Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể 

Cập nhật ngày: 24/04/2019 - 20:45

BTNO - Sáng 24.4, Tỉnh uỷ Tây Ninh tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13/2002 của BCH Trung ương Đảng (khoá IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Nguyễn Minh Tân chủ trì hội nghị. Đến dự còn có ông Phạm Mạnh Cường- Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp Văn phòng Chính phủ cùng đại diện các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh HTX Việt Nam.

Ông Nguyễn Minh Tân- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ phát biểu tại hội nghị.

Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 13, tính đến ngày 31.12.2018, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 108 tổ hợp tác đăng ký hoạt động theo Nghị định số 151/2007/NĐ-CP, với gần 2.000 thành viên, doanh thu bình quân khoảng 350 triệu đồng/tổ hợp tác/năm.

Cùng thời gian đó, có 106 HTX thành lập mới, giải thể 51 HTX kém hiệu quả, hiện trên địa bàn tỉnh có 115 HTX, 5 chi nhánh Liên hiệp HTX với tổng vốn điều lệ hơn 222,7 tỷ đồng (tăng 56 HTX và tăng 45 lần về vốn so với năm 2003).

Tổng giá trị tài sản của các HTX ước đạt trên 7.159 tỷ đồng (tăng hơn 50 lần so với năm 2003). Trong đó, có 71 HTX hoạt động lĩnh vực nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp, 16 HTX thương mại – dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp, 10 HTX giao thông vận tải, 18 quỹ tín dụng nhân dân, với hơn 31.563 xã viên, gần 6.914 lao động thường xuyên, tỷ lệ cán bộ quản lý HTX đã qua đào tạo đạt gần 50%.

Hoạt động của các HTX có sự chuyển biến, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống nông dân và lao động khu vực nông thôn. Gắn việc phát triển kinh tế tập thể với việc thực hiện các tiêu chí trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng đời sống văn hoá nông thôn ngày càng phát triển.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Nghị quyết còn có một số hạn chế, như hệ thống quản lý về kinh tế tập thể còn bất cập, các chủ trương, chính sách chưa được triển khai đầy đủ do chưa phù hợp với điều kiện thực tế địa phương; thiếu nguồn nhân lực quản lý nhà nước về kinh tế tập thể.

Các chính sách về ưu đãi, hỗ trợ cho các HTX theo Luật HTX năm 2012 trên thực tế chưa nhiều, thậm chí một số chính sách chưa thực hiện được hoặc thực hiện chưa hiệu quả, như chính sách hỗ trợ về kết cấu hạ tầng, chính sách về hỗ trợ tín dụng, chế biến sản phẩm…

Đa số các HTX ít vốn, trang thiết bị lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ, chưa xây dựng được chuỗi liên kết, lợi ích kinh tế trực tiếp do HTX mang lại cho các thành viên chưa nhiều…

Ông Phạm Mạnh Cường- Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp VP Chính phủ phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Mạnh Cường- Vụ trưởng vụ Nông nghiệp Văn phòng Chính phủ ghi nhận và đánh cao thành quả phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Tây Ninh trong 15 năm thực hiện Nghị quyết 13/2002 của BCH Trung ương Đảng (khoá IX).

Thay mặt Chính phủ, ông Phạm Mạnh Cường yêu cầu Tỉnh uỷ, UBND tỉnh tiếp tục triển khai quán triệt Nghị quyết 13 cùng với các Chỉ thị của Ban Bí thư, Bộ Chính trị và Chính phủ về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, để người dân hiểu rõ về chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tập thể góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Bên cạnh đó, ông Phạm Mạnh Cường cho rằng, việc Tây Ninh thu hút thành công các doanh nghiệp lớn về chế biến các sản phẩm nông sản thì cần phải xây dựng các vùng nguyên liệu phục vụ hoạt động của các doanh nghiệp này. Đồng thời xây dựng chuỗi sản xuất, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm của người nông dân.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Nguyễn Minh Tân yêu cầu các cấp uỷ và chính quyền địa phương trong tỉnh cần tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa những nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể gắn với xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác triển khai thực hiện Luật HTX năm 2012 và các chính sách hỗ trợ HTX theo quy định pháp luật; đưa nội dung đánh giá tình hình phát triển kinh tế hợp tác, HTX vào báo cáo nhiệm kỳ đại hội Đảng các cấp.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ kinh tế tập thể phát triển với nhiều hình thức có hiệu quả bền vững. Tăng cường hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc, kịp thời nắm bắt tình hình hoạt động của HTX, có biện pháp hỗ trợ, tư vấn cụ thể, huy động nguồn lực thực hiện tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị.

Xây dựng và nhân rộng các HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị, hỗ trợ các HTX về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Hỗ trợ bồi dưỡng, đào tạo cán bộ HTX xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể; củng cố và kiện toàn bộ máy quản lý của Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể các cấp từ tỉnh, huyện và xã. Trong đó, Liên minh HTX tỉnh thực hiện nhiệm vụ liên quan đến quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kinh tế tập thể.

Đối với các HTX và Liên hiệp HTX, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ yêu cầu thực hiện 2 nhiệm vụ: các HTX phải chủ động tăng quy mô, năng suất, chất lượng và hiệu quả hoạt động; công khai, minh bạch trong huy động nguồn lực của các thành viên và thị trường để nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm cung ứng đầy đủ vật tư, dịch vụ đầu vào, công nghệ chế biến và xúc tiến thương mại, ký kết hợp đồng với các thành viên và doanh nghiệp.

Tiếp tục nâng cao năng lực quản trị HTX, huy động nguồn lực từ thị trường đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao trong HTX.

Minh Dương