Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Thời gian qua, phong trào thi đua “Nêu gương sáng, góp phần xoá đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng” của Hội Người cao tuổi ngày càng lan toả, thu hút đông đảo người cao tuổi trong tỉnh tham gia lao động, sản xuất phát triển kinh tế.
Qua đó, xuất hiện nhiều tấm gương người cao tuổi làm kinh tế giỏi, vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng cho mình, gia đình, và giúp ích cho cộng đồng, xã hội.
Nhiều người cao tuổi đã đóng góp thiết thực và hiệu quả trong việc giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, xây nhà cho người nghèo, góp phần thực hiện công tác xoá đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hoá ở địa phương.
Có nhiều người cao tuổi đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi, có lối sống đẹp, cách làm giàu hay, xứng đáng là những cây cao bóng cả nơi làng, xã.
Ông Lê Văn Tới.
Ông Lê Văn Tới, 67 tuổi, ngụ ấp Cây Xoài, xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu là một trong những tấm gương người cao tuổi sản xuất kinh doanh giỏi điển hình. Ông Tới không chỉ được biết đến là người làm kinh tế giỏi, mà còn có tấm lòng nhân ái.
Ông Tới xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo. Năm 23 tuổi, ông lập gia đình. Vợ chồng ông sống chung với ba mẹ. Rồi 6 đứa con của ông lần lượt ra đời, gia đình càng thêm đông. Cuộc sống của cả nhà chỉ dựa vào mấy công ruộng.
Do mảnh ruộng mỗi năm chỉ sản xuất được một vụ lúa nên thu nhập chẳng bao nhiêu, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Vợ chồng ông Tới phải đi làm thuê làm mướn, ai kêu gì làm nấy để kiếm thêm nguồn thu nhập.
Khó khăn là vậy, nhưng vợ chồng ông vẫn cho tất cả các con được đến trường, dù nuôi năm đứa con lần lượt vào đại học là một bài toán khó với vợ chồng ông. Ông Tới tâm sự, ông cố sức lo cho các con được học hành với mong muốn mai này các con sẽ có tương lai tươi sáng hơn, nhận thức cũng được tốt hơn.
Nhân có kênh thuỷ lợi về ngang khu ruộng của gia đình, vợ chồng ông ra sức tăng gia sản xuất, tăng vụ sản xuất. Không có tiền, ông khởi nghiệp chăn nuôi chỉ với một đàn gà. Tích cóp tiền bán gà, ông mua một con bò để nuôi.
Sau nhiều năm cần mẫn chăn nuôi, ông Tới có trong tay hàng trăm con gà và hơn 10 con bò. Lúc đó, đàn bò lại được giá cao, ông Tới thu được một khoản không nhỏ. Công việc chăn nuôi thuận lợi đã giúp cho cuộc sống gia đình ông giảm bớt khó khăn, kinh tế dần ổn định. Tích luỹ được số vốn, ông Tới muốn đầu tư làm một việc gì đó tạo lợi nhuận cao hơn.
Vốn là người nhạy bén, ông nhận thấy nhu cầu vận chuyển mía, mì của nông dân ngày càng cao. Vậy là ông mua một chiếc xe tải để vận chuyển nông sản thuê. Từ công việc này, ông lại kiếm được nguồn thu nhập đáng kể, nhờ đó kinh tế gia đình dần trở nên khấm khá hơn.
Ðiều làm ông an ủi tuổi già nhất là các con của ông đều hiếu thuận với cha mẹ, anh em thuận hoà. Ðể giữ gìn nếp nhà, vợ chồng ông luôn sống mẫu mực, làm gương cho con cháu. Ông Tới là một trong những người cao tuổi có uy tín ở ấp, được người dân yêu mến, tin tưởng.
Mặc dù đã qua thời khốn khó, ông Tới vẫn không quên thuở cơ hàn. Ông khắc ghi lời dạy của ba mẹ rằng khi cuộc sống khá giả thì nên làm việc thiện giúp ích cho đời. Một người đang trong cảnh khổ, có ai đó dang tay giúp đỡ thì nỗi khổ của họ sẽ vơi bớt phần nào.
Thế là, khi cuộc sống ổn định, ông Tới bắt đầu san sẻ với người nghèo khó, tích cực đóng góp cho các hoạt động xã hội, từ thiện. Ðến nay, gia đình ông đã đóng góp xây tặng 9 căn nhà đại đoàn kết, sửa chữa một căn nhà tình thương, tặng 1 con bò cái cho người cao tuổi nghèo khó, đóng góp cho Quỹ Khuyến học và giúp đỡ học sinh nghèo với tổng số tiền trên 600 triệu đồng.
Ông Tới đã hiến đất và bỏ tiền mở rộng, nâng cấp con đường dài 700m ở ấp để giúp người dân đi lại và vận chuyển nông sản được dễ dàng hơn. Và còn nhiều đóng góp nữa của gia đình ông mà một trang báo không kể hết.
Ở cái tuổi xế chiều, vợ chồng ông Tới vẫn giữ thói quen lao động. Do đã có tuổi, ông giao công việc kinh doanh lại cho các con quản lý; vợ chồng ông chọn gắn bó với ruộng vườn, chăn nuôi.
Ông tâm sự: “Bây giờ, vợ chồng già không còn kiếm được nhiều tiền như trước nên chúng tôi làm từ thiện theo khả năng của mình, có bao nhiêu giúp đỡ bấy nhiêu. Mỗi khi giúp được một ai đó, vợ chồng tôi cảm thấy rất vui”.
Một tấm gương sáng “cây cao bóng cả” nữa là bà Trịnh Thị Niêm, 81 tuổi, ngụ tại ấp 4, xã Trà Vong, huyện Tân Biên. Trong căn nhà tường khang trang, bà Niêm vui vẻ kể về những ngày tháng khốn khó đã qua. Vợ chồng bà lập nghiệp bằng nghề nông. Do mảnh ruộng xấu, không có vốn liếng, nên sản xuất gặp không ít khó khăn, hay thua lỗ.
Gia đình đông đúc con cái, khiến cuộc sống lâm cảnh thiếu trước hụt sau. Vợ chồng bà Niêm không cam chịu cảnh đói nghèo, quyết nỗ lực vượt khó vươn lên bằng chính nghề nông. Vợ chồng bà bỏ công cải tạo đất. Mảnh đất ngày nào trở nên màu mỡ, không chỉ trồng lúa mà còn trồng được nhiều loại cây trồng khác.
Vợ chồng bà hết trồng lúa, lại trồng mì, mía. Ðể giảm bớt chi phí thuê mướn nhân công, vợ chồng bà làm lụng cả ngày lẫn đêm. May mắn, lúc ấy mì, mía liên tục được giá, vợ chồng bà có nguồn thu nhập ổn định.
“Có đất không sợ đói”, với quan niệm ấy, vợ chồng bà Niêm tích luỹ tiền mua đất. Không có tiền mua đất màu mỡ, vợ chồng bà mua ruộng xấu giá rẻ, rồi bỏ công cải tạo lại chúng. Thấy người ta trồng cây cao su, vợ chồng bà cũng bắt chước trồng thử. Sau nhiều năm thấp thỏm chờ đợi, vườn cao su của gia đình bà Niêm cũng cho mủ, đem lại nguồn thu nhập đáng kể. Bà mạnh dạn tăng diện tích đất trồng cao su.
Trời không phụ người chịu khó, theo năm tháng, bà Niêm đã có trong tay hơn 30 mẫu ruộng. Nhờ tích cực tăng gia sản xuất, gia đình bà trở nên khá giả. Bà Niêm tâm sự, lao động nhiều khiến đôi tay của bà qua năm tháng trở nên chai sần, thô ráp, rám nắng. Nhưng bà hiểu không có thành công nào không có mồ hôi, nước mắt.
Ở tuổi ngoài 80, bà Niêm vẫn còn khoẻ mạnh, nhanh nhẹn. Với bà, lao động là đam mê, niềm vui tuổi già. Hiện giờ bà vẫn sát cánh, phụ hợ các con trông coi ruộng đồng. Thấm thía những ngày khó khăn, bao năm qua, bà Niêm luôn giúp đỡ người nghèo, đóng góp tiền cho các hoạt động xã hội, từ thiện ở địa phương. Bà không nhớ mình đã cho đi bao nhiêu, nhưng với bà, được cho đi, được san sẻ với người cần giúp đỡ, đó là điều hạnh phúc.
CHÂU PHA