Những người tị nạn Mali đang sống trong cảnh thiếu dịch vụ cơ bản, thức ăn giới hạn và thiếu an toàn.
Tổ chức Bác sĩ Không biên giới (MSF) hôm 12.4 cho biết: 74.000 người Mali tị nạn tại trại tị nạn Mbera, ở vùng sa mạc Mauritania đang cần viện trợ nhân đạo và hỗ trợ khẩn cấp.
MSF nói, điều kiện sống của những người tị nạn Mali tại Mbera rất tồi tệ và “thiếu sự hỗ trợ nhân đạo”. Những người tị nạn Mali đang sống trong cảnh thiếu dịch vụ cơ bản, thức ăn giới hạn và thiếu an toàn. Lượng nước trong trại cũng không đủ cung cấp cho những người tị nạn giữa lúc thời tiết đang ngày càng nóng bức. Nhiệt độ khu vực có lúc tăng lên đến 50 độ C.
Marie-Christine Ferir, một cán bộ của MFS cho biết, “để tránh bị suy dinh dưỡng, trẻ em phải được cung cấp nhiều sữa và vi chất”, tuy nhiên, trẻ em tại trại tị nạn Mbera đang phải đối mặt với tỷ lệ đáng báo động về suy dinh dưỡng và tử vong. Theo Ferir, trung bình mỗi ngày có 23 – 24 trẻ em tử vong tại trại tị nạn Mbera.
Một bé gái ở trại tị nạn Mbera, miền Nam Mauritania đi lấy nước sạch về dùng. Ảnh: Presstv |
Hôm 27.2, John Ging, Giám đốc điều hành của Văn phòng LHQ về Điều phối các vấn đề nhân đạo cho biết, khoảng 200.000 trẻ em Mali hiện không được đi học.
Cuộc chiến tại Mali do Pháp dẫn đầu đã gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng ở nhiều khu vực miền Bắc nước này, khiến hàng ngàn người dân lâm vào tình cảnh mất nhà cửa và đang phải sống trong điều kiện tồi tệ.
Mali rơi vào bất ổn từ cuối tháng 3.2012 sau khi Đô đốc Amadou Sanogo dẫn đầu một nhóm sĩ quan quân đội lật đổ Tổng thống khi đó là Amadou Toumani Toure. Cuộc binh biến đã mở đường cho các tay súng Hồi giáo cực đoan có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda và lực lượng người Touareq chiếm giữ các tỉnh miền Bắc.
Lo ngại xung đột tại Mali có thể châm ngòi cho làn sóng bạo loạn mới trong khu vực, Pháp phát động Chiến dịch can thiệp quân sự “Mèo hoang” nhằm ngăn chặn bước tiến của lực lượng Hồi giáo vũ trang xuống miền Nam.
Dưới sự hỗ trợ của quân đội Pháp, mặc dù các chiến dịch truy quét của binh sĩ Mali đã đạt được nhiều thành quả nhưng cho đến nay, giao tranh vẫn tiếp diễn tại nhiều địa phương ở Đông Bắc Mali.
Trong phiên họp ngày 11.4, Chính phủ Mali đã quyết định gia hạn thời gian áp đặt tình trạng khẩn cấp, vốn được áp dụng từ ngày 12.1 vừa qua.
Lần gia hạn này không rõ kéo dài bao lâu, tuy nhiên, một nguồn tin từ phủ Tổng thống Mali cho biết, tình trạng khẩn cấp ở nước này có thể được duy trì tới cuối tháng sáu, trước khi bắt đầu chiến dịch vận động tranh cử cho cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra ngày 7.7 tới.
Thủ tướng Mali Diango Cissoko hôm 11.4 cũng đã kêu gọi quân đội Pháp ở lại Mali để giúp chính quyền và quân đội nước này ổn định tình hình và bảo đảm an ninh. Ông Cissoko đưa ra lời kêu gọi bốn ngày sau khi Pháp bắt đầu rút quân khỏi quốc gia Tây Phi này. Hiện còn gần 4.000 quân Pháp vẫn tiếp tục tiến hành chiến dịch tìm diệt các phần tử khủng bố tại miền Bắc Mali.
Theo kế hoạch, từ nay đến mùa hè, số quân Pháp ở Mali sẽ rút xuống còn khoảng 2.000 người và đến cuối năm nay sẽ chỉ còn giữ lại 1.000 người để hỗ trợ lực lượng Gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc.
TRINH DƯƠNG
Tổng hợp