BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tổ chức lại bộ máy nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập: Đạt được nhiều kết quả cụ thể 

Cập nhật ngày: 14/10/2020 - 00:38

BTN - Tháng 10 này là tròn 3 năm ngày Trung ương Ðảng ban hành Nghị quyết 18 và 19 nhằm sắp xếp, tổ chức lại bộ máy hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập. Trước đó, năm 2011, Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020. Quyết định tổ chức, sắp xếp lại bộ máy hành chính nhà nước cũng như các đơn vị sự nghiệp công lập là chủ trương đúng đắn.

Các thí sinh khối tiểu học tham gia Hội thi Tin học trẻ tỉnh Tây Ninh năm 2019. Ảnh: Ðăng Khoa

Cải cách bộ máy hành chính

Theo đánh giá của UBND tỉnh “Giai đoạn 2011-2020, thực hiện chủ trương của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách tổ chức bộ máy nhà nước, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh, cơ bản đã đạt được mục đích, yêu cầu mà Ðảng, Nhà nước đặt ra”.

Tinh thần chung là, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước phải được tinh gọn, hợp lý, hiệu quả, không để cồng kềnh, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan đơn vị làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc và khả năng phục vụ người dân.

UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố để hợp nhất, sáp nhập, giải thể các tổ chức bên trong của các cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật, bảo đảm nguyên tắc tinh gọn bộ máy, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và phù hợp với tinh thần tinh giản biên chế.

Thực hiện Nghị định số 24/2014/NÐ-CP của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát lại chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh, ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức cho 19 cơ quan chuyên môn và tổ chức hành chính thuộc UBND tỉnh. Ðối với UBND cấp huyện, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phân cấp và giao Sở Nội vụ phối hợp với các sở, ngành có liên quan hướng dẫn cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện theo đúng quy định. Năm 2018, thực hiện Nghị quyết số 18 và 19 của Trung ương Ðảng, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Ðề án sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện, làm cơ sở để các cơ quan, đơn vị thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đơn vị sự nghiệp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả.

Theo kết quả sắp xếp cơ quan, tổ chức hành chính của tỉnh giai đoạn 2011- 2020, năm 2011, cấp tỉnh có 21 cơ quan, gồm 18 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và 3 cơ quan, tổ chức hành chính cấp tỉnh (Văn phòng Ðoàn ÐBQH và HÐND tỉnh, Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng và Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh). Tổng số phòng, ban và tương đương trực thuộc cơ quan hành chính cấp tỉnh là 154.

Ðến tháng 3.2020, cấp tỉnh còn 19 cơ quan, gồm 18 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và 1 tổ chức hành chính (Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh). Tổng số phòng, ban và tương đương trực thuộc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và tổ chức hành chính cấp tỉnh là 109, cấp huyện có 108 cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, thị xã, thành phố (mỗi huyện, thị xã, thành phố có 12 phòng, ban chuyên môn).

Như vậy, giai đoạn 2011-2020, số lượng cơ quan hành chính của tỉnh giảm 2 cơ quan do giải thể Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng và thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Ðoàn ÐBHQ, Văn phòng HÐND và Văn phòng UBND tỉnh thành Văn phòng Ðoàn ÐBQH, HÐND và UBND tỉnh, đạt tỷ lệ giảm 9,52%.

Số lượng phòng, ban, chi cục và tương đương giảm 45 đơn vị, đạt tỷ lệ giảm 29,22%. Số lượng phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện được giữ nguyên do Chính phủ chưa ban hành Nghị định thay thế Nghị định 37/2014/NÐ-CP của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập

Cuối năm 2011, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh là 758 đơn vị, trong đó đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh có 220 đơn vị, cấp huyện 538 đơn vị. Tháng 3.2020, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh là 657 đơn vị, trong đó, đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh là 183 đơn vị, cấp huyện có 474 đơn vị. Như vậy, giai đoạn 2011-2020, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện hợp nhất, sáp nhập, giải thể giảm 101 trong tổng số 758 đơn vị, đạt tỷ lệ giảm 13,32%.

Về tình hình quản lý biên chế và thực hiện tinh giản biên chế, căn cứ các quyết định giao biên chế công chức và thẩm định số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh có báo cáo, trình HÐND tỉnh giao biên chế công chức và phê duyệt số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở quyết nghị của HÐND tỉnh, UBND tỉnh giao biên chế công chức, số lượng người làm việc cho các cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập theo thẩm quyền.

Năm 2011, biên chế công chức được giao 2.020 chỉ tiêu và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập được phê duyệt 19.289 người. Năm 2015, biên chế công chức được giao 2.010 chỉ tiêu, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập được giao 19.289 người. Năm 2020, biên chế công chức được giao 1.818 chỉ tiêu, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập được giao 18.002 người.

Như vậy, trong giai đoạn 2011-2020, tỉnh đã cắt giảm 151 biên chế công chức (trong đó, năm 2019 điều chuyển 56 biên chế của Chi cục Quản lý thị trường từ địa phương về Trung ương và tiếp nhận 5 biên chế công chức của Văn phòng Ðoàn ÐBQH tỉnh từ Trung ương về địa phương quản lý), đạt tỷ lệ 7,47%. Số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập giảm 1.670 người (trong đó, năm 2019, tỉnh được bổ sung 383 biên chế giáo viên mầm non).

Số lượng cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định 108/2014/ND-CP và Nghị định 113/2018/ND-CP trên địa bàn tỉnh (từ năm 2015 đến tháng 3.2020) là 451 trường hợp. UBND tỉnh đã thực hiện việc cắt giảm biên chế theo Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức viên chức.

Việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế trong cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch đúng theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Dù đạt được nhiều kết quả nhưng việc tổ chức lại bộ máy nhà nước (các cơ quan hành chính) và đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Khi thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy ảnh hưởng đến bộ phận công chức, viên chức lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, nhưng Trung ương không có chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng này, phần nào ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy.

Hiện nay, Trung ương vẫn chưa có quy định hướng dẫn về việc thực hiện xã hội hoá các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành giáo dục, y tế, nên việc thực hiện xã hội hoá, tự chủ của các đơn vị còn chậm.

Việt Ðông

Thực hiện Nghị Quyết số 37-NQ/TW năm 2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã; Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 và Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 14.5.2019 của Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021, Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, thống kê về diện tích tự nhiên và quy mô dân số các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện trên địa bàn tỉnh.

Kết quả không có đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp theo quy định tại Khoản 2 Ðiều 1 của Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, khi xây dựng Ðề án thành lập thị xã Trảng Bàng và các phường thuộc thị xã Trảng Bàng thì thực hiện sáp nhập xã Phước Lưu và Bình Thạnh, đổi tên thành Phước Bình theo khoản 3 Ðiều 1 Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12.3.2019 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội: “Khuyến khích việc sáp nhập đơn vị hành chính không thuộc diện quy định tại khoản 2 Ðiều này để giảm số lượng đơn vị hành chính”.

Việc sáp nhập 2 xã trên là thực hiện chủ trương của Trung ương, kế hoạch Tỉnh uỷ về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền cơ sở, tinh giản biên chế, là cơ sở để bảo đảm tốt hơn về quốc phòng, an ninh, đặc biệt là an ninh biên giới quốc gia.