Pháp luật   Bạn đọc

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thông tin tiếp về vụ án xã Thạnh Tân, TP Tây Ninh:

Toà phúc thẩm xác định các bị cáo nguyên cán bộ xã không oan

Cập nhật ngày: 28/09/2015 - 03:13

Quang cảnh toà phúc thẩm tuyên án.

Vào đầu tháng 5.2015, TAND thành phố Tây Ninh đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Bùi Ngọc Tùng 12 tháng tù về tội “tham ô tài sản”, 8 tháng tù về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, tổng hợp hình phạt đối với bị cáo Tùng là 20 tháng tù, Hội đồng xét xử (HĐXX) cũng ghi nhận bị cáo Tùng đã chấp hành xong hình phạt tù và cấm bị cáo Tùng đảm nhiệm chức vụ trong thời hạn 5 năm.

Tuyên phạt bị cáo Lê Phước Hồng 6 tháng 15 ngày tù và bị cáo Nguyễn Thị Hương 6 tháng 11 ngày tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ”, HĐXX ghi nhận bị cáo Hồng và Hương đã chấp hành xong hình phạt tù.

Tuyên phạt bị cáo Phạm Ngọc Hạt và Trần Thị Thuý Lan mỗi bị cáo mức án 1 năm 3 tháng 17 ngày tù về tội “tham ô tài sản”, HĐXX sơ thẩm cũng ghi nhận Hạt và Lan đã chấp hành xong hình phạt tù, không áp dụng hình phạt bổ sung với các bị cáo Hương, Hồng, Hạt và Lan.

Đồng thời còn buộc các bị cáo trong vụ án phải nộp lại khoản tiền thu lợi bất chính, thất thoát thuế Nhà nước, phí chứng thực. Sau phiên toà sơ thẩm, các bị cáo trong vụ án kháng cáo cho rằng mình không phạm tội.

Theo hồ sơ vụ án, năm 2007 tại UBND xã Thạnh Tân, vì động cơ tư lợi cá nhân, Bùi Ngọc Tùng– nguyên Chủ tịch UBND xã cùng các cán bộ xã là Phạm Ngọc Hạt, nguyên kế toán và Trần Thị Thuý Lan, nguyên thủ quỹ xã, là những người có chức vụ, quyền hạn trong việc quyết toán ngân sách Nhà nước, đã cùng nhau lập khống hồ sơ, nâng giá trị hợp đồng xây dựng – sửa chữa để chiếm đoạt số tiền chênh lệch 3.372.481 đồng chia nhau tiêu xài cá nhân.

Trong tháng 12.2007, Tùng, Hạt và Lan dùng hồ sơ đã quyết toán để tiếp tục quyết toán lần 2 tại Kho bạc Nhà nước lấy số tiền 18 triệu đồng nhưng chưa chiếm đoạt thì bị phát hiện.

Riêng Bùi Ngọc Tùng, với vai trò là Chủ tịch UBND xã Thạnh Tân và là chủ tài khoản của xã đã thiếu trách nhiệm trong lĩnh vực tư pháp và thuế để cán bộ dưới quyền thực hiện hành vi vi phạm và hành vi phạm tội, gây hậu quả thiệt hại cho người dân tổng số tiền hơn 115 triệu đồng, gây thất thoát thuế phải thu cho Ngân sách Nhà nước 38 triệu đồng (làm tròn số).

Trong lĩnh vực tài chính, Tùng thiếu kiểm tra trong việc thu, chi gây thất thoát tiền Ngân sách Nhà nước hơn 70 triệu đồng. Ngoài ra, hành vi thiếu trách nhiệm của Tùng còn gây mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, gây mất đoàn kết nội bộ, gây dư luận xấu trong quần chúng nhân dân… như báo chí đã nhiều lần phản ánh.

Đối với Nguyễn Thị Hương, nguyên là nhân viên hợp đồng chức danh cán bộ tư pháp – hộ tịch xã và Lê Phước Hồng, nguyên cán bộ Hội Chữ thập đỏ xã, năm 2007 đã cấu kết với nhau, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ nhận uỷ quyền của nhiều người dân đi làm thủ tục liên quan quyền sử dụng đất, làm trái công vụ thu lợi bất chính gây thiệt hại cho Nhà nước và cá nhân.

Trong đó, Hương thu lợi bất chính hơn 27 triệu đồng, Hồng thu lợi bất chính hơn 69 triệu đồng. Hương và Hồng đã gây thiệt hại cho Nhà nước với tổng số tiền thất thu thuế hơn 31 triệu đồng, tiền thất thu phí chứng thực 1,1 triệu đồng.

Tại phiên toà sơ thẩm, Tùng, Hạt, Hương, Lan, Hồng đều không thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố, cũng như yêu cầu Hội đồng xét xử tuyên bố các bị cáo không phạm tội.

Căn cứ vào kết quả tranh luận tại toà, chứng cứ hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử sơ thẩm nhận định, dù các bị cáo Tùng, Hạt, Hương, Lan, Hồng không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng có đủ cơ sở và căn cứ để kết luận các bị cáo Bùi Ngọc Tùng phạm tội “tham ô tài sản” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, bị cáo Phạm Ngọc Hạt và Trần Thị Thuý Lan phạm tội “tham ô tài sản”, bị cáo Nguyễn Thị Hương và Lê Phước Hồng phạm tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Tuy nhiên, các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, như có nhiều thành tích trong công tác, khắc phục hậu quả trong quá trình điều tra… nên Toà đã tuyên phạt các mức án như trên.

 Tại phiên toà phúc thẩm, HĐXX cho rằng, đối với bị cáo Hương, tuy không nằm trong biên chế và không được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm một chức danh tiêu chuẩn riêng, nhưng Hương và UBND xã Thạnh Tân- cơ quan Nhà nước đã hợp đồng để làm một công việc thường xuyên nhất định, trong một thời gian nhất định.

Hương được bị cáo Tùng giao nhiệm vụ tạm thời thay cán bộ tư pháp xã đang đi học tiếp nhận hồ sơ chứng thực trong giờ hành chính. Đến hết giờ, cán bộ tư pháp về lại UBND xã, xem xét hồ sơ do Hương tiếp nhận để tham mưu trình lãnh đạo UBND xã ký xác nhận chứng thực…

Hơn nữa, Hương thực hiện hành vi phạm tội trong khi thi hành công vụ chứ không phải ngoài phạm vi thi hành công vụ nên thuộc trường hợp phạm tội của người giữ chức vụ.

Đối với bị cáo Hồng, tuy là Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Thạnh Tân, là người có chức vụ quyền hạn nhất định nhưng khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo hoàn toàn không có lợi dụng chức vụ, quyền hạn của người đang giữ chức vụ.

Việc nhận uỷ quyền của nhiều người dân để thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất cũng không liên quan gì đến chức vụ mà Hồng đang giữ, nhưng việc làm này đã thể rõ sự cấu kết giữa bị cáo Hồng và bị cáo Hương, gây ra một hậu quả chung và nhằm đạt được một động cơ chung, đó là vì vụ lợi, kể cả vì động cơ cá nhân khác nên bị cáo Hồng phải chịu trách nhiệm hình sự đồng phạm với bị cáo Hương về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”…

Do đó TAND cấp sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Thị Hương và Lê Phước Hồng về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là có căn cứ, không oan.

Đối với tội “tham ô tài sản”, bị cáo Bùi Ngọc Tùng, Phạm Ngọc Hạt và Trần Thị Thuý Lan, HĐXX phúc thẩm cho rằng, có đủ cơ sở kết luận bị cáo Hạt đã làm giả chứng từ nâng giá trị quyết toán công trình sửa chữa trụ sở UBND xã lên cao để cùng đồng phạm hưởng số tiền chênh lệch hơn 3 triệu đồng.

Bị cáo Tùng là Chủ tịch UBND xã, đồng thời là chủ tài khoản của xã, trong quá trình công tác thông qua việc sửa chữa hạng mục văn phòng UBND xã. Khi lập hồ sơ quyết toán với kho bạc Nhà nước, Tùng cho rằng mọi việc đều do kế toán Hạt thực hiện nên trách nhiệm thuộc về kế toán.

Kết quả kiểm tra chứng từ có trong hồ sơ vụ án thể hiện, chính Tùng đã trực tiếp ký các chứng từ hợp đồng giao khoán, biên bản thanh lý, bản đề nghị thanh toán, phiếu chi nên buộc Tùng phải biết việc làm sai trái của kế toán Hạt trong việc nâng giá trị quyết toán lên cao nhằm cùng đồng bọn hưởng số tiền chênh lệch.

Toà cấp sơ thẩm xét xử bị cáo Bùi Ngọc Tùng đồng phạm trong tội “tham ô tài sản” là không oan. Tương tự đối với bị cáo Trần Thị Thuý Lan, sau khi xem xét các chứng cứ vụ án, HĐXX phúc thẩm cho rằng có đủ cơ sở buộc bị cáo Lan phải cùng chịu trách nhiệm với Tùng, Hạt về tội “tham ô tài sản”…

Do đó toà án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo Bùi Ngọc Tùng, Phạm Ngọc Hạt và Trần Thị Thuý Lan về tội “Tham ô tài sản” là có căn cứ, không oan.

Riêng đối với tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, HĐXX phúc thẩm cho rằng, bị cáo Bùi Ngọc Tùng với cương vị là Chủ tịch UBND xã Thạnh Tân, đã thiếu trách nhiệm trong lĩnh vực tư pháp để cho cán bộ dưới quyền thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Cụ thể bị cáo Hương bị xét xử về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Ngoài ra trong lĩnh vực tài chính, Tùng còn thiếu kiểm tra việc thu, chi làm thất thoát ngân sách xã hơn 70 triệu đồng. Bên cạnh đó, hành vi thiếu trách nhiệm của Tùng còn gây ra hậu quả phi vật chất như dân mất lòng tin đối với cán bộ công chức xã, nội bộ mất đoàn kết, tạo dư luận xấu…

Do đó HĐXX cấp phúc thẩm bác toàn bộ nội dung kháng cáo kêu oan của các bị cáo Tùng, Hương, Hồng, Hạt và Lan; sửa một phần bản án sơ thẩm về phần án phí dân sự sơ thẩm, theo đó bị cáo Hương và bị cáo Hạt không phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm.

NGHĨA NHÂN