BAOTAYNINH.VN trên Google News

Toà án ICC: Việc ông Gaddafi bị sát hại là tội ác chiến tranh

Cập nhật ngày: 16/12/2011 - 12:30

Việc cựu Tổng thống Libya Muammar Gaddafi bị lực lượng nổi dậy bắt giữ và sát hại hồi tháng 10 vừa qua có thể xem là một tội ác chiến tranh. Trưởng công tố Toà án hình sự quốc tế ICC, ông Luis Moreno-Ocampo khẳng định như vậy trong một cuộc họp báo mới đây.

Việc ông Gaddafi bị sát hại đã làm dấy lên nghi ngờ có một thế lực nào đó đã ra lệnh “diệt khẩu” vì cựu Tổng thống Libya nắm giữ quá nhiều bí mật có thể gây sóng gió cho không ít cường quốc từng quan hệ với Libya, đặc biệt là Anh và Pháp - 2 quốc gia luôn đi đầu trong cuộc chiến lật đổ chính quyền Gaddafi.

“Tôi nghĩ rằng, cái cách mà ông Gaddafi bị giết đã làm dư luận đặt vấn đề về tội ác chiến tranh. Đó là một điều cực kỳ quan trọng. Chúng tôi đã trình bày những vấn đề này trước Hội đồng chuyển tiếp quốc gia NTC, chính quyền lâm thời tại Libya và họ đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc điều tra toàn diện về những tội ác chiến tranh xảy ra tại nước này” – ông Moreno-Ocampo nói.

Trước áp lực của cộng đồng quốc tế, chính quyền NTC đã phải cam kết tiến hành điều tra về nguyên nhân cái chết của cố Tổng thống Gaddafi và người con trai là Mo'tassim. Hình ảnh quay bằng điện thoại di động của các tay súng nổi dậy được đưa lên mạng Internet đều cho thấy họ còn sống sau khi bị bắt. Cựu Tổng thống Libya đã bị sỉ nhục, bị đánh và tra tấn trước khi chết. Từ hình ảnh một tay súng nổi dậy chỉa súng và vết đạn trên thân thể ông Gaddafi, dư luận cộng đồng quốc tế nghi ngờ ông đã bị các tay súng nổi dậy bắn chết dù chính quyền NTC nhiều lần khẳng định cựu Tổng thống Libya thiệt mạng vì đạn lạc trong một cuộc đọ súng. Hiện một người con khác của ông Gaddafi là Saif al-Islam cũng đang bị cầm tù tại Libya. Chính quyền NTC tuyên bố họ sẽ xét xử Saif al-Islam tại Libya thay vì giao nộp cho ICC theo lệnh truy nã toàn cầu của toà án quốc tế này.

Trưởng công tố ICC Moreno-Ocampo cho biết thêm, ông đang tiến hành điều tra những cáo buộc cho rằng lực lượng nổi dậy Libya và liên quân NATO cũng đã phạm tội ác chiến tranh.

Trưởng công tố ICC Luis Moreno-Ocampo cho rằng, ông Muammar Gaddafi và con trai Saif al-Islam phạm tội ác chiến tranh khi đàn áp cuộc nổi dậy, nhưng việc sát hại ông Gaddafi cũng là một tội ác chiến tranh.

Trước đó, Tổ chức theo dõi nhân quyền HRW có trụ sở tại New York cũng đã yêu cầu NATO tiến hành điều tra những trường hợp dân thường bị giết trong chiến dịch triển khai “vùng cấm bay” kéo dài suốt 8 tháng của NATO trong cuộc nội chiến tại Libya.

Mới đây, trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters, đại sứ chính quyền lâm thời Libya tại Liên Hợp Quốc, ông Ibrahim Dabbashi cho biết, cuộc nội chiến kéo dài từ tháng 2.2011 đến tháng 10.2011 đã làm hơn 40.000 người Libya thiệt mạng. Vị đại sứ Libya khẳng định, cựu Tổng thống Gaddafi là người chịu trách nhiệm đối với những tội ác này. Tuy nhiên, trong thời gian NATO liên tục không kích Libya, chính quyền Gaddafi từng nhiều lần đưa các nhà báo phương Tây và các tổ chức nhân quyền đến chứng kiến những tội ác mà NATO gây ra. Fred Abrahams, đại diện của HRW cũng từng có mặt tại Libya vào thời điểm đó. Vị đại diện của HRW cho rằng phần lớn những trường hợp thiệt mạng vì các cuộc không kích của NATO mà chính quyền Gaddafi cho đó là dân thường lại là binh lính, và cũng không phải tất cả những trường hợp dân thường bị thiệt mạng đều là nạn nhân của NATO. Theo lời ông Fred Abrahams, HRW đã tiến hành điều tra và xác định chỉ có khoảng hơn 50 trường hợp dân thường Libya bị giết là do các cuộc không kích NATO.

HRW – một tổ chức thường rao giảng về nhân quyền và không mấy được tin cậy này cho rằng, cần phải điều tra để xác định chính xác bao nhiêu dân thường là nạn nhân của NATO. “Chúng tôi không cáo buộc họ (NATO) ném bom bừa bãi hay cáo buộc họ phạm tội ác chiến tranh. Mà chúng tôi tin rằng NATO phải có trách nhiệm điều tra những trường hợp trên để ’rút kinh nghiệm và sửa chữa sai lầm’, bằng cách bồi thường chẳng hạn” (!?) - Fred Abrahams nói.

Bất chấp mọi cáo buộc NATO vẫn cho rằng họ “vô tội”, những trường hợp dân thường bị giết rất ít, và nếu có cũng là điều “không thể tránh khỏi” khi quân đội của chính quyền Gaddafi thường ẩn náu trong các khu vực dân cư đông đúc hoặc lẩn vào các trường học.

Một điều mà ai cũng hiểu: Cho dù có tiến hành điều tra những trường hợp dân thường bị thiệt mạng tại Libya do các cuộc không kích của NATO, chắc chắn là ít hơn nhiều so với Afghanistan, rốt cuộc HRW hay thậm chí là Toà án ICC cũng sẽ tỏ vẻ ngậm ngùi mà phán rằng, đó là “tai nạn”.

Đ.H.T

Tổng hợp