Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sở NN&PTNT:

Tổng kết công tác kiểm tra việc chấp hành quy định về khai thác thủy sản trong hồ Dầu Tiếng 

Cập nhật ngày: 01/01/2021 - 09:47

BTNO - Tỉnh Tây Ninh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm chấn chỉnh tình trạng đánh bắt cá kiểu tận diệt trong lòng hồ Dầu Tiếng.

Chiều 31.12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức tổng kết công tác tuyên truyền, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về thủy sản trong hồ Dầu Tiếng năm 2020.

Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng- Phước Hòa, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh, Công an, Phòng NN&PTNT 2 huyện Tân Châu và Dương Minh Châu, cùng các đơn vị chức năng thuộc Sở.

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, năm 2020 Sở đã tích cực tổ chức các đợt ra quân nhằm lập lại trật tự khai thác, đánh bắt cá trái phép trong lòng hồ Dầu Tiếng, đồng thời tuyên truyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản…

Lồng xếp bị ngành chức năng tịch thu tại xã Tân Thành.

Theo đó, Sở thành lập 3 đoàn, với 30 lượt kiểm tra các hoạt động đánh bắt cá, mua bán, tiêu thụ thủy sản có nguồn gốc khai thác trái phép trong hồ Dầu Tiếng thuộc địa bàn huyện Dương Minh Châu và huyện Tân Châu.

Kết quả, đoàn công tác phát hiện, lập biên bản, bàn giao UBND huyện Tân Châu xử lý 7 phương tiện đang neo đậu tại bến, trên các phương tiện tàng trữ 703 cái lồng xếp. Tạm giữ, chờ xử lý 2.000m lưới đăng, 4.700m lưới bén, 1.400m lưới đớn, 1 tay lưới xanh, 1.137 cái lồng xếp, 235 bộ lưới dớn, 17 tay lưới nhủi, 3 càng chích điện, 68 cái túi dớn, 26 cái lờ bóng, khoảng 500m lưới kéo có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định; cắt bỏ 40 dây quay vó đang lén lút khai thác thuỷ sản.

Bên cạnh đó, Sở cũng đã phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Công an Tây Ninh và các địa phương tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về việc cấm đánh bắt, mua bán, vận chuyển thuỷ sản và các hành vi tàng trữ, sử dụng các loại ngư cụ cấm để khai thác thuỷ sản trong hồ Dầu Tiếng theo Quyết định số 32/2020/QĐ-UBND của UBND tỉnh.

Hiện có khoảng 1.000 hộ dân (thuộc địa phận 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước), với khoảng 1.000 phương tiện khai thác thủy sản trong hồ Dầu Tiếng. Đa số các phương tiện khai thác thủy sản trong hồ là ghe nhựa (composite) trang bị động cơ công suất nhỏ dưới 18CV, thời gian hoạt động thường xuyên, liên tục hơn 40 bến bãi xung quanh hồ.

Cắt dây quay vó khai thác thủy sản trái phép trên hồ Dầu Tiếng

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số trường hợp người dân sử dụng các loại ngư cụ cấm như: lồng xếp, ghe nhũi, dán, đăng, xung điện để khai thác. Trong đó, ghe nhũi (te, xệp; ủi dồn) khoảng 200 chiếc, tập trung tại các bến bãi thuộc địa bàn các xã Phước Minh, Phước Ninh (huyện Dương Minh Châu); các xã Tân Hòa, Tân Thành (thuộc huyện Tân Châu) và rải rác ở một số bến bãi khác vẫn chưa được xử lý triệt để.

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT tặng giấy khen cho các cá nhân đạt thành tích tại hội nghị.

Đề xuất giải pháp chặt chẽ hơn, ngành nông nghiệp đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lĩnh vực thủy sản, trong đó chú trọng các quy định của UBND tỉnh đến người dân và các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn; vận động người dân khai thác thủy sản ký cam kết không sử dụng các loại ngư cụ cấm trong khai thác thủy sản.

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT tặng giấy khen cho các cá nhân đạt thành tích tại hội nghị.

Nhân dịp này, Sở NN&PTNT trao giấy khen cho 8 cá nhân có thành tích trong công tác tuyên truyền, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về thủy sản trong hồ Dầu Tiếng năm 2020.

Tâm Giang

Từ khóa
Sở NN&PTNT