Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Viện Kiểm sát chấp nhận yêu cầu phản tố của bà Hồng, đề nghị tuyên bố ông Tùng không còn là thành viên Công ty TNHH Việt Dương TN, buộc ông Tùng chuyển số tiền 10 tỷ 580 triệu đồng (do bà Hồng đã góp vốn) vào tài khoản Công ty TNHH Việt Dương TN.
Mới đây, ngày 15.6.2017, TAND tỉnh đưa vụ án “Tranh chấp thành viên công ty với người quản lý” (được thụ lý vào ngày 28.11.2016) ra xét xử. Theo thông báo thụ lý vụ án, ông Đặng Thanh Tùng- thành viên Công ty TNHH Việt Dương Tây Ninh có đơn khởi kiện yêu cầu Toà án tuyên huỷ hợp đồng góp vốn ngày 10.6.2014 giữa ông Tùng và bà Đỗ Xuân Hồng- Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH Việt Dương Tây Ninh. Nội dung vụ án được thẩm phán chủ toạ phiên toà cho biết như sau:
Ông Đặng Thanh Tùng và đại diện hợp pháp trình bày rằng, ông Tùng là Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Việt Dương, ngành nghề kinh doanh chủ yếu là trồng và chăm sóc rừng, vốn điều lệ 30 tỷ đồng.
Ngày 10.6.2014, ông Tùng ký hợp đồng góp vốn với bà Hồng để tiến hành chuyển đổi Công ty TNHH MTV Việt Dương thành TNHH Việt Dương TN và thay đổi vốn điều lệ tăng lên 100 tỷ đồng (trong đó, ông Tùng góp 30%, bà Hồng góp 70%).
Theo biên bản hợp đồng góp vốn, sau khi hoàn thành việc đăng ký thay đổi đăng ký kinh doanh, hai bên tiến hành góp vốn với tổng mức ban đầu là 14 tỷ đồng (ông Tùng góp 30% tương đương 4,2 tỷ đồng, được tính bằng dự án trồng rừng bán ngập hồ Dầu Tiếng, vì dự án đã được hình thành trước khi bà Hồng ký hợp đồng góp vốn, bà Hồng góp 70% tương đương 9,8 tỷ đồng).
Tính đến ngày 11.11.2015, bà Hồng góp được hơn 10 tỷ 319 triệu đồng. Ngày 11.11.2015, ông Tùng, bà Hồng lập biên bản thoả thuận hợp tác kinh doanh, bà Hồng sẽ tiếp tục chuyển số tiền hơn 74 tỷ 620 triệu đồng vào công ty, tăng tổng số tiền góp vốn của bà Hồng lên 85%.
Theo đó, bà Hồng chỉ chuyển được 200 triệu đồng, sau bà không thực hiện nghĩa vụ chuyển tiền như đã thoả thuận. Ông Tùng và đại diện hợp pháp yêu cầu Toà án không công nhận tư cách thành viên công ty của bà Hồng với lý do bà không góp đủ vốn như đã thoả thuận.
Tại biên bản hoà giải, ông Tùng đồng ý trả lại cho bà Hồng 10 tỷ 580 triệu đồng. Tuy nhiên, trong biên bản phản tố và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên toà sơ thẩm, bà Hồng và người đại diện hợp pháp không đồng ý với yêu cầu của nguyên đơn đòi trả lại số tiền 10 tỷ 580 triệu đồng.
Bà Hồng cũng không đồng ý việc ông Tùng hợp tác kinh doanh góp vốn bằng dự án trồng rừng bán ngập hồ Dầu Tiếng (trị giá 30 tỷ đồng).
Bà Hồng còn trình bày thêm rằng, theo hợp đồng, quy định ông Tùng góp vốn ban đầu là 4,2 tỷ đồng nhưng ông Tùng không góp. Các bên còn ký biên bản hợp tác kinh doanh nhằm tăng tỷ lệ góp vốn của bà Hồng lên 85%.
Sau đó, bà Hồng đại diện Công ty TNHH Việt Dương TN ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà để thực hiện dự án trồng rừng bán ngập.
Khi bà Hồng về đến Công ty TNHH Việt Dương TN yêu cầu ông Tùng giao hồ sơ liên quan việc thực hiện dự án- trong đó có giấy phép đăng ký kinh doanh, phát hiện ông Tùng giả mạo chữ ký của bà, nộp hồ sơ thay đổi giấy phép kinh doanh lần thứ 12 và 13, thay đổi việc góp vốn điều lệ của ông Tùng từ 30% lên thành 70%, bà Hồng chỉ còn 30%, ông Tùng trở thành Chủ tịch hội đồng thành viên.
Bà Hồng đề nghị Toà án giải quyết, tuyên bố ông Tùng không còn là thành viên công ty, do không thực hiện cam kết góp vốn. Đồng thời bà yêu cầu ông Tùng chuyển số tiền 10 tỷ 580 triệu đồng từ tài khoản cá nhân ông Tùng vào tài khoản Công ty TNHH Việt Dương TN.
Tại phiên toà, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh không chấp nhận yêu cầu huỷ hợp đồng góp vốn của ông Tùng, đề nghị đình chỉ xét xử đối với yêu cầu huỷ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần thay đổi thứ 14 ngày 1.11.2016 cho Công ty TNHH Việt Dương TN. Viện Kiểm sát chấp nhận yêu cầu phản tố của bà Hồng, đề nghị tuyên bố ông Tùng không còn là thành viên Công ty TNHH Việt Dương TN, buộc ông Tùng chuyển số tiền 10 tỷ 580 triệu đồng (do bà Hồng đã góp vốn) vào tài khoản Công ty TNHH Việt Dương TN.
Trên cơ sở hồ sơ và lời trình bày của các bên tại phiên toà, Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận định rằng, Công ty TNHH MTV Việt Dương đăng ký lần đầu ngày 8.10.2008, ngành nghề kinh doanh chủ yếu là trồng rừng, chăm sóc rừng, đăng ký thay đổi lần thứ 10 ngày 24.4.2014, vốn điều lệ là 30 tỷ đồng.
Nhưng thực tế Công ty TNHH MTV Việt Dương không có tài sản cũng như không có vốn tại ngân hàng. Công ty chỉ có văn phòng giao dịch tại số 62, Lê Duẩn, phường 3, thành phố Tây Ninh, là văn phòng thuê. Ngày 10.6.2014, ông Tùng, bà Hồng ký hợp đồng góp vốn, chuyển đổi Công ty TNHH MTV Việt Dương thành Công ty TNHH Việt Dương TN, có vốn điều lệ 100 tỷ đồng.
Về đơn khởi kiện yêu cầu toà án huỷ hợp đồng góp vốn ngày 10.6.2014, Toà nhận định, hợp đồng trên do các bên tự nguyện ký kết, phù hợp quy định pháp luật, có giá trị pháp lý nên không chấp nhận yêu cầu của ông Tùng. Về yêu cầu tuyên bố bà Hồng không còn là thành viên của Công ty TNHH Việt Dương TN, Toà tuyên không chấp nhận yêu cầu này của ông Đặng Thanh Tùng, nhưng chấp nhận yêu cầu phản tố của bà Hồng, tuyên bố ông Tùng không còn là thành viên của Công ty TNHH Việt Dương TN.
Toà nhận định, ông Tùng cho rằng dự án trồng rừng bán ngập hồ Dầu Tiếng có vốn 100 tỷ đồng, nhưng giá trị dự án trên chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, việc góp vốn như trên là không phù hợp với Luật Doanh nghiệp.
Trong khi đó, bà Hồng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ góp vốn theo hợp đồng góp vốn ngày 10.6.2014, đồng thời đã làm thủ tục đăng ký kinh doanh, được Sở Kế hoạch và Đầu tư Tây Ninh cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 17.6.2014 lần thứ 11.
Mặt khác, bà Hồng đã góp vốn và tiếp tục góp vốn thực hiện dự án trên thực tế. Số tiền 10 tỷ 580 triệu đồng bà Hồng góp vốn vào công ty, ông Tùng thừa nhận là tiền góp vốn dự án, thực hiện công việc của công ty, nên HĐXX chấp nhận yêu cầu của bà Hồng, buộc ông Tùng chuyển trả số tiền trên vào tài khoản Công ty TNHH Việt Dương TN- hiện nay do bà Hồng làm Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty.
ĐỨC TIẾN