BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vụ án hành chính liên quan đến tranh chấp đất của bà Trần Thị Đỉnh:

Tổ chức phiên họp kiểm tra giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại

Cập nhật ngày: 07/10/2021 - 09:37

BTNO - TAND tỉnh vừa có thông báo đến những người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, UBND TP. Tây Ninh, Chủ tịch UBND TP. Tây Ninh về việc mở phiên họp kiểm tra giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại vào ngày 8.10.2021 của vụ án hành chính số 51/2020/TLST-HC ngày 11.11.2020.

Liên quan đến vụ án hành chính này, TAND tỉnh còn mời bà Đặng Thị Gấm, bà Trần Thị Đỉnh (TP. Tây Ninh) và một số cá nhân khác liên quan đến phần đất tranh chấp giữa gia đình bà Gấm và bà Đỉnh mà trước đây vào năm 2020, TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm tuyên hủy bản án của TAND tỉnh để làm rõ thêm diện tích cưỡng chế, do bà Gấm khởi kiện cho rằng quyết định số 47/QĐ-UBND ngày 11.01.2019 của Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh là trái pháp luật, khi buộc bà giao 1,6m2 đất còn thiếu, với lý do lần cưỡng chế giao đất trước chưa giao đủ theo quyết định giải quyết khiếu nại của UBND tỉnh đã có hiệu lực thi hành.

Theo Thẩm phán Nguyễn Văn Tông, người giải quyết vụ án lần này, lý do để tòa tổ chức phiên họp kiểm tra giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại là “căn cứ vào các Điều 134, 136 của Luật Tố tụng Hành chính, xét thấy vụ án không thuộc trường hợp không tiến hành đối thoại được hoặc trường hợp vụ án khiếu kiện về danh sách cử tri, vụ án xét xử theo thủ tục rút gọn qui định tại các Điều 135, 198 và 246 của Luật Tố tụng hành chính”. Nội dung phiên họp gồm kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và các vấn đề cần đối thoại của người khởi kiện yêu cầu hủy Quyết định số 47/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND TP. Tây Ninh.

Vào năm 1987, giữa gia đình bà Đỉnh và bà Gấm xảy ra tranh chấp 30m2 đất, đến năm 2010, UBND tỉnh ban hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực thi hành. Sau đó, UBND TP. Tây Ninh tiến hành cưỡng chế buộc gia đình bà Gấm giao đất theo quyết định của UBND tỉnh thì bà Đỉnh liên tục khiếu nại, cho rằng UBND TP. Tây Ninh giao đất chưa đủ. Sau đó UBND Thành phố tiến hành đo lại và ban hành quyết định cưỡng chế lần thứ hai vào năm 2019 nhưng bà Gấm không đồng ý và khởi kiện Chủ tịch UBND Thành phố.

Bà Đỉnh phải tham dự 2 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Khi vụ án được thụ lý lần 2, bà Đỉnh đã giao nộp một số tài liệu có liên quan đến vụ án vào những năm 1987 đến nay.

Phiên họp kiểm tra giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại được tổ chức sắp tới sẽ là một trong những cơ sở để HĐXX xem xét kỹ lưỡng khách quan, đúng quy định pháp luật, sớm kết thúc vụ án, sau gần 35 năm tranh chấp giữa hai bên.

Đức Tiến