Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tháng bảy, tháng Vu lan. Những ai còn mẹ, xin hãy làm một việc có ý nghĩa dâng lên mẹ
Tôi là bác sĩ. Bảy năm học đại học y khoa, hai năm theo chuyên khoa rồi thạc sĩ, rồi mất thêm vài năm nữa đạt học vị tiến sĩ y khoa. Sau cùng, tôi vào làm ở một bệnh viện lớn tại thành phố.
Mải mê với công việc, tôi chưa bao giờ biết mệt mỏi. Tôi bị cuốn hút vào việc chăm sóc, điều trị bệnh nhân và những sáng tạo y học cùng với những chuyến đi nước ngoài, những đợt hội thảo khoa học y học thế giới... mà quên cả ngày tháng và hạnh phúc riêng tư.
Mới đó mà đã gần năm mươi. Khi bất chợt gặp những sợi tóc bạc nằm chen trong mái tóc tôi mới giật mình. Ô! Hoá ra mình đã sắp già rồi... Tôi đã quên mất tôi, nhưng điều quan trọng hơn là tôi đã quên mất tôi còn có một mẹ già. Tôi giao việc chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ với cọc tiền hằng tháng cho đứa em trai ở quê. Thế là xong. Tôi chưa từng hỏi han, chưa từng biết mẹ tôi muốn gì. Tôi là bác sĩ nên tôi cần lo những việc lớn lao hơn chăng (!?).
Tin nhắn của thằng em trai ở quê nhà mấy hôm trước làm tôi bàng hoàng nhớ ra mình còn có một người mẹ. Không hiểu sao tôi cứ bồn chồn không tập trung được vào công việc. “Anh hai, đã mấy năm rồi anh không về nhà. Mẹ nhớ anh. Anh sắp xếp công việc về thăm nhà vài ngày đi. Sức khoẻ của mẹ gần đây không ổn lắm. Dường như có căn bệnh gì đó trong người nên mẹ cứ uống thuốc giảm đau mà không chịu đi chữa trị...”. Mấy hôm sau tôi mới xin phép được vài ngày tức tốc bay về quê.
Ngồi bên mẹ, nhìn mẹ nằm thiêm thiếp, xác thân gầy như que củi, hơi thở mệt nhọc tôi cảm thấy nao nao. Tôi trách thằng em: “Mẹ đau nặng quá sao em không cho anh hay sớm?”.
Mẹ chợt mở mắt lên tiếng: “Thằng Hai mới về đó hả? Mẹ không cho em con báo tin đó. Mẹ không sao đâu, con đừng lo. Mẹ thường xuyên như vậy nhưng chỉ uống vài liều thuốc đau nhức là khỏi. Con có bệnh gì không, sao trông ốm o và hốc hác quá? Để mẹ bảo thằng Ba làm vài món ăn mà con thích bồi dưỡng cho. Mẹ nghe em con nói thời gian này con bận rộn lắm, làm việc nhiều được người ta khen... Mẹ mừng, nhưng phải giữ gìn sức khoẻ và lo lập gia đình đi”.
Tôi rơi nước mắt không kiềm chế được:
- Mẹ! Mẹ!... Con không bệnh hoạn gì đâu. Con sẽ đưa mẹ đi điều trị bệnh. Mẹ đừng chịu đựng một mình nữa. Con là bác sĩ giỏi mà...
Cuối cùng rồi tôi cũng thuyết phục được mẹ tôi đi làm các xét nghiệm, chụp cản quang sinh thiết. Kết quả hội chẩn làm anh em tôi chỉ biết ôm nhau khóc. Mẹ tôi đã bị ung thư gan giai đoạn cuối, đã di căn sang các nội tạng khác, cuộc sống chỉ kéo dài không quá sáu tháng.
* * *
Tôi quyết định nghỉ việc đưa mẹ về nhà chăm sóc.
Đêm đêm nằm bên mẹ, ôm xác thân gầy gò của mẹ mà nước mắt không ngừng chảy. Tôi là bác sĩ giỏi nhưng làm sao kéo dài sự sống của mẹ đây? Tôi chỉ biết làm giảm những cơn đau quằn quại của mẹ. Có lúc tôi thầm thì hỏi mẹ muốn ăn gì con mua nhưng mẹ cứ lắc đầu: mẹ không muốn ăn gì đâu, con đừng bận tâm. Phải rồi, từ trước đến giờ mẹ có khi nào muốn cái gì cho mình đâu. Cả một cuộc đời lam lũ, gồng gánh oằn vai, cầu sương điếm cỏ, ăn mắm mút dòi... để nuôi con. Chưa bao giờ mẹ dành cái gì cho riêng mình. Đôi khi tỉnh táo, mẹ nhìn tôi: sao con không về làm việc đi? Ở nhà có em con lo cho mẹ được rồi. Mẹ không sao đâu...
Rồi cũng đến ngày anh em tôi đưa mẹ về nghĩa trang. Ngồi bên ngôi mộ mẹ mới đắp trong buổi chiều tà tôi cứ cảm thấy bàng hoàng, bơ vơ, lạc lõng...
* * *
Sau đám tang, ông giám đốc bệnh viện yêu cầu tôi đi làm lại nhưng tôi từ chối. Tôi quyết định tổ chức một nhóm y, bác sĩ khám bệnh từ thiện. Tôi vận động các mạnh thường quân tài trợ và vận động các y, bác sĩ giỏi nhiệt tình tham gia. Mỗi tháng một hai lần tôi tổ chức khám, chữa bệnh từ thiện cho bà con ở vùng xa xôi hẻo lánh.
Có tiếp xúc với bà con nghèo, tay chân sần sùi, tóc da cháy nắng... tôi mới hiểu tại sao mẹ tôi muốn tôi là bác sĩ. Mẹ tôi không hề biết một chữ như nhiều bà mẹ vùng sâu bây giờ nhưng bà có một tấm lòng bồ tát. Tôi nhớ bà đã nói: mẹ muốn con làm bác sĩ để giúp đỡ bà con nghèo. Mẹ sẽ cố gắng bằng mọi cách để nuôi con...
Công việc bận rộn làm tôi vơi đi nỗi buồn, nỗi nhớ mẹ, cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn. Chắc là mẹ tôi hài lòng lắm...
THIÊN HUY