Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Thời gian qua, ngoài việc tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách giảm nghèo của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành các văn bản quy định về chính sách, chế độ giảm nghèo đặc thù trên địa bàn tỉnh, trong đó HĐND tỉnh ban hành 10 nghị quyết và UBND tỉnh ban hành 9 quyết định.
Một hộ có hoàn cảnh khó khăn ở Tân Châu (ảnh minh hoạ)
Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chỉ đạo các cấp uỷ đảng, chính quyền thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tối đa tái nghèo và phát sinh nghèo; tạo điều kiện tốt nhất để người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các nguồn lực và các dịch vụ xã hội cơ bản để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống của người dân; tạo sự chuyển biến tích cực, toàn diện trong công tác giảm nghèo, thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo của Tỉnh.
Theo kết quả rà soát việc thực hiện các chỉ tiêu giảm nghèo, cuối năm 2012, toàn tỉnh có 13.696 hộ nghèo và hộ cận nghèo (7.308 hộ nghèo, 6.388 hộ cận nghèo) chiếm tỷ lệ 4,89% so với tổng số hộ.
Đến cuối năm 2015, số hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm xuống còn 4.354 hộ (2.395 hộ nghèo, 1.959 hộ cận nghèo) chiếm tỷ lệ 1,49%, đạt chỉ tiêu theo Kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh giai đoạn 2013-2015 là còn dưới 2%.
Trong giai đoạn 2016-2020, phương pháp đo lường nghèo chuyển đổi từ đơn chiều sang đa chiều. Theo kết quả tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo chung của toàn tỉnh (nghèo, cận nghèo) đầu giai đoạn là 4,32%.
Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh còn lại 2.502 hộ cận nghèo, tỷ lệ 0,79%, giảm 3,53% (hộ nghèo giảm 2,10%, hộ cận nghèo giảm 1,43%). Như vậy, ở thời điểm này, Tây Ninh đã không còn hộ nghèo chuẩn Trung ương.
Qua kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng chính sách giai đoạn 2022-2025, toàn tỉnh có 5.804 hộ, tỷ lệ 1,81%. Trong đó, có 2.064 hộ nghèo, tỷ lệ 0,64%; có 3.740 hộ cận nghèo, tỷ lệ 1,17%.
Thời gian qua, việc tiếp cận tín dụng ưu đãi của hộ nghèo có những hạn chế nhất định trong việc xác định phương hướng sản xuất và hiệu quả kinh tế - xã hội.
Chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, người nghèo, địa bàn nghèo còn dàn trải trong khi nguồn lực hạn chế nên hiệu quả chưa cao, nhất là các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng thời, còn nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp cho không đối với hộ nghèo nên chưa khuyến khích người nghèo tự vươn lên, phát sinh tư tưởng trông chờ, ỷ lại của một bộ phận người nghèo.
An Khang