Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tổng doanh thu bán hàng bình ổn trên 375 tỷ đồng
Thứ hai: 07:17 ngày 24/06/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Kế hoạch bình ổn thị trường một số mặt hàng thiết yếu được UBND tỉnh phê duyệt gồm 2 nhóm hàng.

Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về bình ổn thị trường một số mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (từ ngày 1.7.2023 đến 31.3.2024), các cơ quan quản lý Nhà nước đã chủ động kiểm soát giá cả hàng hoá, đề ra các biện pháp nhằm góp phần bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu trên cơ sở tham gia của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại trong việc tạo nguồn hàng, dự trữ, phân phối, bán ra thị trường các mặt hàng với giá ổn định.

Kế hoạch bình ổn thị trường một số mặt hàng thiết yếu được UBND tỉnh phê duyệt gồm 2 nhóm hàng: nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu với 8 mặt hàng là gạo; đường; dầu ăn; thịt gà; thịt heo; trứng gà; rau, củ, quả; nước chấm và nhóm hàng nhiên liệu gồm: xăng, dầu diesel, dầu hoả và gas.

Theo Sở Công Thương, trên cơ sở theo dõi, nắm chắc nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh, đơn vị phối hợp các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch chuẩn bị và cung ứng hàng hoá phù hợp, bảo đảm bình ổn giá cả thị trường; đôn đốc các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, đa dạng, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động cung ứng hàng hoá ra thị trường; không để xảy ra tình trạng khan hiếm, sốt hàng, tăng giá đột biến.

Sở Tài chính phối hợp các sở, ngành khảo sát giá cả thị trường, thẩm định hồ sơ đăng ký giá của doanh nghiệp, xác định giá bán của chương trình phải bảo đảm thấp hơn giá thị trường ít nhất từ 5%-10% (so với cùng loại sản phẩm, cùng quy cách, chất lượng). Đơn vị cũng thường xuyên theo dõi, nắm chắc diễn biến giá cả thị trường; thực hiện điều chỉnh giá theo đề nghị của doanh nghiệp hoặc chủ động yêu cầu doanh nghiệp giảm giá bán khi giá thị trường giảm hơn 5%.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện lập danh sách các đơn vị chăn nuôi, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm có nguồn hàng ổn định và vận động đăng ký tham gia hoặc giới thiệu đến các đơn vị, từ đó đưa các mặt hàng vào tham gia chương trình bình ổn. Đồng thời chủ động phát triển hệ thống sản xuất, chăn nuôi, tạo nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu ổn định, cung ứng cho thị trường Tây Ninh.

Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường tự cân đối nguồn vốn của mình, dự trữ các mặt hàng đăng ký bình ổn thị trường và lập kế hoạch bán hàng lưu động đến vùng sâu, vùng xa và các khu, cụm công nghiệp để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Theo Sở Công Thương, có 11 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn với tổng doanh thu bán hàng bình ổn nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu của các doanh nghiệp khoảng 375,55 tỷ đồng, giảm 19,5% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có 108 chợ/78 xã, phường, thị trấn đang hoạt động (kể cả chợ tạm, chợ bán 1 buổi sáng hoặc 1 buổi chiều), 13 siêu thị, 1 trung tâm thương mại, 11 cửa hàng bán thực phẩm an toàn, 60 cửa hàng Bách Hoá Xanh, 5 cửa hàng Vinmart và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại hoạt động ổn định, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân những tháng cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Người tiêu dùng mua hàng hoá tại Siêu thị Go! Hoà Thành.

Riêng nhóm hàng nhiên liệu, trên địa bàn tỉnh hiện có 401 cửa hàng xăng dầu có sức chứa khoảng 36.090 m3, mức dự trữ thường xuyên khoảng 24.060 m3, được bố trí đều khắp 9 huyện, thị xã và thành phố. Trong đó, Công ty Xăng dầu Tây Ninh có 115 cửa hàng trực thuộc với mức dự trữ thường xuyên khoảng trên 65 m3/cửa hàng, công ty đã có phương án dự trữ khoảng 4.000 m3 xăng dầu tại các cửa hàng (bình quân khoảng 12 ngày bán). Công ty cổ phần Xăng dầu dầu khí Tây Ninh với mức dự trữ 4.230 m3 xăng dầu tại kho xăng dầu ở thị xã Hoà Thành và các cửa hàng xăng dầu trực thuộc.

Siêu thị Co.opMart Tây Ninh, Co.opMart Tân Châu, Co.opMart Gò Dầu, Co.opMart Châu Thành, Co.opMart Dương Minh Châu và Co.opMart Tân Biên đã thực hiện 54 chuyến bán hàng lưu động với tổng doanh thu khoảng 392 triệu đồng, tăng 95,2% so với cùng kỳ. Ngoài ra, Công ty TNHH xuất nhập khẩu - thương mại - công nghệ - dịch vụ Hùng Duy thực hiện các chuyến bán hàng đến vùng sâu, vùng xa hằng ngày bình quân 27 chuyến, với tổng doanh thu khoảng 2,1 tỷ đồng/ngày.

Theo Sở Công Thương, tuy đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng một số khó khăn hiện nay là các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng thiết yếu trong chương trình bình ổn thị trường tại Tây Ninh không nhiều, số lượng doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình bình ổn ít. Tại các huyện vùng sâu có địa bàn rộng lớn, mật độ dân cư thấp, điều kiện vận chuyển khó khăn... làm chi phí đầu tư mở cửa hàng cũng như lưu thông hàng hoá tăng cao. Công tác phát triển mạng lưới, hệ thống phân phối, điểm bán hàng bình ổn giá của các doanh nghiệp tại các huyện, vùng sâu, vùng xa, các khu, cụm công nghiệp còn khó khăn.

Trong thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục xây dựng kế hoạch bình ổn thị trường một số mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh và Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 (từ ngày 1.7.2024 đến ngày 31.3.2025) trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện, theo hướng mở rộng thêm mặt hàng bình ổn; kêu gọi các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh tham gia vào kế hoạch.

Đơn vị cũng phối hợp các sở, ngành liên quan tổ chức các chương trình giao thương, kết nối giữa các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối hàng hoá nhất là các mặt hàng thiết yếu tham gia bình ổn thị trường đến tay người tiêu dùng ở vùng sâu, vùng xa, các khu, cụm công nghiệp; gắn kết thường xuyên với các cơ quan thông tin truyền thông để tuyên truyền rộng rãi, kịp thời, chính xác các chủ trương, chính sách của tỉnh, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân trong quá trình thực hiện chương trình bình ổn thị trường.

Trúc Ly

Báo Tây Ninh
Liên kết hữu ích
Tin cùng chuyên mục