Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tokyo “vật vã” với nạn hút thuốc nơi công cộng trước thềm Olympic
Thứ sáu: 02:05 ngày 19/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Thủ đô Tokyo (Nhật) đang có nguy cơ trở thành thành phố chủ nhà Olympic “kém lành mạnh” nhất trong nhiều năm qua do thói quen hút thuốc lá nơi công cộng.


Người Nhật hút thuốc lá trước một cửa hiệu bán thuốc lá tại Tokyo. Ảnh: REUTERS

Theo Reuters, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) và các tổ chức nước ngoài đang gây sức ép buộc thủ đô Nhật ra lệnh cấm hút thuốc lá tại tất cả các địa điểm công cộng trước thềm Olympic mùa hè 2020 nhằm tạo ra một môi trường thể thao lành mạnh

Tuy nhiên dự luật cấm hút thuốc trong các địa điểm khép kín của Bộ Y tế Nhật đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của các chính trị gia hút thuốc, chủ các nhà hàng và đặc biệt từ tập đoàn Japan Tobacco. Chính phủ Nhật nắm 30% cổ phần công ty này. Năm 2015, Japan Tobacco đóng góp 700 triệu USD tiền thuế vào ngân sách nhà nước. 

“Sợ khách hàng không đến quán”

Trước sự phản đối dữ dội, Bộ Y tế Nhật đã thu hẹp đề xuất, cho phép hút thuốc tại các địa điểm rộng ít nhất 30 m2, có hệ thống thông hơi đầy đủ. Dù vậy, những người phản đối vẫn cho rằng dự luận này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhà hàng, xâm phạm tự do cá nhân và là cú đòn giáng vào doanh thu từ thuốc lá, vốn đem lại cho nền kinh tế Nhật 2.000 tỷ yen (18 tỷ USD) vào năm 2014-2015.

Bà Natsuko Takami là chủ một quán rượu ở Tokyo, đủ nhỏ để cho phép khách hàng hút thuốc theo dự luật mới. Bà lo ngại cơ sở kinh doanh này sẽ lỗ vốn vì không đủ tiền lắp hệ thống thông hơi mới. Nếu không đáp ứng quy định này, quán rượu của bà sẽ bị phạt tới 500.000 yen nếu để khách hàng hút thuốc. Người hút thuốc cũng sẽ bị phạt 300.000 yen.

“Tôi sợ khách hàng sẽ không đến quán nữa” - bà Takami lo lắng. Bà giải thích rằng việc hút thuốc và uống rượu là thói quen giúp nhiều người Nhật thư giãn.


Trước một nhà hàng tại Tokyo có đặt thông báo cho phép hút thuốc. Ảnh: REUTERS

Ủy ban Y tế của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền tuyên bố không họp với các quan chức Bộ Y tế vì cho rằng dự luật mới vẫn là quá nghiêm khắc. Mà dự luật rất cần sự ủng hộ của LDP để được trình lên Quốc hội.

Chủ tịch Ủy ban y tế LDP Naomi Tokashiki thừa nhận cần phải có luật để bảo vệ những người hút thuốc thụ động, nhưng vẫn cho rằng cần giữ gìn bản sắc văn hóa tôn trọng người khác của người dân Nhật. “Người Nhật luôn chu đáo và quan tâm đến mọi người. Hãy đặt niềm tin rằng người hút thuốc sẽ chú ý, không để ảnh hưởng tới người khác, thay vì ra một luật hà khắc như vậy” - bà Tokashini nói.

15.000 người chết mỗi năm vì hút thuốc thụ động

Nhưng Bộ Y tế khẳng định điều ngược lại. Thống kê cho thấy mỗi năm ở Nhật có 15.000 người thiệt mạng vì hút thuốc thụ động, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

“Đây không phải là vấn đề ứng xử. Ảnh hưởng của thuốc lá đối với sức khỏe là rất lớn - một quan chức Bộ Y tế nhấn mạnh - Chúng ta đã để cho người dân tự do hút thuốc và tình hình không có gì thay đổi. Đã đến lúc cần phải làm điều gì đó”.

Giới quan sát cho rằng khó có khả năng dự luật sẽ được bỏ phiếu tại kỳ họp Quốc hội Nhật lần này, sẽ kết thúc vào ngày 18-6 tới.

Khoảng nửa thế kỷ trước, có tới 50% người Nhật hút thuốc. Tỷ lệ này hiện đã giảm xuống còn 18% và các khu vực hút thuốc bị thu hẹp đáng kể. Tuy nhiên, luật kiểm soát thuốc lá có sự khác biệt ở các tỉnh thành và ngay cả ở các khu vực trong thủ đô Tokyo. Mức phạt đối với hành vi phạm luật kiểm soát thuốc lá là khá nhẹ.

Một luật thông qua năm 2003 “khuyến khích” các nhà hàng, nơi công cộng chia riêng khu vực hút thuốc và cấm hút thuốc, tuy nhiên không đề ra mức phạt. Người ta vẫn có thể hút thuốc bên ngoài trường học và bệnh viện. Trong tòa nhà Bộ Y tế Nhật vẫn có máy bán thuốc lá. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Nhật xếp hạng chót trên toàn cầu xét về độ nghiêm khắc của luật chống thuốc lá.

Những tranh cãi

Giới quan sát nhận định vấn đề này  có thể ảnh hưởng tới hình ảnh toàn cầu của Nhật khi quốc gia Đông Á đang nỗ lực thu hút du khách quốc tế. Rất nhiều du khách từ châu Âu và Bắc Mỹ đã rất quen với lệnh cấm hút thuốc trong các địa điểm khép kín.

“Một bài báo gần đây mô tả Nhật là thiên đường cho người hút thuốc và cá nhân tôi chắc chắn không muốn nhận biệt danh đó - ông Douglas Bettcher, giám đốc chống bệnh không truyền nhiễm của WHO, khẳng định - Đó không phải là một ấn tượng tốt, đặc biệt khi Nhật đang chuẩn bị tổ chức Olympic 2020”.

Nghị sĩ LDP Toshiharu Furukawa, một bác sĩ, cho biết nhiều chính trị gia đã đề xuất lệnh cấm hút thuốc tạm thời tại Olympic. Ông cũng xác nhận một số nghị sĩ rất lo ngại với việc giảm nguồn thu ngân sách từ thuốc lá trong thời điểm dân số đóng thuế của Nhật đang giảm sút.

“Thuốc lá là nguồn thu ngân sách rất quan trọng - ông đánh giá - Một số nghị sĩ là người hút thuốc, người khác được các tổ chức nông dân trồng thuốc lá và các công ty thuốc lá ủng hộ”.

Người phát ngôn Japan Tobacco Masahito Shirasu tuyên bố công ty này chia sẻ sự quan ngại về tình trạng hút thuốc thụ động, nhưng cho rằng đề xuất của Bộ Y tế là quá hà khắc.

Trong khi đó, Hiệp hội Thực phẩm và đồ uống quốc gia (80.000 thành viên) đề nghị để các nhà hàng, địa điểm giương biển ghi rõ vị trí nào được hút thuốc, vị trí nào không và để cho khách hàng tự quyết định.

“Chỉ 18% người dân hút thuốc, nhưng tỷ lệ người hút thuốc trong các nhà hàng nhỏ lên tới 50%. Chúng ta phải chăm sóc họ” - ông Tetsuro Kojo, chủ tịch Hiệp hội, khẳng định.

Dư luận Nhật có quan điểm khá chia rẽ về vấn đề này. Khảo sát của báo Asahi Shimbun cho thấy gần 65% người được hỏi ủng hộ dự luật cấm hút thuốc. Trong khi đó, khảo sát của báo Sankei Shimbun cho kết quả chỉ 37%.

Ông Kazuo Hasegawa, một nạn nhân 46 tuổi mắc bệnh ung thư phổi năm 2010 vì hút thuốc thụ động, cho rằng áp lực liên quan đến Olympic là rất quan trọng để chính phủ thông qua luật cấm hút thuốc. “Đây là vấn đề không thể giải quyết chỉ bằng chuyện ứng xử. Không có áp lực từ bên ngoài, Nhật sẽ không thay đổi” - ông nhấn mạnh. 

Thời gian qua, WHO đã hợp tác với IOC để đảm bảo các địa điểm tổ chức tranh tài Olympic hoàn toàn vắng bóng khói thuốc. Dù vậy, Phó chủ tịch IOC John Coates thừa nhận cơ quan này không thể thực thi lệnh cấm hút thuốc ở phạm vi bên ngoài các địa điểm thi đấu và làng Olympic.

Trước thềm Olympic Rio 2016, Brazil ra lệnh cấm hút thuốc ở các địa điểm khép kín. Các lệnh cấm tương tự cũng được đưa ra tại Olympic mùa đông 2010 ở Vancouver, Canada và Olympic mùa hè 2012 tại London, Anh.

Ở Nga, thành phố Sochi chỉ ra lệnh cấm hạn chế tại Olympic mùa đông 2014, nhưng ban hành lệnh cấm rộng rãi vài tháng sau đó. Bắc Kinh cũng cấm tạm thời ở Olympic mùa hè 2008 và ban hành lệnh nghiêm ngặt hơn vào năm 2015 khi tổ chức giải vô địch thể thao World Championships. 

Nguồn TTO (theo REUTERS)

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục