BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tổ… không điện

Cập nhật ngày: 04/12/2009 - 05:43

Tưởng như cái đèn dầu đã “hoàn thành nhiệm vụ lịch sử” nhưng suốt mấy chục năm qua, nó vẫn gắn bó với người dân.

Suốt hơn 20 năm qua, người dân ở đây vẫn chưa có điện sinh hoạt. Cách nay đã khá lâu, gần 30 hộ dân đồng loạt ký tên vào đơn xin kéo điện gửi lên chính quyền xã và ngành điện lực. Chờ mãi không thấy cơ quan nào trả lời, họ gửi đơn đến Báo Tây Ninh. Đó là chuyện ở tổ 25, ấp Tân Tiến, xã Tân Phú, huyện Tân Châu.

Nghe tin có phóng viên đến tìm hiểu sự việc, nam phụ lão ấu trong tổ kéo đến thật đông. Có bà lão đang hái bí ngoài vườn cũng bỏ dở công việc để được bày tỏ sự bức xúc và nỗi chờ đợi mỏi mòn được thấy ánh sáng điện về nhà.

Ông Nguyễn Văn Thông, tổ trưởng tổ 25 cho biết người dân trong tổ sống bằng nghề nông và đánh bắt thuỷ sản trên sông Tha La. Tuy đời sống còn nghèo nhưng ý thức chấp hành pháp luật của người dân rất tốt. Trong các đợt vận động quyên góp giúp đỡ đồng bào lũ lụt, bà con cũng tích cực hưởng ứng, có người đi làm thuê được mấy chục ngàn cũng trích một số tiền ít ỏi để ủng hộ đồng bào. Con em đến tuổi vẫn lên đường làm nghĩa vụ quân sự. Nói chung, về mặt nghĩa vụ, bà con trong tổ đều bình đẳng trước các tổ khác. Chỉ riêng quyền lợi thì không!

 Ông Huỳnh Văn Lâm năm nay 62 tuổi, sống tại tổ 25 đã được 21 năm. Hơn hai chục năm qua, ông và các con vẫn ngong ngóng chờ ngày có điện. Ông nói: tuy còn nghèo nhưng người dân trong tổ nay cũng đã khá hơn xưa nhiều, có điều vẫn còn “đói” điện lắm. Trong khi đó, chỉ cách tổ 25 có vài trăm mét, đêm đêm ánh điện sáng trưng trông mà tủi! Không có điện, nghĩa là không ti vi, không tin tức, không giải trí, nói chung là vô số cái không. Năm nay ông Lâm đã vào hàng người cao tuổi, ông nói không biết trước khi về với tổ tiên mình có được ngắm ánh điện trong nhà không?

Bà Võ Thị Huy, sinh năm 1955 bày tỏ: mong có điện để phục vụ sản xuất nhằm tiết kiệm chi phí. Nhà có làm mấy công đất nhưng mấy chục năm nay phải dùng máy nổ bơm nước nên chi phí quá cao. Một người khác, chị út Huệ lại mong có điện để cho con cái học hành được thuận lợi. Một cô gái còn rất trẻ lại ước có điện để được tha hồ xem phim khỏi mất công đi xa coi ké ti vi! Cô cho biết thêm: những ngày trong tổ có ma chay cưới hỏi, không có điện thật khổ hết biết. Mấy người bạn của cô đã bỏ đi thành phố làm xí nghiệp, một phần vì ở nhà tối tăm, điện đài không có, buồn không chịu nổi!

Vì chưa có điện nên nhà nông dân phải dùng máy nổ để tưới tiêu vừa tốn kém vừa bất tiện.

Không có điện, người dân ở tổ 25 còn thiếu thốn, thiệt thòi đủ thứ. Đơn giản như chuyện cái điện thoại di động. Có người muốn mua chiếc điện thoại để liên lạc với người thân nhưng sợ mua về xài hết pin biết lấy cái gì mà xạc?! Những người đang dùng thì mua một lúc hai cục pin về dự trữ, khi hết cả hai cục lại mang tới nhà bà con, bạn bè để xạc pin nhờ. “Nhiều khi rất phiền toái, nhưng vì nhu cầu thông tin nên cứ… cài số lì để đi xạc pin nhờ” – một thanh niên bày tỏ. Gần 30 hộ dân nhưng chỉ có được mấy cái giếng khoan dùng máy nổ bơm nước) còn lại đa số đang dùng nước giếng đào.

Vì sao người dân ở một ấp văn hoá lại chưa có điện để dùng?

Trả lời câu hỏi này, ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Tân Phú giải thích: nguyên nhân cơ bản là do chi phí lắp đặt đường dây quá lớn (khoảng 400 triệu đồng) trong khi hiệu quả kinh tế lại thấp, vì số hộ của tổ 25 không nhiều. Mặc dù vậy, trước nguyện vọng chính đáng của người dân, vừa qua UBND xã và Chi nhánh điện lực Tân Châu đã tổ chức khảo sát thực tế. Sau khi khảo sát xong, chính quyền và ngành điện của huyện cũng đã báo lên Sở Công thương. Sở Công thương có văn bản trả lời với nội dung: đồng ý kéo điện vào tổ 25 của ấp Tân Tiến. Tuy nhiên, do chi phí rất lớn nên cơ quan này đang lập dự toán để trình UBND tỉnh xin vốn đầu tư. Nếu mọi việc tiến triển tốt đẹp thì khoảng giữa năm 2010, người dân tổ 25 sẽ có điện để phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

VIỆT ĐÔNG