BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xét xử phúc thẩm vụ Nguyễn Văn Thông “lợi dụng các quyền tự do dân chủ...”:

Toà án nhân dân tỉnh tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm

Cập nhật ngày: 23/04/2016 - 04:56

Sáng ngày 22.4.2016, TAND tỉnh Tây Ninh đưa vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức công dân” đối với bị cáo Nguyễn Văn Thông ra xét xử phúc thẩm, do bị cáo có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm của TAND huyện Gò Dầu. Được biết, trước đó TAND huyện Gò Dầu đã tuyên bị cáo Thông 3 năm 6 tháng tù giam về tội danh trên theo khoản 2 Điều 258 BLHS.

Bản án sơ thẩm của TAND huyện Gò Dầu ngày 4.3.2016 xác định: Quá trình thực hiện dự án Khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ Phước Đông - Bời Lời (KCN Phước Đông - Bời Lời), bị cáo Nguyễn Văn Thông không đồng ý với các quyết định của UBND huyện Gò Dầu về việc bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất thực hiện dự án nên có nhiều đơn khiếu nại và được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết. Quá trình giải quyết khiếu nại, Thanh tra Chính phủ cũng đã có văn bản chỉ đạo UBND tỉnh rà soát, giải quyết các vụ khiếu nại còn tồn đọng tại địa phương. Năm 2012, Thanh tra Chính phủ và Thanh tra tỉnh cùng các cơ quan liên quan tổ chức đối thoại với bị cáo Thông và 8 hộ dân khác có đất thu hồi. Thanh tra Chính phủ kết luận trình tự, thủ tục thực hiện dự án KCN Phước Đông - Bời Lời đúng quy định pháp luật. Tại buổi đối thoại này, bị cáo Thông không ký tên vào biên bản.

Sau đó, Thanh tra Chính phủ ban hành công văn hướng dẫn ra thông báo chấm dứt giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với bị cáo Thông và các hộ dân có đất thu hồi trong dự án. Sau đó, bị cáo Thông tiếp tục soạn nhiều đơn khiếu nại, tố cáo nêu nhiều sai phạm ở dự án Phước Đông - Bời Lời nhưng những khiếu nại, tố cáo của bị cáo Thông không đúng sự thật. Trong những đơn khiếu nại, tố cáo này, bị cáo Thông ký tên với pháp danh Thiện Trí rồi vận động, lôi kéo nhiều người dân có đất bị thu hồi ký tên vào để đi khiếu nại ở địa phương và Hà Nội.

Bản án sơ thẩm xác định bị cáo Thông là người chủ mưu, tổ chức tuần hành, cầm theo băng-rôn, khẩu hiệu tố cáo Chủ tịch UBND tỉnh sai phạm trong việc bồi thường thu hồi đất, đàn áp người khiếu nại, gian lận tiền bồi thường... Những người dân đi khiếu nại, tố cáo cùng bị cáo Thông đều khai nhận họ ký tên vào đơn và cùng bị cáo Thông đi Hà Nội khiếu nại là do Thông rủ rê, lôi kéo để mong được bồi thường thêm tiền. Trong quá trình khiếu nại, tố cáo, bị cáo Thông còn cung cấp thông tin sai sự thật cho cơ quan báo chí, rồi dùng các bài báo này để kích động, lôi kéo người dân đi khiếu nại ở Hà Nội. Bị cáo Thông còn dùng mạng xã hội để chia sẻ những nội dung không đúng sự thật, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự.

Qua tranh tụng tại phiên toà, bị cáo Thông cũng như các luật sư không phủ nhận các hành vi của bị cáo Thông như bản án sơ thẩm của TAND huyện Gò Dầu đã nêu trên, nhưng cho rằng những hành vi đó không phạm tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức công dân”. Căn cứ vào quá trình tranh tụng và các chứng cứ trong hồ sơ, HĐXX tuyên không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Thông, giữ nguyên án sơ thẩm của TAND huyện Gò Dầu.

Đức Tiến