Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trong năm 2010 Tổ chức MSIVN đã hỗ trợ trên 200 triệu đồng cho tỉnh Tây Ninh thực hiện chương trình này. Kết quả đã vận động thực hiện được 112 ca đình sản và 7.049 ca đặt vòng tránh thai.

(BTNO)- Thông qua sự tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Marie Stopes International Việt Nam (MSIVN), năm 2011 Trung tâm Sức khoẻ cộng đồng (VNCRH) tại TP.HCM và Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) Tây Ninh cùng thoả thuận hợp tác thực hiện “Chương trình thúc đẩy cung cấp và sử dụng các biện pháp tránh thai lâu dài và vĩnh viễn hiệu quả đối với cộng đồng” trên cơ sở đảm bảo sự lựa chọn tự nguyện với đầy đủ thông tin cho khách hàng.
Bà Phan Thị Ngọc Liên (bìa trái)- PGĐ Sở Y tế kiêm Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ Tây Ninh cùng đại diện Tổ chức MSI giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ KHHGĐ tại xã Phước Ninh huyện DMC |
Chương trình này nhằm đạt đến các mục tiêu chính đảm bảo sự bình ổn và tăng cường chất lượng dân số, đó là: tăng cường khả năng tiếp cận biện pháp tránh thai hiện đại cho khách hàng có nhu cầu sử dụng, giúp khách hàng tránh được có thai ngoài ý muốn một cách hiệu quả và lâu dài; cải thiện chất lượng tư vấn và cung cấp các dịch vụ KHHGĐ tại cộng đồng; tăng cường năng lực cho cán bộ giám sát và cán bộ cung cấp dịch vụ KHHGĐ các cấp; khuyến khích sử dụng các biện pháp tránh thai lâu dài và vĩnh viễn, nhất là với dân cư tại các vùng có điều kiện khó khăn, vùng sâu, biên giới.
Đại diện tổ chức MSI, cán bộ của VNCRH và Chi cục Dân số - KHHGĐ Tây Ninh cùng trao đổi thông tin trong buổi giám sát cung cấp dịch vụ tại xã Phước Ninh, huyện DMC |
Trong năm 2010 Tổ chức MSIVN đã hỗ trợ trên 200 triệu đồng cho tỉnh Tây Ninh thực hiện chương trình này. Kết quả đã vận động thực hiện được 112 ca đình sản và 7.049 ca đặt vòng tránh thai. Riêng trong năm 2011, Chi cục Dân số - KHHGĐ và VNCRH phối hợp thực hiện tuyên truyền, vận động và huy động 100 ca triệt sản, 3.000 ca đặt vòng tránh thai.
Được biết, Tổ chức MSI đã triển khai nhiều chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) và KHHGĐ cho người dân ở 48 quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, Tổ chức này đã có mặt vào năm 1989 và hiện đã có 37 chương trình đầu tư tại 37 tỉnh, thành phố góp phần cải thiện tình trạng chăm sóc SKSS một cách tốt nhất cho các đối tượng là phụ nữ ở khu vực nông thôn, thành thị và các khu công nghiệp.
THANH HẠNH