BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tội nghiệp cúm núm

Cập nhật ngày: 20/11/2009 - 08:45
Chuẩn bị “hoá kiếp” cúm núm.

Bạn tôi rủ đến nhà chơi, sẽ đãi món đặc sản vùng quê và kèm theo lời hứa bảo đảm từ nhỏ tới giờ tôi chưa từng thưởng thức. Nghe cũng hấp dẫn, tôi quyết định thử một chuyến xem sao. Đến nơi, bạn tôi vào nhà xách ra khoe một chùm chim cúm núm vừa mua được.

Đúng là từ trước tới nay, tôi chỉ biết loài chim này qua sách, báo, thơ, văn, phim, ảnh, chứ chưa một lần được cầm trên tay. Thử bắt một con cúm núm lên xem, tôi mới phát hiện chúng quá hiền lành và quá dễ thương. Nó không kêu la, không mổ cắn, thân hình no tròn, mềm mại, bộ lông vàng xám mượt mà rất đẹp.

Khi nhìn thấy cảnh làm thịt mấy con chim hiền lành này tôi mới thật sự thấy tội nghiệp cho chúng. Theo cách làm từ xưa tới nay, người ta cứ đem con cúm núm còn sống mà nhổ lông. Nhổ đến đâu, thấy da nó rướm máu đến đó. Tôi tự hỏi trong lòng chắc là nó đau lắm? Vậy mà nó “gan” thật, không “kêu la”, hay phản kháng gì cả. Khi nhổ lông xong, các con cúm núm (vẫn còn sống) bị đem đi thui lửa cho trụi lông tơ. Đến lúc này, tôi phải quay mặt sang chỗ khác, không còn can đảm đứng nhìn, con vật tội nghiệp giãy chết rẹt rẹt trên bếp lửa.

Cúm núm là một loài chim nước, sinh sống theo các cánh đồng. Thức ăn của chúng chủ yếu là cào cào, cá và các loại côn trùng khác. Chúng thường động dục và sinh sản vào mùa lúa chín. Đến mùa này, chúng thường phát ra tiếng kêu “cúm núm, cúm núm” và hay di cư từ cánh đồng này sang cách đồng khác để tìm bạn tình. Vì vậy, đây là thời điểm người ta dùng bẫy, lưới, thuốc độc hoặc đèn (ban đêm) để đánh bắt. Ở Tây Ninh, hằng năm, cứ khoảng tháng 8, tháng 9 âm lịch là thấy một số người tay xách từng chùm chim cúm núm đi bán dạo hoặc bày bán ở các chợ.

Tìm hiểu trong các tài liệu về động vật hoang dã, chim cúm núm không thuộc loại quý hiếm. Tuy nhiên, các nhà bảo vệ động vật vẫn lên tiếng kêu gọi mọi người hãy giữ gìn, bảo vệ loài chim nước này. Nếu vẫn săn bắt bừa bãi như hiện nay thì trong tương lai loài cúm núm sẽ bị tiêu diệt và sẽ dẫn đến mất cân bằng sinh thái tự nhiên.

THẢO NGUYÊN