Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hội thi Sáng tạo khoa học và kỹ thuật tỉnh Tây Ninh lần thứ 11 năm 2018-2019:
Tôn vinh những nỗ lực sáng tạo từ thực tiễn
Thứ hai: 07:38 ngày 16/12/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hội thi tiếp nhận 129 giải pháp dự thi (tăng 11,72% so với hội thi lần thứ 10). Ban tổ chức đã chọn 29 giải pháp để trao giải, gồm 2 giải Nhì (không có giải Nhất), 12 giải Ba và 15 giải Khuyến khích.

“Máy thu hoạch mía cắt khúc” (giải Nhì) - tác giả Trần Quốc Hải - Trần Quốc Thanh (Suối Dây - Tân Châu).

Hội thi Sáng tạo khoa học và kỹ thuật (KH&KT) tỉnh Tây Ninh được tổ chức 2 năm/lần nhằm khuyến khích và phát huy tinh thần lao động sáng tạo của mọi tổ chức, cá nhân và đông đảo quần chúng trong quá trình nghiên cứu, lao động, sản xuất và học tập. Tính đến năm 2019, Tây Ninh đã tổ chức 11 kỳ hội thi, qua đó nhiều giải pháp đã được ứng dụng, mang lại hiệu quả thiết thực trong thực tiễn, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Hội thi lần thứ 11 năm 2018-2019 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì tổ chức, với sự phối hợp của Sở Khoa học và Công nghệ, Liên đoàn Lao động tỉnh, Tỉnh đoàn và các sở, ban, ngành khác. Hội thi tiếp nhận 129 giải pháp dự thi (tăng 11,72% so với hội thi lần thứ 10). . Ban tổ chức (BTC) đã chọn 29 giải pháp để trao giải, gồm 2 giải Nhì (không có giải Nhất), 12 giải Ba và 15 giải Khuyến khích.

Lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông có 11 giải pháp dự thi, đạt 2 giải Ba và 1 giải Khuyến khích. Số lượng giải pháp dự thi ở lĩnh vực này tăng gấp đôi (11/5) so với hội thi trước và phong phú hơn về mặt đề tài, tuy rằng hầu hết đều là ứng dụng CNTT trong giảng dạy. Giải pháp “Bộ điều khiển tự động nhà yến” (giải Ba) của anh Bùi Phước Vinh (Doanh nghiệp KH&CN Trà Hoàn Ngọc 7 Nga Tây Ninh, xã Phan, huyện Dương Minh Châu) là sáng tạo xuất phát từ nhu cầu thực tế của một người nuôi chim yến.

Thiết bị quản lý các thông số nhà nuôi chim yến được kết hợp từ các thiết bị điện tử và lập trình công nghệ để có thể theo dõi và thay đổi thông số thông qua giao diện trên điện thoại hoặc máy tính có kết nối internet hoặc 3G, 4G; chi phí lắp đặt, sửa chữa rẻ, tiết kiệm và đơn giản, dễ dàng; thể hiện tính hiện đại và phù hợp định hướng phát triển nông nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0- mà ở đó người nông dân có thể ứng dụng CNTT tăng hiệu quả kinh tế để quản lý, chăm sóc cánh đồng, vườn cây, trang trại...

Các tác giả đoạt giải thưởng cao, có giải pháp được chọn dự thi “Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 15 2018-2019”.

Giải pháp “Xây dựng ứng dụng hoạt động trên hệ điều hành Android giúp người dùng khi gặp nạn” (giải Ba) của Ths. Hoàng Huy Thắng (Trường THPT Lê Hồng Phong) và Ths. Trang Hồng Linh (Trường THPT Hoàng Văn Thụ) là sáng tạo có tính tự động cao, áp dụng được các công nghệ mới như hệ điều hành Android, tích hợp Google Map, ứng dụng Accelerometer (giám sát hoạt động người dùng), giúp người dùng cầu cứu người thân (theo danh sách đã được cài đặt) một cách nhanh nhất thông qua một cú nhảy (nếu người dùng bị khống chế) hoặc một cú té ngã (khi người dùng bị ngất xỉu, tai biến); thiết bị có thể triển khai rộng rãi ở bất cứ nơi nào mà người dùng đang sử dụng thiết bị di động hoạt động trên hệ điều hành Android, giúp người dùng hạn chế được những hậu quả do tai nạn gây ra vì được ứng cứu kịp thời, nhanh chóng.

Lĩnh vực cơ khí tự động hoá, xây dựng, giao thông vận tải có 31 giải pháp dự thi, đoạt 9 giải gồm 1 giải Nhì, 5 giải Ba và 3 giải Khuyến khích. Dù có nhiều giải pháp dự thi và đạt giải cao, nhưng chỉ tập trung ở mảng cơ khí tự động hoá (không có xây dựng và giao thông vận tải), hầu hết là những cải tiến, sáng chế thiết bị phục vụ nông nghiệp. Nhiều tập thể tác giả đoạt giải cao ở lĩnh vực này từng đoạt giải ở những kỳ hội thi trước như Phạm Văn Hùng (Cơ sở cơ khí Tư Hùng - Tân Châu), Trần Quốc Hải (Cơ sở cơ khí Trần Quốc Hải - Tân Châu), Nguyễn Văn Dũng (xã Long Giang, Bến Cầu), Lê Văn Hường (xã Truông Mít, Dương Minh Châu), Trung tâm Khoa học và Công nghệ…

“Máy thu hoạch mía cắt khúc” (giải Nhì) của anh Trần Quốc Hải và Trần Quốc Thanh là giải pháp đạt hiệu quả cao đối với địa phương có diện tích trồng mía lớn như tỉnh Tây Ninh. Máy có công suất 80 tấn/8 giờ (tương đương 80 công nhân thu hoạch thủ công), chặt sát gốc và phun lá trả lại cho mặt ruộng. Máy có giá thành rẻ và phù hợp với thu nhập của nông dân (2 tỷ đồng/máy so với máy nhập là 5 tỷ đồng/máy), chi phí thu hoạch giảm hơn 5,5 triệu đồng/ha.

Đặc biệt máy được thiết kế phù hợp với những cánh đồng mía ở Việt Nam (hàng cách hàng 0,9m - 1m, máy nhập khẩu hàng cách hàng từ 1,2m - 1,4m). Sáng tạo này đã thể hiện trí tuệ của những nhà sáng chế không chuyên Tây Ninh, vì máy thu hoạch mía được thế giới xếp vào loại thiết bị công nghệ cao.

Giải pháp “Dàn gieo hạt” (giải Ba) của anh Phạm Văn Hùng có tính năng 4 trong 1 (rọc rãnh, bỏ hạt, lấp, bón phân lót) và hoàn toàn tự động trong quá trình sử dụng (trừ quá trình cấp liệu), bảo đảm tính thời vụ và giải quyết khó khăn về nhân công, giảm thiểu tối đa tổn thương hạt giống và đặc biệt là đáp ứng nhu cầu cơ giới hoá cho những diện tích gieo trồng lớn.

Giải pháp “Máy phân lường thức ăn tự động cho ba ba” (giải Ba) của Phan Hữu Trí và Đỗ Hoàng Phúc (xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu) thiết kế đơn giản, dễ sử dụng, tiết kiệm chi phí thuê nhân công, quản lý được định lượng thức ăn cho ba ba. Tất cả hoạt động của máy được điều khiển trên điện thoại thông minh, áp dụng được rộng rãi đối với các hồ nuôi ba ba, tiết kiệm chi phí, công lao động.

“Dàn gieo hạt” (giải Ba) - tác giả Phạm Văn Hùng (Tân Phú - Tân Châu).

Mô hình “Máy xúc lúa” (giải Ba) của Huỳnh Thanh Ngô (xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng) sử dụng động cơ điện để thay thế sức người, chủ động được thời gian xúc lúa vào bao, không phụ thuộc vào nhân công, thi công nhanh, giảm giá thành sản phẩm, từ đó làm tăng tính cạnh tranh nông sản khi đưa ra thị trường. Ngoài ra, máy này còn thuận lợi trong việc di chuyển và bảo vệ sức khoẻ cho nông dân, tránh được bụi và các chất bẩn khác trong quá trình phơi và cho lúa vào bao.

Mô hình “Máy sấy nông sản thực phẩm thương hiệu Ánh Dương sử dụng năng lượng mặt trời” (giải Ba) của Trần Hải Anh (Công ty cổ phần máy móc thiết bị Ánh Dương - Dương Minh Châu) sử dụng năng lượng mặt trời kết hợp bộ truyền dẫn môi chất dẫn nhiệt, bảo đảm máy sấy vẫn có nhiệt để sấy trong những ngày thời tiết không có nắng và sấy được cả ban đêm, giảm lượng điện tiêu thụ góp phần bảo vệ môi trường; sử dụng được tối đa nguồn năng lượng xanh và sạch cho công nghệ sấy một cách tiết kiệm, hiệu quả.

Giải pháp “Tời cuốn và thu hồi dây cáp” (giải Ba) của nhóm tác giả thuộc Điện lực Tân Châu (Lê Tấn Đạt, Đoàn Thanh Tài, Lữ Đức Đạo) sử dụng bơm thuỷ lực thông qua motor thuỷ lực, bánh răng truyền động để thu hồi dây, rút ngắn thời gian thi công, khôi phục lưới điện nhanh chóng, giảm thời gian mất điện kéo dài trên diện rộng, tăng năng suất lao động, giảm chi phí, bảo đảm an toàn lao động khi thi công; đặc biệt là có thể áp dụng cho ngành viễn thông và các ngành khác có công tác thu hồi dây.

Nông, lâm, thuỷ sản, tài nguyên và môi trường là lĩnh vực tập trung nhiều giải pháp nhất nhưng có ít giải thưởng nhất với đa số tác giả là nông dân. Với 53 giải pháp dự thi, 5 giải pháp đoạt giải (1 giải Nhì, 4 giải Khuyến khích), hầu hết đều được nông dân sáng tạo từ thực tiễn lao động sản xuất. Giải pháp “Quy trình sản xuất nấm mối đen hữu cơ” (giải Nhì) của Lê Thanh Liêm (xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu) là mô hình trồng nấm mối đen đầu tiên của tỉnh mang tính sáng tạo và hiệu quả, được sản xuất theo tiêu chuẩn nấm sạch, không sử dụng phân hoá học, không thuốc trừ sâu và thuốc tăng trưởng, sản xuất theo một quy trình khép kín với kỹ thuật xử lý cao; qua đó mang lại năng suất cao, chất lượng sạch, bảo đảm dinh dưỡng và là nguồn lợi kinh tế cao cho trang trại trồng nấm mối đen.

Lĩnh vực giáo dục và đào tạo có 24 giải pháp dự thi, đoạt 9 giải thưởng, gồm 4 giải Ba và 5 giải Khuyến khích. Các giải pháp dự thi được tuyển chọn từ sáng kiến cấp ngành của các trường trong tỉnh. Trong đó, giải pháp “Phát triển khả năng ứng dụng toán tiểu học vào thực tiễn thông qua hoạt động trải nghiệm cho học sinh khối 5” (giải Ba) của tác giả Nguyễn Thị Thuỳ Dương (Trường tiểu học Đỗ Tất Nhiên - Châu Thành) định hướng dạy học gắn lý thuyết với thực hành, tăng cường các hoạt động trải nghiệm, vận dụng kiến thức vào thực tế các hoạt động trải nghiệm cho học sinh với mục tiêu chủ yếu là ứng dụng kiến thức toán tiểu học vào các ngành nghề phổ biến ở địa phương.

Lĩnh vực tổ chức - quản lý là lĩnh vực mới được Ban tổ chức chọn đưa vào nhằm góp phần nâng cao chất lượng cải cách tổ chức quản lý. Có 7 giải pháp tham gia ở lĩnh vực này, đoạt 1 giải Ba và 2 giải Khuyến khích, hầu hết của ngành Giáo dục. Với lực lượng giáo viên đông đảo ở các cấp học, thi đua có vai trò quan trọng trong phong trào “Dạy tốt - Học tốt”, thì giải pháp “Xây dựng tiêu chuẩn thi đua các cấp học ngành Giáo dục và Đào tạo theo luật, nghị định và các văn bản mới hướng dẫn thi hành” (giải Ba) của nhóm tác giả thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo (Phạm Bình Tứ, Dương Văn Sáu, Trương Công Thức) là cần thiết và hữu ích.

“Tời cuốn và thu hồi dây cáp” (giải Ba) - nhóm tác giả Điện lực Tân Châu.

Căn cứ chất lượng, nội dung và khả năng ứng dụng của các giải pháp đoạt giải, BTC hội thi đã xét chọn 9 giải pháp tham dự hội thi toàn quốc lần thứ 15 (2018-2019), gồm 2 giải pháp thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, 5 giải pháp thuộc lĩnh vực cơ khí tự động hoá và 2 giải pháp thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo (chưa có kết quả từ BTC hội thi toàn quốc).

Bà Dương Thị Thu Hiền, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Trưởng BTC hội thi cho biết: “Hội thi Sáng tạo KH&KT góp phần tôn vinh xứng đáng những nỗ lực lao động sáng tạo của các nhà khoa học, nhà sáng chế không chuyên tỉnh nhà. Qua đó, Tây Ninh đã đoạt được nhiều giải thưởng KH&CN có quy mô khu vực và toàn quốc, thậm chí là giải thưởng cao (giải Nhì, giải Ba). Chúng tôi hy vọng với nhiều giải pháp có chất lượng ở hội thi lần này, Tây Ninh sẽ có nhiều đề tài, giải pháp đoạt giải tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc do Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức”.

ThS. Lê Ngọc Hoà

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục