Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Giới chức Pakistan cho biết, ngày 19.4, Toà án Pakistan đã ra lệnh giam lỏng cựu Tổng thống Pervez Musharraf 2 ngày.

Giới chức Pakistan cho biết, ngày 19.4, Toà án Pakistan đã ra lệnh giam lỏng cựu Tổng thống Pervez Musharraf 2 ngày.
Hình ảnh phát trên truyền hình địa phương cho thấy, lực lượng an ninh, cảnh sát và binh sĩ bán quân sự hộ tống ông Musharraf đến trình diện tại một toà án quận ở thủ đô Islamabad. Tại đây, ông bị phạt giam lỏng tại nhà 2 ngày trước khi bị đưa ra một toà án chống khủng bố. Các luật sư của ông Musharraf nói rằng họ sẽ phản ứng thích hợp với lệnh bắt giữ tại Toà án tối cao.
![]() |
Cựu Tổng thống Pervez Musharraf (giữa) rời khỏi một toà án ở Pakistan. Ảnh: AP |
Cựu lãnh đạo Pervez Musharraf bị cảnh sát bắt giữ vào đêm 18.4 tại nhà của ông ở thủ đô Islamabad. Trước đó, sáng 18.4, ông Musharraf đã chạy trốn khỏi Toà án tối cao ở Islamabad sau khi Chủ toạ Toà án Islamabad- Thẩm phán Shaukat Aziz Siddiqi huỷ bỏ việc bảo lãnh tạm thời đối với ông Musharraf, và ra lệnh bắt giữ ông vì cáo buộc liên quan đến quyết định cách chức và quản thúc tại gia hàng chục thẩm phán cấp cao, khi áp đặt lệnh tình trạng khẩn cấp trong thời gian nắm quyền năm 2007.
Tháng trước, bất chấp nguy cơ bị bắt do hàng loạt cáo buộc và bị phong trào Taliban đe doạ tính mạng, ông Musharraf đã về nước, sau hơn 4 năm sống lưu vong tại Dubai (Các tiểu vương quốc Arập thống nhất - UAE) và London (Anh), để tham gia tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào ngày 11.5 tới.
Tuy nhiên, tham vọng quay lại chính trường tiếp tục sự nghiệp chính trị của cựu Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf dường như đã trở thành “nhiệm vụ bất khả thi” khi cơ hội tham gia tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử, dự kiến diễn ra vào ngày 11.5 tới, đã bị tước mất sau quyết định của toà án bầu cử đưa ra hôm 16.4 cấm ông Musharraf ra tranh cử. Mặc dù vậy, luật sư của cựu Tổng thống Pakistan, ông Ahmed Raza Kasuri tuyên bố sẽ đệ đơn kháng cáo lên Toà án tối cao về việc này.
Được biết, ông Musharraf đã đệ đơn ứng cử tại 4 khu vực bầu cử kể từ khi về nước, nhưng chỉ có khu vực bầu cử huyện Chitral thuộc tỉnh miền Bắc Khyber Pakhtunkhwa chấp thuận đơn ứng cử của ông. Tuy nhiên, các đối thủ của ông Musharraf phản đối quyết liệt việc cho phép ông tham gia tranh cử, buộc toà án bầu cử phải quyết định đưa ra lệnh cấm tham gia tranh cử đối với cựu Tổng thống Musharraf.
Hiện, ông Musharraf còn đang phải đối mặt với các cáo buộc khác, trong đó có tội phản quốc do áp đặt lệnh tình trạng khẩn cấp, âm mưu ám sát cựu Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto năm 2007 và sát hại một thủ lĩnh bộ tộc Baluch năm 2006.
Từ vị trí là Tham mưu trưởng quân đội, ông Musharraf lên làm Tổng thống Pakistan sau cuộc đảo chính đẫm máu năm 1999. Tuy nhiên, đến năm 2008, ông Musharraf phải lần lượt từ bỏ các chức vụ cao nhất là Tổng tư lệnh quân đội và tiếp sau đó là Tổng thống, khi liên minh cầm quyền của ông thất bại trong cuộc bầu cử. Năm 2011, một toà án chống khủng bố của Pakistan đã ra lệnh bắt giữ ông Musharraf vì liên quan đến vụ ám sát cựu Thủ tướng Benazir Bhutto. Ông cũng bị cáo buộc đã ra lệnh cho quân đội tấn công vào một thánh đường Hồi giáo liên quan đến Taliban ở Islamabad năm 2007, khiến hơn 100 người thiệt mạng.
TRINH DƯƠNG
(Tổng hợp)