011 về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo.
Đối với người tố cáo, Luật quy định quyền thực hiện tố cáo; được bảo đảm bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác; được thông báo việc thụ lý hoặc không thụ lý tố cáo, chuyển tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo, kết luận nội dung tố cáo; tố cáo tiếp khi có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không đúng pháp luật hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo chưa được giải quyết; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo; được khen thưởng, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Luật Tố cáo năm 2018 đã bổ sung quyền rút tố cáo của người tố cáo. Bên cạnh các quyền, người tố cáo có nghĩa vụ cung cấp thông tin cá nhân quy định tại Điều 23; trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan mà mình có được; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo của mình; hợp tác với người giải quyết tố cáo khi có yêu cầu; bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra (Điều 9).
Để xác định rõ trách nhiệm của người tố cáo, tránh tình trạng lợi dụng các hình thức tố cáo để tố cáo tràn lan, cố ý tố cáo sai sự thật, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người bị tố cáo, Luật Tố cáo năm 2018 vẫn tiếp tục quy định hai hình thức tố cáo (như quy định của Luật Tố cáo năm 2011) là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp.
Việc tiếp nhận, xử lý ban đầu thông tin tố cáo là bước quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền quyết định thụ lý hay không thụ lý giải quyết tố cáo. Việc xử lý đối với thông tin tố cáo, Luật quy định một số điểm mới.
Đối với đơn tố cáo được gửi đến nhiều nơi, Khoản 3 Điều 24 quy định, trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình và được gửi đồng thời cho nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết hoặc trường hợp đã hướng dẫn nhưng người tố cáo vẫn gửi tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân không có thẩm quyền giải quyết thì cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận được tố cáo không xử lý. Quy định này nhằm tránh tình trạng người tố cáo gửi đơn tố cáo tràn lan, vượt cấp, bảo đảm tính hiệu quả cho các cơ quan, tổ chức trong việc xử lý đối với tố cáo không thuộc thẩm quyền.
Đối với tố cáo nặc danh, mạo danh, khi nhận được thông tin có nội dung tố cáo nhưng không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo; qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo; người tố cáo sử dụng họ tên của người khác để tố cáo hoặc thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo hình thức quy định tại Điều 22 của Luật thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không xử lý.
Tuy nhiên, trường hợp thông tin tố cáo có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tiến hành thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý.
Đại diện Sở Tư pháp cho biết, việc bảo vệ người tố cáo giúp khuyến khích, động viên người dân dũng cảm đấu tranh chống lại hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật, giúp cơ quan Nhà nước phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật. Bảo vệ người tố cáo là trách nhiệm của Nhà nước, thể hiện cụ thể bản chất nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Trên cơ sở kế thừa, phát triển các quy định của Luật Tố cáo năm 2011, Luật Tố cáo năm 2018 đã dành 1 chương (ChươngVI) quy định về bảo vệ người tố cáo.
Luật mới quy định cụ thể các vấn đề cơ bản như người được bảo vệ gồm người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo. Bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ. Trách nhiệm bảo vệ trước hết thuộc về cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo. Các cơ quan khác, trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình cũng có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo và người thân thích của họ. Đó là cơ quan tiếp nhận, xác minh nội dung tố cáo; cơ quan Công an; cơ quan quản lý Nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức, lao động; UBND các cấp, Công đoàn các cấp.
PHƯƠNG THẢO